Chung tay bảo vệ rừng ngập mặn Đồng Rui
Người dân xã đảo Đồng Rui, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh coi rừng ngập mặn là nguồn sống của nhiều thế hệ và đang gắng sức chăm sóc, gìn giữ khu rừng cây ngập mặn nguyên sinh cổ nhất và đẹp nhất miền Bắc này.
Rừng ngập mặn ven biển Đồng Rui, Tiên Yên, Quảng Ninh là khu rừng cây ngập mặn nguyên sinh cổ nhất và đẹp nhất miền Bắc, với nhiều loại cây có khả năng chịu mặn như trang, sú, vẹt, bần... Có nhiều cây đã hàng trăm năm tuổi được bảo tồn nghiêm ngặt để duy trì nguồn gen quý. Với người dân xã đảo Đồng Rui, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh, rừng ngập mặn còn là nguồn sống của nhiều thế hệ.
Trời bắt đầu ngả bóng, thủy triều rút trơ bãi cát, chị Nguyễn Thị Phượng và nhiều người dân thôn Hạ, xã Đồng Rui vác cuốc xuống khu đồi Bảy Mẫu để cuốc sâu đất (còn gọi là con giun biển). Đồi là theo cách gọi của địa phương nhưng thực chất là những cánh rừng ngập mặn mới được hoàn nguyên chạy dài theo con đê của xã. Để bắt được sâu đất, chị Phượng cúi người và luôn phải quan sát, tìm kiếm vết đùn rồi nhanh tay cuốc những nhát thật chuẩn. Chỉ một lúc, chiếc giỏ của chị Phượng đã nặng trĩu những con sâu đất cỡ lớn.... Mùa nào thức ấy, bãi rừng ngập mặn của xã luôn là địa chỉ để bà con xã Đồng Rui mưu sinh, nhất là từ khi xuất hiện dịch Covid-19 đến nay.
Chị Phương bảo: “Trước kia những đầm này họ đắp kín, những cây sú, vẹt chết hết không còn con gì cả. Bây giờ có sâu, ngao, vạng, cáy. Trên những cây sú này ốc hóa ra, bấu vào cây sinh sống. Cứ có cây là có sự sống và xuống biển là mưu sinh được. Từ người già đến trẻ con phần lớn mưu sinh nhờ biển. Học sinh mỗi ngày cũng kiếm được 100.000-150.000 đồng".
Cách xa nơi chị Nguyễn Thị Phượng cuốc sâu đất là những cánh rừng ngập mặn nguyên sinh với những cây sú, vẹt, cây mắm cao quá đầu người, tán rộng như mâm xôi in bóng xuống mặt nước. Để ra những cánh rừng này, phải chờ nước lớn và di chuyển bằng thuyền nan mới có thể tới những cây sú, vẹt có tuổi thọ hơn trăm năm.
Ông Nông Văn Chiên, người dân Tiên Yên cho biết: “Giai đoạn năm 2010, lúc đó gas không có, chất đốt còn hạn chế. Bà con ra rừng sú chặt về làm chất đốt. Năm 2013, rộ lên phong trào làm đầm nuôi tôm. Đâu đâu cũng thấy khoanh vùng, họ phá nhiều ha rừng để làm đầm nuôi tôm. Sau đó họ nhận thức ra bởi rừng bị chặt đi rồi do sóng biển, bão gió ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống người dân”.
Sau những tổn thương do chặt phá rừng tràn lan, các dự án trồng mới, trám vào diện tích đã bị chặt phá được các tổ chức phi chính phủ, các cấp các ngành đẩy mạnh, tăng thêm sức sống cho rừng ngập mặn Đồng Rui. Sau một thời gian, những thảm thực vật đã hồi sinh, vươn lên đều tăm tắp. Dưới gốc cây là những con cáy xanh, cua càng rộng, các loại ốc cộng sinh như khẳng định sức sống mãnh liệt của loài cây trên vùng đất ngập mặn. Để bảo vệ diện tích rừng này, tổ quản lý rừng ngập mặn của xã Đồng Rui được thành lập gồm 3 người, có nhiệm vụ phối hợp với lực lượng kiểm lâm tuần tra kiểm soát và nhắc nhở bà con bảo vệ rừng. Ông Hoàng Văn Thống (62 tuổi), Tổ trưởng tổ tự quản Rừng ngập mặn xã Đồng Rui bảo người dân giờ đã nhận rõ những giá trị kinh tế và tự nguyện tham gia công tác bảo vệ rừng ngập mặn.
“Ba người chúng tôi thường xuyên đi kiểm tra, lội sâu vào trong rừng xem có thay đổi hiện trạng gì không? Rừng trồng lại hiện cũng rất nhiều. Ý thức người dân từ đó được nâng cao và nhận biết được bảo vệ rừng là bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhất là khi được tuyên truyền. Dân ở đây được đi hô hào trồng rừng thì họ rất thích. Nhiều khi đi rừng, gặp cây mới trồng ngả nghiêng họ còn dựng lên”, ông Thống cho hay.
Đồng Rui được đánh giá là một trong những cánh rừng ngập mặn đẹp nhất ở miền Bắc hiện nay với gần 3.000 ha, chiếm hơn nửa diện tích đất tự nhiên của xã. Từ khi được quản lý, bảo vệ chặt chẽ, rừng cây xanh tốt, kéo theo đó nguồn lợi hải sản ngày càng đa dạng, phong phú hơn. Nhiều hộ dân ở đây có thu nhập ổn định bằng nghề đánh bắt hải sản dưới cánh rừng ngập mặn. Hệ sinh thái rừng ngập mặn của xã Đồng Rui rất đa dạng và phong phú về số lượng loài cây, về hệ sinh thái, về các loài thủy sinh có giá trị kinh tế cao như ngán, cua, các loài cá đem lại nguồn lợi và sinh kế tốt cho người dân. Ông Lộc Văn Sinh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết công tác quản lý của xã bớt nhọc nhằn so với trước đây do có người dân cùng cộng quản.
"2 năm gần đây, xã đều trồng mới từ 25-30 ha để phát triển rừng ngập mặn trên địa bàn. Xác được vai trò quan trọng của rừng ngập mặn, vừa bảo vệ đê chắn sóng quốc gia, vừa có nguồn lợi thủy sản dưới tán rừng để cho người dân có thu nhập hàng ngày. Để sớm cho rừng ngập mặn phát triển trong tương lai, đề nghị tỉnh và các cơ quan chức năng bố trí nguồn kinh phí cho tổ tự quản hoạt động trong tương lai”, ông Sinh thông tin.
Bài học thực tế về những tác động tiêu cực khi rừng ngập mặn bị tán phá đã khiến người dân và chính quyền địa phương trong tỉnh Quảng Ninh thay đổi nhận thức, chung tay trồng và bảo vệ rừng ngập mặn. Những người trẻ của xã Đồng Rui giờ đây có thêm nhiều lựa chọn mới như đi làm công nhân, mở các dịch vụ buôn bán nhưng phần lớn người dân xã đảo Đồng Rui vẫn bám biển, nuôi trồng hải sản, bám rừng ngập mặn để mưu sinh. Sự giàu có của rừng ngập mặn đang giúp người dân Đồng Rui thay đổi cuộc sống và nhận ra những giá trị sống còn nếu cùng “cộng sinh” bảo vệ “lá phổi xanh" trên đảo.
Vũ Miền