Thứ sáu, 29/03/2024 09:05 (GMT+7)
Thứ ba, 06/04/2021 17:51 (GMT+7)

Đưa rừng gỗ quý vào quy hoạch rừng

Theo dõi KTMT trên

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai đang xin ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn việc đưa rừng gỗ quý vào quy hoạch thành rừng đặc dụng và mở rộng diện tích rừng đặc dụng trên địa bàn nhằm bảo vệ tốt hơn các nhóm gỗ quý, hiếm.

Rừng gỗ quý liên tục “chảy máu”

Trong 3 tháng đầu năm 2021 trên cả nước đã phát hiện 716 vụ vi phạm ảnh hưởng tới rừng, thu giữ hàng trăm mét khối gỗ lậu và gây thiệt hại khoảng 20 ha rừng.

Ngày 23/2, lực lượng chức năng huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk vào rừng để khám nghiệm hiện trường vụ khai thác gỗ pơ-mu quý hiếm trên lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông. Liên quan đến vụ việc này, Công an huyện Krông Bông mật phục bắt giữ 9 đối tượng đang dùng 5 con trâu chở 7 m3 gỗ pơ-mu khai thác trên lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông.

Đưa rừng gỗ quý vào quy hoạch rừng - Ảnh 1
Hiện trường một vụ phá rừng. 

Theo báo cáo của công ty vào ngày 23-2, có tổng cộng 15 điểm nằm trong tiểu khu 1198 và 1219, lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông bị lâm tặc chặt hạ cây pơ-mu (nhóm IIA). Tổng cộng có 15 cây đường kính từ 70-100 cm bị hạ, khối lượng còn lại hiện trường hơn 32 m3.

Mới đây, ngày 26/3/2021, Công an huyện Kbang đã khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam 2 đối tượng để điều tra về hành vi vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản, trong vụ án phá rừng tại lô 21, khoảnh 3, tiểu khu 138 lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lơ Ku quản lý, thuộc địa giới hành chính xã Lơ Ku, huyện Kbang. Vụ việc được phát hiện vào tháng 1/2021.

Cũng trong tháng 1/2021, lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai phát hiện vụ khai thác rừng trái phép tại 2 tiểu khu 137 và 138 thuộc lâm phần quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lơ Ku, gây thiệt hại hơn 49 m3 gỗ. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, cơ quan chức năng huyện Kbang đã tiến hành kiểm tra hiện trường, khởi tố vụ án, truy bắt các đối tượng.

Tình trạng lâm tặc ung dung đốn hạ những cây gỗ pơ-mu, gỗ hương quý hiếm hàng trăm tuổi gần chốt bảo vệ rừng nhưng lực lượng quản lý bảo vệ rừng cho rằng không biết

Đưa rừng gỗ quý vào quy hoạch rừng - Ảnh 2
Hàng loạt các loại gỗ quý bị chặt hạ. 

Trước đó, vào ngày 18/11/2020, Công an huyện Kbang tiếp nhận tin báo, xác định vụ khai thác gỗ trái phép xảy ra tại Tiểu khu 90, Lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa quản lý. Công an huyện Kbang đã phối hợp với ngành chức năng, chính quyền xã Krong, Công ty Lâm nghiệp khám nghiệm hiện trường và trưng cầu giám định trong hồ sơ vụ án. Theo đó, ước tính ban đầu tổng khối lượng gỗ tròn thiệt hại gần 20 m3 gỗ hương và 0,38 ster củi.

Hầu hết số gỗ này đều đã được lâm tặc đưa ra khỏi rừng và gốc còn tươi. Trong đó đa số là các cây gỗ quý thuộc các nhóm 1, 2, 3 như gõ, lim, táu, huỵnh, dẻ... Đường kính nhiều cây gỗ bị hạ lên đến gần 1 m.

Xin quy hoạch rừng đặc dụng

Rừng gỗ quý liên tục bị “chảy máu”, tình trạng lâm tặc không ngán ngại xâm hại rừng làm mất ổn định an ninh trật tự địa phương. Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND huyện Kbang - cho biết, thời gian tới UBND huyện sẽ chỉ đạo Công an, Kiểm lâm, Dân quân tự vệ, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý các xe chế độ, xe cơi nới thùng để chở gỗ vào ra khu vực địa bàn. Đồng thời kiểm tra hoạt động của các xưởng gỗ, chốt chặn nghiêm ngặt trên các tuyến đường.

UBND huyện kiến nghị đưa diện tích rừng gỗ hương vào quy hoạch thành rừng đặc dụng hoặc rừng phòng hộ. Như vậy, sẽ có nguồn kinh phí cũng như lực lượng đủ để bảo vệ tốt hơn các khu vực có rừng gỗ hương phân bố. Bởi các Công ty Lâm nghiệp với nhân lực, phương tiện thiếu thốn khó đảm đương được nhiệm vụ.

Ông Lưu Trung Nghĩa - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Gia Lai - cho biết, hiện nay ở trên địa bàn tỉnh có những khu rừng rất giàu về trữ lượng gỗ và có giá trị đa dạng sinh học cao. Thời gian qua, do chính sách quy hoạch và công tác bảo vệ có những bất cập dẫn đến việc rừng gỗ quý bị các nhóm lâm tặc dòm ngó, manh động, đặc biệt là rừng vùng Kbang.

Sở đang phối hợp với Bộ NNPTNT triển khai lại quy hoạch Lâm nghiệp, sắp xếp 3 loại rừng giai đoạn 2021-2030. “Chúng tôi đang rà soát và đề nghị đưa vào quy hoạch đối với những rừng hương, rừng gỗ trắc, rừng cộng đồng có cây gỗ quý vào quy hoạch rừng đặc dụng, nhằm có chế độ chính sách tốt hơn, quy chế bảo vệ nghiêm ngặt hơn để bảo vệ rừng” - ông Nghĩa nói.

Theo ông Nghĩa, việc này phù hợp với định hướng chung của phát triển ngành Lâm nghiệp. Hiện nay, tỉ lệ diện tích rừng đặc dụng trung bình của các tỉnh thành trên cả nước là 14%, trong khi Gia Lai mới chỉ được 9%. Do đó, việc đề xuất thêm vào diện tích rừng đặc dụng đối với rừng hương cổ thụ là phù hợp, đảm bảo tỉ lệ trung bình chung của nước. Như vậy vừa giữ được rừng vừa bảo vệ đa dạng sinh học.

Hiện nay, khu vực rừng quý hiếm đang thuộc diện quản lý của các Ban quản lý rừng phòng hộ hoặc Công ty Lâm nghiệp. Tỉnh Gia Lai sẽ kiến nghị mở rộng thêm diện tích của Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, Khu bảo tồn Kon Chư Răng với hàng nghìn hécta rừng tự nhiên, nguyên sinh.

Việc quy hoạch lại 3 loại rừng theo quy định của Chính phủ vừa để tăng cường bảo vệ, phòng ngừa, răn đe các đối tượng vi phạm, vì khi xâm hại rừng đặc dụng sẽ bị chế tài nặng và sự trừng phạt của pháp luật.

Thanh Thúy

Bạn đang đọc bài viết Đưa rừng gỗ quý vào quy hoạch rừng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khang Điền nói gì về việc lợi nhuận kinh doanh giảm?
Theo báo cáo tài chính, tình hình kinh doanh năm 2023 của Công ty Cổ phần Đầu tư và nhà Khang Điền ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong năm chỉ đạt 730 tỷ giảm hơn 42,7% so với năm trước và hàng tồn kho của đơn vị cũng tăng hơn 50% so với đầu năm.