Cần chiến lược tuyên truyền phù hợp để người dân cùng bảo vệ rừng
Theo đánh giá, thời gian qua việc triển khai, áp dụng các chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng ở nước ta đã và đang phát huy hiệu quả, đạt được những thành tựu tích cực, góp phần bảo vệ và phát triển bền vững vốn rừng hiện có.
Nhiều kết quả đáng ghi nhận
Là một địa phương có diện tích rừng lớn, thời gian qua, lực lượng Kiểm lâm Bắc Kạn đã tăng cường thực hiện Chỉ thị 13 của Tỉnh ủy về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển các khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đặc biệt chú trọng tuyên truyền, phổ biến Luật Lâm nghiệp; những chủ trương, chính sách, quy định mới trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tong những năm qua, Chi cục Kiểm lâm đã xây dựng Bộ tài liệu tuyên truyền trong lĩnh vực lâm nghiệp, triển khai đến toàn thể lực lượng Kiểm lâm và UBND các huyện, xã, phường trên địa bàn tỉnh, tổ chức hội nghị cấp tỉnh triển khai, phổ biến các quy định của pháp luật có liên quan cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến, mua bán, kinh doanh, thương mại lâm nghiệp. Hình thức tuyên truyền trực tiếp thông qua các cuộc họp tại xã, thôn, bản được nỗ lực thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn cho biết, khu Bảo tồn có diện tích hơn 14.000 ha, nằm trên địa bàn hàng chục thôn, bản của 2 huyện Na Rì và Bạch Thông. Do vậy, việc tuyên truyền được đơn vị thực hiện thường xuyên gắn liền với các cuộc họp của thôn, bản. Nội dung tập trung vào các vấn đề cụ thể như giao khoán bảo vệ rừng; Phát triển rừng đặc dụng, trồng rừng tập trung và phân tán; Phổ biến các nội dung, chính sách, quy định về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng đặc dụng... Việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền trong thời gian qua đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý rừng. Và cách làm hay, sáng tạo được nhân rộng ra ở nhiều địa phương khác trên cả nước.
Kết quả thống kê cho thấy, tỉ lệ che phủ rừng toàn quốc tăng từ 40,84% năm 2015 lên 41,89% năm 2019, ước năm 2020 đạt khoảng 42%, đạt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Đến cuối năm 2019, tổng diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững toàn quốc đạt 269,1 nghìn ha trên địa bàn 24 tỉnh (trong đó, diện tích được cấp chứng chỉ rừng theo Hệ thống chứng chỉ rừng của Việt Nam là 10 nghìn ha). Diện tích được cấp mới chứng chỉ quản lý rừng bền vững trong năm 2019 là gần 43 nghìn ha. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt 2,0 triệu m3.
Công tác bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng tiếp tục có nhiều tiến bộ, tình trạng vi phạm pháp luật về lâm nghiệp đã giảm rõ rệt. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2019, diện tích rừng trồng tập trung của cả nước ước tính đạt 273,6 nghìn ha; Số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 81,1 triệu cây; Sản lượng củi khai thác đạt 19,5 triệu ste; sản lượng gỗ khai thác đạt 16,1 triệu m3. Một số địa phương có sản lượng gỗ khai thác tăng cao: Quảng Ngãi tăng 28,7%; Nghệ An tăng 14,9%; Quảng Nam tăng 14,1%; Quảng Trị tăng 10,1%; Hòa Bình tăng 8,5%.
Hiện ngành lâm nghiệp cũng đã triển khai ứng dụng công nghệ cao, công nghệ viễn thám trong xây dựng bản đồ hiện trạng rừng cho 39 tỉnh, thành phố; Điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc và đã xây dựng hệ thống bản đồ, bộ số liệu gắn với bản đồ kiểm kê rừng; Xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên rừng; Dự báo, cảnh báo lửa rừng, sâu bệnh hại rừng; Nghiên cứu hiệu quả gắn với từng khâu sản xuất, chế biến, từng sản phẩm, dịch vụ môi trường rừng… Những kết quả nghiên cứu đó đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu gỗ của cả nước, với trị giá xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tăng từ 6,79 tỉ USD năm 2015 lên 10,64 tỉ USD năm 2019. Lâm sản Việt Nam được xuất khẩu tới hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ với các thị trường xuất khẩu chính gồm: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc, chiếm trên 80% tổng giá trị xuất khẩu lâm sản. Việt Nam hiện đứng thứ năm thế giới, đứng thứ hai châu Á, thứ nhất Đông Nam Á về xuất khẩu lâm sản. Đến nay, nguồn nguyên liệu gỗ trong nước đã đáp ứng được hơn 70% nhu cầu cho sản xuất sản phẩm xuất khẩu.
Phát triển bền vững để người dân giữ rừng
Diện tích rừng cả nước chủ yếu tập trung ở địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, khu vực biên giới, rừng đầu nguồn lưu vực các con sông, suối lớn. Song thực tế cho thấy ở khu vực này, đồng bào dân tộc thiểu số chưa thể dựa vào rừng để đảm bảo sinh kế có thu nhập và sống ổn định từ rừng. Do vậy, công tác bảo vệ, phát triển rừng và chi trả các chi phí liên quan còn chưa thực sự đem lại hiệu quả. Bên cạnh đó, mặc dù đã có chính sách giao đất giao rừng đi kèm với hướng dẫn quy định về nguồn lực tài chính, định mức chi trả cho khoanh nuôi, bảo vệ và chi trả dịch vụ môi trường rừng, tuy nhiên các định mức chi trả đó còn thấp nên chưa tạo động lực để người dân chủ động tự giác bảo vệ, phát triển rừng.
Thời gian tới để bảo đảm tính bền vững và tiếp nối các chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững, các chuyên gia cho rằng, cần có sự nghiên cứu, tổng kết, đánh giá chính sách lâm nghiệp hiện hành để đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung nhằm từng bước hoàn thiện chính sách đầu tư, tạo động lực cho các tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế tham gia vào việc bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản tạo đòn bẩy cho phát triển lâm sản trong giai đoạn 2021 - 2025, định hướng cho phát triển Lâm nghiệp đến 2030. Các chính sách phát triển kinh tế nông lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân nên tiếp tục được triển khai trong giai đoạn tới hoặc được lồng ghép vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Ở một số địa phương, bên cạnh những kết quả đạt được, hiệu quả công tác tuyên truyền tại cơ sở chưa đạt yêu cầu, dẫn tới tình trạng phát, phá rừng trái phép còn xảy ra. Có vụ rừng tự nhiên bị chặt phá để trồng rừng và làm nương rẫy nhưng chính quyền địa phương, lực lượng kiểm lâm và các cơ quan có liên quan chưa kịp thời ngăn chặn.
Theo một số chuyên gia, để công tác tuyên truyền trong thời gian tới đạt chất lượng và hiệu quả cao, cần có những giải pháp đồng bộ như: Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp trong việc thực hiện công tác lâm nghiệp gắn liền với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền sát với thực tiễn cuộc sống, đúng chủ trương, đường lối của Đảng. Đặc biệt, cần có những cách thức tuyên truyền phù hợp với trình độ của đồng bào các dân tộc nhằm khuyến khích, thu hút được đông đảo người dân tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Thực hiện nghiêm các biện pháp chế tài theo đúng tinh thần Chỉ thị 13, đó là: “…Chủ rừng chịu trách nhiệm cao nhất khi để xảy ra việc chặt phá rừng. Cấp ủy, chính quyền huyện, xã chịu trách nhiệm khi để người dân tham gia chặt phá, khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái pháp luật. Cơ quan kiểm lâm chịu trách nhiệm chính trong việc phát hiện, xử lý tình trạng chặt phát rừng, vận chuyển, mua bán lâm sản trái pháp luật. Xử lý nghiêm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành thiếu trách nhiệm để xảy ra tình trạng chặt phá, vận chuyển, mua bán lâm sản trái pháp luật trên địa bàn, lĩnh vực quản lý mà không có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời; Tùy theo mức độ vi phạm sẽ xem xét, xử lý kỷ luật bằng các hình thức như cách chức, giáng chức, điều chuyển công tác đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ”.
Xuân Hòa