Thứ sáu, 29/03/2024 12:56 (GMT+7)
Thứ sáu, 07/05/2021 17:00 (GMT+7)

Bảo tồn phát triển rừng ngập mặn ứng phó với biến đổi khí hậu

Theo dõi KTMT trên

Những giá trị bắt nguồn từ rừng ngập mặn chiếm đến gần 70% tổng giá trị mà hệ sinh thái mang lại. Việc bảo tồn phát triển rừng ngập mặn là cơ sở quan trọng trong việc đưa ra chính sách và phát triển kinh tế bền vững ở cả cấp vùng và cấp quốc gia.

Bảo tồn phát triển rừng ngập mặn ứng phó với biến đổi khí hậu - Ảnh 1
Lá chắn rừng ngập mặn. 

Tầm quan trọng của rừng ngập mặn đối với môi trường sinh thái đã được các nhà khoa học khẳng định từ lâu. Đặc biệt trong tương lai, rừng ngập mặn còn là “cứu cánh” của con người trong việc ứng phó với sự biến đổi khí hậu khi mực nước biển dâng cao.

Rừng ngập mặn phân bố chủ yếu ở vùng xích đạo và vùng nhiệt đới của hai bán cầu, Rừng ngập mặn trên thế giới có phân bố ở 124 quốc gia và các vùng miền, chiếm khoảng 1% diện tích rừng trên bề mặt thế giới và xuất hiện ở khoảng 75 % bờ biển nhiệt đới trên toàn thế giới, đóng vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp các sản phẩm (lâm sản, nguồn lợi thủy sản) và dịch vụ môi trường cho cả môi trường biển và con người. Tuy nhiên, tại Việt Nam, các vùng rừng ngập mặn đang bị đe dọa bởi sức ép của phát triển kinh tế và biến đổi khí hậu. Bảo vệ và phục hồi rừng ngập mặn là một trong các nội dung chính của các chiến lược lâm nghiệp trong vài thập kỷ vừa qua.

Năm 2017 tại Hội nghị Đại dương của Liên Hợp Quốc ước tính có gần 2,4 tỉ người sống trong phạm vi 100 km bờ biển (vào sâu trong đất liền). Trong đó, rừng ngập mặn cung cấp sự bảo vệ quan trọng cho các cộng đồng gặp nguy cơ từ nước biển dâng và các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra.

Đã có một thời gian dài, những giá trị của rừng ngập mặn ít được quan tâm. Rằng đó chỉ là một loại rừng ở ven biển, giống như rừng trong nội địa. Thế nhưng, thực tiễn lại khác, những hệ sinh thái giàu có này đang là một phần quan trọng hỗ trợ hành tinh và con người theo những cách độc đáo, từ cung cấp nơi sinh sản cho cá đến dự trữ carbon, chống lũ lụt. 

Thực trạng diện tích rừng ngập mặn tại Việt Nam

Việt Nam có 29 tỉnh thành phố có rừng và đất ngập mặn ven biển chạy suốt từ Móng Cái đến Hà Tiên. Rừng ngập mặn phân bố và phát triển mạnh ở phía Nam, đặc biệt là vùng Cà Mau - đồng bằng sông Cửu Long, còn ở phía Bắc quần thể này thấp và nhỏ. Trong đó, cánh rừng ở vùng U Minh (Cà Mau) và rừng Sác ở huyện Cần Giờ (TP.HCM). Cả hai cánh rừng nay đều được UNESCO liệt vào danh sách những khu dự trữ sinh quyển quan trọng bậc nhất trên thế giới.

Diện tích rừng ngập mặn ở Việt Nam đã suy giảm đáng kể trong giai đoạn 1943-2000, từ 450.000 ha tại năm 1943 xuống khoảng 155.290 ha vào năm 2000. Các nguyên nhân dẫn đến mất rừng ngập mặn trong giai đoạn này bao gồm chuyển đổi rừng ngập mặn sang sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, mất rừng do bom đạn chiến tranh, và do đô thị hóa. Mất rừng ngập mặn dẫn đến suy giảm đa dạng sinh học, mất sinh cảnh và các bãi đẻ cho nhiều loài cá và thủy sản, phá hủy chu trình dinh dưỡng trong các vùng rừng ngập mặn, và đặc biệt là làm suy giảm các dịch vụ hệ sinh thái.

Hơn 20 năm qua, với sự hỗ trợ của các nhà tài trợ quốc tế, Chính phủ Việt Nam đã đầu tư đáng kể nguồn lực vào hàng loạt các sáng kiến và chương trình để phục hồi và phát triển rừng ngập mặn. Điều này đã giúp diện tích rừng ngập mặn đã tăng từ 155.290 ha lên 164.701 ha trong giai đoạn từ 2000 đến 2017 (MARD 2018). Như vậy, trong giai đoạn này, diện tích rừng ngập mặn đã tăng trung bình hàng năm khoảng 554 ha.

Rừng ngập mặn chiếm khoảng 1,5% tổng diện tích rừng của cả nước (14,4 triệu ha). Tuy nhiên, chúng đóng vai trò rất quan trọng trong bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ bờ biển, và đặc biệt trong giảm nhẹ các tác động và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Vai trò của rừng ngập mặn

Cũng như các hệ sinh thái khác, rừng ngập mặn cung cấp nhiều sản phẩm sử dụng trực tiếp cho sinh kế của người dân địa phương như cây thuốc, gỗ, củi và thủy hải sản. Chúng còn cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái đảm bảo xã hội phồn vinh, ví dụ như kiểm soát xói lở bờ biển, điều tiết nước, ổn định đất và hấp thụ carbon.

Bên cạnh các giá trị về đa dạng sinh học, rừng ngập mặn còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều hoà khí hậu, hạn chế bão lũ, triều cường.  Rừng ngập mặn có khả năng hạn chế xâm nhập mặn và bảo vệ nước ngầm. Hệ rễ cây chằng chịt trên mặt đất làm giảm cường độ của sóng nên hạn chế dòng chảy vào nội địa khi triều cường. Khi mực nước biển dâng cao, chúng ta phải đối diện với nguy cơ mất đất ở, đất sản xuất, đồng thời nước ngầm cũng sẽ bị nhiễm mặn.

Trong khi đó, rừng ngập mặn lại có khả năng giữ và cố định vật chất lơ lửng, phù sa, từ đó sẽ tạo nên một vùng đất mới. Nhờ có hệ rễ dày đặc trên mặt đất, cây rừng ngập mặn còn góp phần vào việc giảm tốc độ dòng chảy của thuỷ triều, giảm sự xói lở do sóng biển gây ra. Hạt nảy mầm khi còn ở trên cây, mầm rơi xuống nước và trôi đến chỗ cạn, nếu gặp điều kiện thuận lợi cho hệ rễ phát triển thì nơi đó bắt đầu cho sự hình thành một hòn đảo mới. Nhờ cây con, quả, hạt có khả năng sống dài ngày trong nước cho nên cây ngập mặn có thể phát tán rộng vào đất liền. Nước biển dâng đến đâu thì cây mọc đến đó.

Bảo tồn phát triển rừng ngập mặn ứng phó với biến đổi khí hậu - Ảnh 2
Hệ sinh thái phong phú, đa dạng từ rừng ngập mặn. 

Rừng ngập mặn có thể được xem như “vị cứu tinh” của con người khi mực nước biển dâng cao. Song những diễn biến phức tạp, khó lường của thiên tai, nhiệt độ trái đất đang ấm dần lên, mực nước biển dâng lên ngày càng cao vấn đề đặt ra là hiện nay là làm thế nào để bảo vệ, khôi phục và trồng lại những khu rừng ngập mặn đã bị tàn phá, tiếp tục mở rộng diện tích trồng rừng mới vẫn đang là bài toán khó. Vì lợi ích kinh tế, vì kế sinh nhai, rừng vẫn có thể bị chặt phá nếu không được trông coi, giám sát chặt chẽ.

 "Vai trò của rừng ngập mặn đã được khẳng định từ lâu nhưng thực tế, chúng ta vẫn chưa quan tâm nhiều đến rừng ngập mặn. Trước kia có bao nhiêu, mất bao nhiêu thì cũng chưa có thống kê cụ thể. Còn hay mất gì thì cũng không ai quan tâm. Và rừng ngập mặn đóng vai trò lớn giúp chúng ta chống chọi với vấn nạn này. Từ trước đến nay, chúng chỉ đề cập đến rừng ngập mặn về tính ta dạng sinh học chứ ít nói đến vấn đề này. Đặc tính của rừng ngập mặn là hướng ra biển, do đó, chúng sẽ là một bức tường thành vững chắc bảo vệ con người", ông Nguyễn Quốc Tân- Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Quảng Ngãi.

Trước tầm quan trọng của rừng ngập mặn đối với môi trường và con người ít được biết đến. Kết quả là nhiều khu rừng ngập mặn trên khắp thế giới bị tàn phá. Tuy thế, ngày nay, cho dù tầm quan trọng của rừng ngập mặn đã được hiểu rõ hơn, những cánh rừng ngập mặn trên thế giới vẫn đang biến mất với tốc độ chóng mặt. Chỉ trong vòng hơn một thập kỉ qua, ít nhất 35% rừng ngập mặn trên thế giới bị phá hủy. Tốc độ này thậm chí còn nhanh hơn cả tốc độ biến mất của các khu rừng nhiệt đới. Tại một vài nơi, diện tích rừng ngập mặn có tăng lên nhờ các nỗ lực trồng rừng. Tuy nhiên những nỗ lực này vẫn còn rất nhỏ, chưa đủ để bù đắp cho những cánh rừng ngập mặn đã và đang bị tàn phá.

Chính sách bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn      

Đề án “Khôi phục và phát triển rừng ngập mặn ven biển” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với mục tiêu thiết lập hệ thống rừng ngập mặn để phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường một cách ổn định. Trong giai đoạn này đã trồng và nâng cao chất lượng rừng với diện tích trên 32.800 ha, trồng thêm hơn 97.500 ha, nâng tổng diện tích rừng ngập mặn cả nước lên trên 307.200 ha vào năm 2015.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT: “Với bờ biển dài và những đồng bằng dài có nhiều sông ngòi, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu”. Hơn 1/3 dân số và khoảng 16% diện tích đất sẽ bị ảnh hưởng nếu mực nước biển dâng cao. Hàng trăm loài động thực vật sẽ bị đe doạ tuyệt chủng bởi sự suy giảm các dải san hô ngầm hay sự thu hẹp các khu rừng ngập mặn.

Chính phủ nhấn mạnh vai trò quan trọng của rừng ngập mặn thông qua các chính sách như Nghị định 119/2016/NĐ-CP, với cam kết bảo tồn và phát triển rừng ngập mặn theo hướng bền vững, đặc biệt tại các vùng ven biển. Quản lý và phục hồi rừng ngập mặn cũng được coi là một giải pháp quan trọng nêu tại Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết (INDC) của Việt Nam.

Trên thực tế, điều kiện trồng rừng ven biển rất khó khăn trong khi ngân sách Nhà nước đầu tư cho trồng rừng phòng hộ thấp. Vì vậy, tỉ lệ cây sống thành rừng chỉ đạt từ 50 - 60%. Mặt khác, công tác quản lý, quy hoạch sử dụng đất còn bất cập, thiếu sự phối hợp, thống nhất giữa các ngành liên quan cũng góp phần vào làm suy giảm diện tích rừng ngập mặn. Hơn nữa, khâu quy hoạch rừng ở từng địa phương thiếu ổn định, thường bị điều chỉnh do nhu cầu sử dụng đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất để phát triển kinh tế tại địa phương. Việc giao khoán rừng ngập mặn cho các hộ gia đình bảo vệ còn nhiều hạn chế. Để cứu rừng ngập mặn song song với việc phát triển kinh tế địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, các cán bộ các tỉnh thành cần đưa ra nhiều giải pháp hơn nữa. 

Hiện tượng biến đổi khí hậu, nước biển dâng làm cho nhiều diện tích rừng bị ngập sâu, biển đang có xu hướng tiến sâu vào nội địa, các hoạt động từ thượng nguồn sông Mê Kông như xây dựng các đập thủy điện, ngăn dòng đã tác động mạnh mẽ đến hệ thống rừng ngập mặn, các nhà máy sản xuất trong khu vực xả thải làm ô nhiễm môi trường cũng có tác động tiêu cực hệ sinh thái rừng ngập mặn. Hai vùng đồng bằng và ven biển nước ta, trong đó có rừng ngập mặn và hệ thống đất ngập nước rất giầu có về các loài sinh vật, là những hệ sinh thái rất dễ bị tổn thương.

Việc khôi phục và phát triển rừng ngập mặn là vấn đề hết sức cấp thiết và bảo vệ môi trường ven biển bền vững. Cần triển khai, tuyên truyền, vận động trồng và bảo vệ rừng giúp hồi sinh mạnh mẽ những cánh rừng ngập mặn, góp phần vào mục tiêu bảo vệ môi trường sống, bảo vệ hệ sinh thái và ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Thanh Thúy

Bạn đang đọc bài viết Bảo tồn phát triển rừng ngập mặn ứng phó với biến đổi khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.