Bám sát nhiệm vụ bảo vệ rừng và đa dạng sinh học
Những năm qua, Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, tỉnh Điện Biên thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng. Đặc biệt vùng lõi, vùng đệm của khu bảo tồn.
Hiện nay Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé (KBTTN Mường Nhé) có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn chiếm 26,3% tổng diện tích tự nhiên của huyện Mường Nhé, với 165 km đường biên giới tiếp giáp với hai nước bạn Lào và Trung Quốc. Có vị trí quan trọng phòng hộ đầu nguồn Sông Đà, nơi cung cấp và điều tiết nguồn nước tưới tiêu, sinh hoạt cho các tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình đặc biệt là các công trình thủy điện: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu và Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà.
Do đó rừng và đất rừng KBTTN Mường Nhé có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện cuộc sống cho người dân địa phương, bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và an ninh quốc phòng.
Ông Diệp Văn Chính, Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, cho biết: Những năm qua, xác đinh được tầm quan trọng của rừng, đơn vị đã tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý,bảo vệ và phát triển rừng; thực hiện quản lý theo Quyết định phê duyệt 3 loại rừng trên địa bàn huyện Mường Nhé...
Những ngày đầu mới thành lập, là giai đoạn có nhiều khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, chưa được đầu tư một cách đồng bộ. Cán bộ viên chức trong đơn vị còn trẻ, lực lượng biên chế còn thiếu, nên còn nhiều hạn chế trong việc triển khai và thực hiện nhiệm vụ được giao. Các xã trong khu vực bảo tồn chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số trình độ văn hóa không đồng đều, đời sống của người dân vô cùng khó khăn, phong tục tập quán canh tác lạc hậu, nhận thức về bảo vệ rừng còn nhiều hạn chế, thiếu đất sản xuất gây khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Đặc biệt, địa bàn đơn vị được giao quản lý rộng, trải dài trên 5 xã biên giới, địa hình phức tạp, nguy cơ cao và mất an toàn về an ninh trật tự.
Tuy nhiên được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, các Sở, ban, ngành, Sở NN&PTNT tỉnh Điện Biên, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Mường Nhé và sự đoàn kết, đồng lòng của tập thể cán bộ công chức, viên chức của Ban quản lý KBTTN đã khắc phục, vượt qua những khó khăn, thách thức để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Bám sát chức năng nhiệm vụ chủ động tổ chức các biện pháp bảo vệ rừng, PCCCR và bảo tồn đa dạng sinh học trên diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao quản lý.
Đến nay, Ban quản lý KBTTN Mường Nhé đã hoàn thành các chỉ tiêu đề ra về bảo vệ và phát triển rừng bền vững diện tích rừng hiện có và diện tích mới phát triển thành rừng giai đoạn 2015-2020 góp phần nâng cao tỉ lệ che phủ rừng của KBT lên 75,95% (năm 2020) vượt chỉ tiêu 3,95% so với Nghi quyết Đại hội nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra.
Bảo đảm 15% diện tích rừng bị suy thoái giai đoạn trước được phục hồi đến năm 2020. Số lượng loài nguy cấp, quý hiếm bị đe dọa tuyệt chủng và số lượng lượng các quần thể các loài được cải thiện. Tăng cường năng lực thực thi pháp luật trong lĩnh vực Lâm nghiệp: Số vụ vi phạm trong giai đoạn 2015-2020 giảm 54,05% so với giai đoạn 2010-2015. Số vụ cháy rừng giai đoạn 2015-2020 giảm 35% so với giai đoạn 2010-2015.
Thực hiện ứng dụng đồng bộ thiết bị di động và các phần mềm chuyên dùng để theo dõi diễn biến rừng và công nghệ viễn thám sử dụng ảnh vệ tinh phục vụ việc quản lý, giám sát tài nguyên rừng giúp đơn vị nhanh chóng phát hiện các điểm biến động rừng; các điểm cháy rừng để có các biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời giảm thiểu các tác động, thiệt hại đến tài nguyên rừng một cách thấp nhất.
Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý và bảo vệ rừng, Ban quản lý KBTTN Mường Nhé, tiếp tục tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác quản lý bảo vệ rừng đặc dụng và Phòng cháy chữa cháy rừng. Tăng cường công tác quản lý và nâng cao vai trò quản lý bảo vệ rừng đặc dụng của các cộng đồng bản vùng đệm tham gia nhận khoán bảo vệ rừng theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ điều tra, đánh giá thực trạng hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học, đề xuất các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học và xây dựng phương án quản lý rừng bền vững tại Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé; rà soát cắm mốc ranh giới rừng đặc dụng sau khi thực hiện xong công tác xin giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử đất trong vùng quy hoạch khu bảo tồn, đẩy mạnh công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, nghiệp vụ chuyên môn quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho công chức; viên chức; người lao động; tổ PCCCR theo chương trình, kế hoạch, chức năng nhiệm vụ của chủ rừng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Hoàng Châu