Cuộc chiến bảo vệ rừng gỗ nghiến và rào cản pháp lý trong quản lý lâm sản
Ngành Kiểm lâm nhiều địa phương đã không ít lần kêu khó và những rừng nghiến cổ thụ hàng trăm tuổi ở khu vực “tam giác nghiến” Điện Biên – Sơn La – Lai Châu ngày càng thưa dần đi và có nguy cơ biến mất".
Kho của Hạt Kiểm lâm Tủa Chùa chủ yếu chứa thớt nghiến
Để hiểu hơn về cuộc chiến giữ rừng nghiến cổ thụ ở Điện Biên, phóng viên đã trực tiếp tham gia một cuộc tuần tra rừng gỗ nghiến trên những ngọn núi đá cheo leo, sau đó tham gia trực tiếp một cuộc truy bắt đối tượng vận chuyển trái phép gỗ nghiến dạng thớt cùng cán bộ Kiểm lâm địa bàn huyện Tủa Chùa. Qua đó thấy được phần nào những khó khăn, vất vả trong cuộc chiến với lâm tặc để bảo vệ rừng nghiến cổ thụ.
Trời vừa tảng sáng, chúng tôi gấp rút cùng đoàn Kiểm lâm huyện Tủa Chùa đi tuần tra rừng nghiến thuộc các xã phía Nam của huyện. Sau gần 3 tiếng luồn rừng, vượt qua những vách đá cheo leo, chúng tôi cũng đến được khu vực có rừng nghiến cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Những cây nghiến vỏ xù xì đầy rêu mốc, rễ luồn lách qua từng kẽ đá đâm sâu vào lòng đất. Có cây nghiến cả mấy người ôm không xuể.
Một cán bộ kiểm lâm chia sẻ, đã là gỗ nghiến đều rất quý, trong đó gỗ nghiến núi đá được xếp hạng cực phẩm. Bởi cây nghiến sinh trưởng, phát triển trên các dãy núi đá tai mèo, nơi có môi trường, điều kiện khắc nghiệt, nghiến lớn rất chậm. Nhưng chính sự chậm lớn ấy lại làm nên giá trị của nó. Nghiến núi đá cây nào cũng cứng, chắc và các sản phẩm từ gỗ nghiến rất đẹp và bền.
Tranh thủ thời gian nghỉ, anh Giàng A Thịnh, cán bộ kiểm lâm địa bàn xã Tủa Thàng chia sẻ, tổ quản lý, bảo vệ rừng thôn bản và kiểm lâm địa bàn thường xuyên tổ chức tuần tra rừng nhưng do điều kiện địa hình phức tạp, núi đá dựng đứng, đường ranh giới rộng, giáp ranh với nhiều huyện, trong khi đó lực lượng thực thi nhiệm vụ còn mỏng chưa đáp ứng được yêu cầu trong công tác bảo vệ và phát triển rừng ở khu vực này.
Bên cạnh đó, khu vực có gỗ nghiến thường nằm sâu trong rừng, khó tiếp cận; có những cây nghiến bị gãy đổ hoặc bị đốn hạ một thời gian lâu sau mới được phát hiện nên rất khó khăn trong công tác điều tra, thu thập thông tin và xử lý các đối tượng vi phạm.
“Ðấu tranh với lâm tặc trong rừng đã khó nhưng đấu tranh với các đối tượng buôn bán, vận chuyển thớt nghiến qua địa bàn cũng không kém phần vất vả. Với kinh nghiệm nhiều năm công tác, tôi chỉ cần nhìn qua là biết đối tượng, phương tiện nào đang vận chuyển thớt nghiến. Có nhiều hôm, tôi đang đi trên đường thấy các đối tượng chở thớt nghiến vụt qua trước mặt nhưng không thể nào đuổi kịp. Quá trình đuổi bắt, nếu bị phát hiện, đối tượng sẽ bỏ lại tang vật để tẩu thoát hoặc chống trả quyết liệt, rất nguy hiểm” - anh Giàng A Thịnh tâm sự.
Sau gần nửa ngày leo rừng, đoàn công tác cũng hoàn thành khối lượng công việc đề ra. Ðoàn công tác của Hạt kiểm lâm về trước, anh Giàng A Thịnh, kiểm lâm địa bàn nán lại thôn để thống nhất một số nội dung trong công tác quản lý, bảo vệ rừng thời gian tới. Xong việc thì trời chập choạng tối.
Chúng tôi thong thả đi xe máy, vừa đi vừa trò chuyện, bỗng nhiên anh Thịnh chỉ tay về phía chiếc xe máy vừa vượt qua và nói: “Chiếc xe này chở thớt nghiến. Anh bám chắc vào. Hôm nay, nhất định em sẽ không để tuột đối tượng này”.
Nói rồi, anh Thịnh vít ga phóng theo chiếc xe máy đang lao nhanh. Cứ như vậy, trên quãng đường khoảng hơn 20km từ trung tâm xã Xá Nhè, 2 chiếc xe máy rượt nhau vượt qua những đèo dốc, khúc cua tay áo và những đoạn đường cấp phối gập ghềnh. Khi về đến gần trung tâm xã Mường Báng, anh Thịnh mới gần bắt kịp xe máy vận chuyển thớt nghiến.
Tuy nhiên, vào giây phút cuối cùng, đối tượng đã phát hiện và “nhanh như cắt” giật mạnh sợi dây ở thân xe đẩy toàn bộ số thớt rơi xuống đường và vút đi trong đêm tối. Anh Thịnh cũng nhanh chóng dừng xe, kiểm tra tang vật và thông báo cho Hạt Kiểm lâm huyện Tủa Chùa lập biên bản thu giữ 13 thớt nghiến để xử lý theo quy định. Theo ước tính của anh Thịnh, 13 thớt nghiến này, đối tượng cũng kiếm được khoảng 4 triệu đồng. Do đó, nhiều đối tượng đã bất chấp pháp luật để vận chuyển, buôn bán thớt nghiến.
Cũng vì thế mà kho chứa tang vật vi phạm của Hạt Kiểm lâm Tủa Chùa chủ yếu là chứa thớt nghiến.
Ông Trần Quốc Khánh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tủa Chùa cho biết: Từ nhiều năm nay "cuộc chiến’’ bảo vệ rừng nghiến luôn gặp nhiều khó khăn. Lực lượng kiểm lâm và các cơ quan chức năng đã vào cuộc mạnh mẽ, song tình trạng khai thác trái phép, vận chuyển và buôn bán gỗ nghiến dạng thớt vẫn diễn ra với hình thức tinh vi hơn.
Hiện nay, việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc gặp rất nhiều khó khăn do phương thức thủ đoạn hoạt động rất tinh vi, thời gian diễn ra hành vi phạm tội thường vào ban đêm và đối tượng vi phạm sẵn sàng liều lĩnh chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện.
Do đó, để bảo vệ rừng gỗ nghiến cổ thụ, ngoài sự nỗ lực, phối hợp của lực lượng chức năng, chúng tôi cũng đang tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức quản lý, bảo vệ rừng của người dân; kịp thời phát hiện và tố giác những đối tượng khai thác rừng trái phép, chế biến, vận chuyển và buôn bán các sản phẩm gỗ nghiến... Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Hạt kiểm lâm 2 huyện: Tuần Giáo, Tủa Chùa đã ký cam kết phối hợp, hợp đồng tác chiến với các hạt kiểm lâm giáp ranh của tỉnh Sơn La để ngăn chặn tình trạng khai thác gỗ nghiến tại địa bàn giáp ranh.
Còn rào cản pháp lý trong quản lý lâm sản, có nên thu “búa” của kiểm lâm?
Ngày 27/3/2021, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đã đăng tải bài viết “Ai tiếp tay buôn bán thớt gỗ nghiến trên đỉnh đèo Pha Đin?” phản ánh những bất cập trong công tác quản lý tình trạng buôn bán thớt gỗ nghiến trên đỉnh đèo Pha Đin - nơi giáp ranh giữa 2 tỉnh Điện Biên và Sơn La trong thời gian dài vừa qua.
Trao đổi về nội dung này, ông Hà Lương Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên cho biết, về phía tỉnh Điện Biên, trong 2 năm qua ngành đã rất quyết liệt trong việc kiểm soát tình trạng khai thác, buôn bán vận chuyển sản phẩm từ gỗ nghiến bằng cả đường bộ và đường thuỷ.
Tuy nhiên, hiện nay công tác quản lý đang gặp nhiều khó khăn do sự bất cập của một số quy định pháp luật cũng như sự phối hợp chưa thực sự quyết liệt giữa các ngành, các địa phương để giải quyết triệt để tình trạng này. Bên cạnh đó chức năng, thẩm quyền của lực lượng kiểm lâm vẫn còn có những hạn chế nên rất khó để giải quyết triệt để tận gốc vấn đề.
Khó khăn lớn nhất hiện nay là các đối tượng sử dụng những bộ hồ sơ hợp pháp để hợp pháp hóa gỗ trái pháp luật và thực tế gỗ nghiến khi cắt thành thớt đã được sơ chế, chế biến, sử dụng những bộ hồ sơ này để hợp thức hóa. Những hành vi qua mặt lực lượng chức năng hiện nay rất tinh vi, các đối tượng đặt gỗ đúng đủ kích thước có trong các bộ hồ sơ để vận chuyển trong quá trình tiêu thụ nội địa, do đó vô cùng khó cho lực lượng kiểm lâm khi không có cơ sở để kiểm tra, kiểm soát gỗ đầu đi, đầu đến, xuất bán như thế nào để chứng minh được việc là lô gỗ đó đã xuất hết được.
Ngoài ra, các đối tượng buôn bán đều có sự hỗ trợ, tư vấn về pháp lý, hành vi buôn bán, vận chuyển ngày càng tinh vi nên càng khó phát hiện sai phạm, cơ sở pháp luật để xử lý, khi đọc lệnh khám xét phải có chứng cứ rất cụ thể.
Cũng theo ông Hồng, trong giai đoạn hiện nay, các quy định đều hướng tới sự hội nhập quốc tế, tạo sự thông thoáng trong cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tổ chức sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên các đối tượng đã lợi dụng vào những khe hở này để lách luật, lợi dụng sơ hở để hợp thức hóa những vi phạm pháp luật.
Ví dụ như Thông tư 27 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn rất thông thoáng trong việc tạo điều kiện sản xuất, tổ chức kinh doanh, nhưng đối với các tỉnh miền núi như: Điện Biên, Sơn La, Lai Châu là vùng có cây nghiến gỗ quý thuộc nhóm IIA thì lại đang là bài toán khó cho lực lượng kiểm lâm. Điển hình nhất là việc đánh dấu mẫu vật thì hiện nay đã bỏ việc đóng dấu búa, cho nên khi một chiếc thớt nghiến được hình thành, vận chuyển thì không có cơ sở gì để kiểm chứng, hoàn toàn do chủ lâm sản khai báo và tự chịu trách nhiệm.
Do đó đây là kẽ hở rất lớn để cho các đối tượng lợi dụng gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Nếu trước đây sử dụng phương thức này, tình trạng buôn bán, vận chuyển thớt nghiến trên địa bàn tỉnh Điện Biên không xuất hiện. Nhưng hiện nay gần như không phân biệt được lâm sản mua đi bán lại hoặc vận chuyển từ các vùng khác nhau trong hồ sơ để tiến hành quản lý.
Theo thống kê năm 2020, lực lượng kiểm lâm tỉnh Điện Biên chỉ bắt, tịch thu được 750 chiếc thớt nghiến vận chuyển trái phép bằng đường thủy, tổ chức truy quét bắt tại huyện Tuần Giáo một đối tượng với khối lượng gỗ lớn với 2.192 chiếc thớt nghiến. Còn bắt các vụ nhỏ lẻ từ 5 -15 chiếc diễn ra khá thường xuyên. Hiện nay các đối tượng vận chuyển thớt nghiến đã đổi phương thức di chuyển thành tốp 20-30 người nên không thể tiến hành kiểm tra, bắt giữ được một lúc.
Bên cạnh đó còn cấu kết với những người dân địa phương để thu gom gỗ từ trong dân ra, vận chuyển và sử dụng những bộ hồ sơ đã được hợp pháp hóa nên gây khó khăn rất nhiều trong công tác kiểm tra, kiểm soát.
Ông Hà Lương Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên cho biết thêm, xác định vùng tam giác nghiến Sìn Hồ (Lai Châu) – Quỳnh Nhai (Sơn La) – Tủa Chùa (Điện Biên) dọc theo tuyến sông Đà là một trong những vùng trọng điểm gỗ nghiến của khu vực Tây Bắc, thời gian gần đây các đối tượng tranh thủ triệt để khai thác lâm sản trái phép. Nhận định tình hình này Chi cục Kiểm lâm của 3 tỉnh Điện Biên – Sơn La – Lai Châu đã thực hiện ký quy chế phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ, đấu tranh đối với các đối tượng vi phạm.
Trước khi khắc phục được những rào cản pháp lý, Chi cục kiến nghị các bộ, ngành trung ương sớm xem xét nghiên cứu đặc thù của từng địa phương để có những hướng dẫn, điều chỉnh về mặt quy định pháp luật cho phù hợp. Hiện tỉnh Điện Biên đang tập trung quản lý rừng từ gốc hơn là việc tập trung vào đấu tranh, xử lý vi phạm về vận chuyển, buôn bán.
Đối với các địa phương tăng cường sự vào cuộc của chính quyền từ cấp cơ sở, xã, phường; nêu cao tinh thần trách nhiệm, có kiểm điểm và xử lý trách nhiệm trong việc bảo vệ nhóm gỗ nghiến quý hiếm. Bởi nếu không, nguồn tài nguyên này sẽ sớm bị cạn kiệt, những cánh rừng gỗ nghiến hàng trăm năm tuổi sẽ 'biến mất" trong tương lai không xa.
PV