Thứ tư, 24/04/2024 01:17 (GMT+7)
Thứ sáu, 23/04/2021 06:40 (GMT+7)

Bảo vệ rừng từ những quyết sách, phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Theo dõi KTMT trên

Nhiều năm qua, công tác bảo vệ và phát triển rừng luôn được xem là nhiệm vụ trọng tâm trong các chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đến nay, hệ số che phủ rừng của nước ta đang ở mức 42%.

Chưa bao giờ việc bảo vệ rừng lại nhận được sự quan tâm của dư luận nhiều như thời gian qua. Bởi lẽ, một số địa phương liên tiếp gặp phải các thảm họa thiên tai khốc liệt gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản mà nguyên nhân sâu xa từ việc tàn phá rừng. Việc bảo vệ rừng “nóng” từ các cơ quan trung ương đến địa phương và nhiều lần được các ĐBQH đưa vào nghị trường Quốc hội.

Được biết, theo kế hoạch chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu duy trì tỉ lệ che phủ rừng ổn định khoảng 42 - 43%. Trồng rừng sản xuất khoảng 340.000 ha/năm vào năm 2030, trong đó chủ yếu là trồng tái canh. Riêng hệ thống rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ở miền núi và ven biển sẽ bảo tồn và bảo vệ khoảng 3,3 triệu ha. Trồng rừng phòng hộ, đặc dụng 4.000 - 6.000 ha/năm và phấn đấu phục hồi khoảng 150.000 ha rừng.

Thực tế, để đạt được những con số ấn tượng về độ che phủ rừng là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trong đó, có những quyết sách, chỉ đạo từ chính các lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng động viên ngành lâm nghiệp

Ngày 1/12/2020, Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Truyền thống ngành Lâm nghiệp Việt Nam (1/12/1945-1/12/2020), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi thư chúc mừng.

Thời điểm đó, thư chúc mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Trải qua 75 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Lâm nghiệp cả nước luôn đoàn kết, cần cù sáng tạo trong học tập, lao động và sản xuất, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, không ngừng trưởng thành, lập được nhiều thành tích xuất sắc trong công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành, quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, bảo tồn hệ sinh thái rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của đất nước qua các giai đoạn lịch sử trước đây, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Ghi nhận những đóng góp to lớn đó, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng Ngành Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý. Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương những thành tựu và đóng góp to lớn của Ngành Lâm nghiệp Việt Nam trong 75 năm qua”.

Bảo vệ rừng từ những quyết sách, phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước - Ảnh 1
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: TTXVN)

Thư của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Đất nước ta đang bước vào thời kỳ phát triển mới, có nhiều thuận lợi nhưng cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức nghiêm trọng do biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, thiên tai, bão lũ. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, trước yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, nhiệm vụ của Ngành rất nặng nề nhưng cũng rất vinh quang”.

Tổng Bí thư tin tưởng ngành Lâm nghiệp đoàn kết, chung sức, đồng lòng, đổi mới sáng tạo, thực hiện tốt nhiệm vụ, trọng trách của mình, xây dựng ngành Lâm nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển; thấm nhuần và thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu: "Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý".

Thủ tướng Chính phủ và thông điệp từ chương trình 1 tỉ cây xanh

Giữa tháng 2/2021, khi còn đang giữ chức vụ là người đứng đầu Chính phủ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã truyền đi thông điệp về chương trình 1 tỉ cây xanh.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi đó nhấn mạnh, hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” trên toàn quốc theo đề án trồng ít nhất 1 tỉ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 như lời phát động của Thủ tướng tại Chỉ thị số 45, trong đó có gần 700 triệu cây xanh được trồng phân tán ở khu vực đô thị và nông thôn, hơn 300 triệu cây xanh trồng rừng tập trung. Cùng với các chương trình hành động của ngành nông nghiệp và các địa phương trong các nỗ lực bảo tồn và nâng cao tỉ lệ độ che phủ của rừng, Đề án sẽ không chỉ góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, mà còn xanh hóa khu vực đô thị và nông thôn Việt Nam.

Người đứng đầu Chính phủ khi đó cho rằng, màu xanh cũng đồng nghĩa với sự thịnh vượng, là màu của sự sinh sôi và phát triển bền vững. “Vì một Việt Nam xanh tươi hơn, sạch đẹp hơn” hoặc “Vì một Việt Nam xanh” là thông điệp chính của Chương trình 1 tỉ cây xanh”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ.

Bảo vệ rừng từ những quyết sách, phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước - Ảnh 2
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: TTXVN)

Bộ trưởng Bộ TN&MT: “Rừng quan trọng hơn cả trời”

Đó là lời khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội ngày 6/11/2020.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Ksor H’Bơ Khăp (đoàn Gia Lai) về quan điểm của Bộ trưởng có tiếp tục ủng hộ xây dựng thủy điện nhỏ và giải pháp hạn chế hậu quả thiên tai, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, hiện nay chúng ta không tận dụng được thủy điện một cách thân thiện môi trường như nhiều quốc gia văn minh khác.

Bộ trưởng cho rằng thủy điện không phải là nguyên nhân gây mất rừng, lũ lụt mà là do cách con người ứng xử với rừng, khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức, thói quen tiêu thụ đồ gỗ tự nhiên, khi "trong nhà dùng toàn đồ gỗ, sử dụng sản phẩm từ các động vật hoang dã”.

“Đại biểu nói với tôi rằng rừng quan trọng như thế nào? Tôi nghĩ rừng còn quan trọng hơn cả trời. Bởi vì tôi thở không khí từ việc lọc khí CO2 và thải ra khí O2 của rừng. Rừng là nơi cung cấp 70% các tài nguyên và cung cấp cho cuộc sống con người. Rừng là những gì hết sức thiêng liêng, rừng sinh thủy, rừng chứa chúng ta vào, che chở cho bộ đội trong chiến tranh…”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.

Bảo vệ rừng từ những quyết sách, phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước - Ảnh 3
Bộ trưởng Trần Hồng Hà. (Ảnh: Báo TN&MT)

Bộ trưởng Bộ tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh cá nhân ông coi rừng và việc bảo vệ rừng là rất quan trọng. Thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát từng mét đất rừng tự nhiên, phòng hộ, đặc dụng, kể cả những nơi không còn rừng nhưng có ý nghĩa trong phòng hộ thì phải phục hồi rừng nguyên sinh theo đúng nghĩa của nó.

Theo thống kê từ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 1990 Việt nam chỉ có 9 triệu ha rừng, hệ số che phủ lúc đó chỉ đạt 27%. Đến nay, tổng diện tích rừng của Việt Nam là 14,6 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha, rừng trồng là 4,3 triệu ha, hệ số che phủ đạt 42%, cao hơn mức bình quân thế giới (29%).

Về nguồn thu từ rừng, mỗi năm xã hội hóa thu được 3.000 tỉ đồng. Ngày 20/10/2020, Việt Nam chính thức ký với đối tác về carbon của thế giới, bán được 10 triệu m3 CO2, với giá bán 1 m3 là 5 USD.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Bảo vệ rừng từ những quyết sách, phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hà Tĩnh khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024
Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.