Thứ bảy, 07/12/2024 16:04 (GMT+7)
Thứ ba, 27/04/2021 14:37 (GMT+7)

Rừng ngập mặn - Giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu

Theo dõi KTMT trên

Rừng ngập mặn ven biển được xem như lá phổi xanh bảo vệ cư dân và hệ sinh thái đất ngập nước. Nhưng vì nhu cầu phát triển kinh tế con người đang tàn phá nghiêm trọng khiến diện tích rừng ngập mặn ngày càng suy giảm.

Đã có một thời gian dài, những giá trị của rừng ngập mặn ít được quan tâm. Rằng đó chỉ là một loại rừng ở ven biển, giống như rừng trong nội địa. Thế nhưng, thực tiễn lại khác, những hệ sinh thái giàu có này đang là một phần quan trọng hỗ trợ hành tinh và con người theo những cách độc đáo, từ cung cấp nơi sinh sản cho cá đến dự trữ carbon, chống lũ lụt. Hệ thống rễ chắc chắn của cây rừng ngập mặn giúp hình thành một hàng rào tự nhiên chống lại các cơn bão dữ dội và lũ lụt. Trầm tích sông ngòi và đất bị rễ cây giữ lại, giúp bảo vệ các khu vực bờ biển và làm chậm xói mòn. Quá trình lọc này cũng ngăn chặn trầm tích có hại ảnh hưởng đến các rạn san hô và thảm cỏ biển.

Rừng ngập mặn còn là các bể chứa carbon. Các khu rừng ven biển giúp chống lại sự nóng lên toàn cầu bằng cách loại bỏ khí cacbonic khỏi tầng khí quyển, phần lớn được lưu trữ trong sinh khối. Khi rễ, cành và lá của cây rừng ngập mặn rụng xuống, chúng thường được đất bao phủ, sau đó chìm trong nước thủy triều, làm chậm quá trình phân hủy vật chất và tăng cường lưu giữ carbon.

Nghiên cứu cho thấy rừng ngập mặn ven biển vượt trội hơn so với hầu hết các khu rừng khác về khả năng lưu giữ carbon. Một cuộc kiểm tra 25 khu rừng ngập mặn trên toàn khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương cho thấy mỗi ha, rừng ngập mặn chứa lượng carbon cao gấp bốn lần so với các khu rừng mưa nhiệt đới khác.

Rừng ngập mặn đang suy giảm nghiêm trọng

Theo kết quả điều tra khảo sát của Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình cho thấy, khu vực ĐBSCL có diện tích có rừng ngập mặn là 73.372,04 ha, chiếm 50,5% diện tích rừng ngập mặn cả nước.

Rừng ngập mặn - Giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu - Ảnh 1
Diện tích có rừng ngập mặn ở ĐBSCL đang suy giảm nghiêm trọng. 

Tại đây trạng thái thực bì là rừng tự nhiên và rừng trồng được gây trồng nhiều năm qua ở các vùng cửa sông ven biển, bãi bồi đất ngập mặn, những nơi ngập triều trung bình, thể nền từ bùn đến sét, độ lún từ 20-40 cm, các loài cây được gây trồng chủ yếu bao gồm: Đước đôi (Rhizophora apiculata), Mắm biển (Avicennia marina), Bần chua (Sonneratia caseolaris), Dừa nước (Nypa fruticans) và Mắm đen (Avicennia officinalis)…

Tuy nhiên, dưới tác động của biến đổi khí hậu và con người khiến diện tích rừng ngập mặn tại khu vực này bị suy giảm nghiêm trọng. Theo báo cáo của Bộ Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, trong giai đoạn từ 2011 – 2016, diện tích rừng ngập mặn toàn vùng đã giảm gần 10%, từ 194.723 ha năm 2011 xuống còn 179.384 ha vào năm 2016 (tức là đã giảm khoảng 15.339 ha).

Cũng theo báo cáo nêu trên, toàn vùng ĐBSCL có 24 khu vực thường xuyên bị xói lở trên tổng chiều dài khoảng 147 km. Tốc độ xói lở từ 5 – 45 m/năm (tức trung bình mỗi năm mất khoảng 500 ha đất).

Theo một số nghiên cứu, với kịch bản nước biển dâng 1 m đến cuối thể kỷ này, ĐBSCL sẽ mất 70% diện tích rừng ngập mặn hiện có. Mà theo báo cáo mới đây của Viện Chiến lược chính sách tài nguyên môi trường 5, hệ sinh thái rừng ngập mặn ở ĐBSCL có giá trị kinh tế vào khoảng 2.950 tỉ đồng/năm. Nghĩa là đến cuối thế kỷ này, nước biển dâng có khả năng xóa sổ khoảng 2.000 tỉ đồng hằng năm cho riêng những đóng góp của hệ sinh thái rừng ngập mặn ĐBSCL cho nền kinh tế như cung cấp gỗ, sản phẩm ngoài gỗ, chức năng bảo vệ bờ biển, điều hòa khí hậu, hỗ trợ nuôi trồng thủy sản, hấp thu carbon, cung cấp dịch vụ du lịch và đa dạng sinh học.

Cần bảo vệ và khôi phục lại những cánh rừng

Trước tính trạng suy giảm nghiêm trọng của rừng ngập mặn, ngành lâm nghiệp cũng xác định mục tiêu quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng ven biển gắn với quy hoạch sử dụng đất, bảo đảm ổn định lâu dài, xác định rõ trên bản đồ và ngoài thực địa; quản lý chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất rừng ven biển sang mục đích khác. Về cơ chế đầu tư, kinh phí đầu tư bảo vệ và phát triển rừng ven biển được thực hiện lồng ghép từ các nguồn vốn. Về khoa học và công nghệ, xây dựng, ban hành các hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng ven biển, hướng dẫn canh tác tổng hợp bền vững, hiệu quả; ứng dụng công nghệ viễn thám, công nghệ thông tin trong quản lý, theo dõi diễn biến rừng.

Đồng thời, nghiên cứu xây dựng chính sách quản lý bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu; chính sách đầu tư và cơ chế hưởng lợi đối với rừng ven biển; tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, nhằm khuyến khích mọi thành phần trong xã hội tham gia bảo vệ và phát triển rừng ven biển.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, riêng trong giai đoạn 2015 - 2017, cả nước đã thực hiện 88 dự án với kế hoạch trồng mới và trồng bổ sung, phục hồi rừng khoảng 25.100 ha, với tổng mức đầu tư được duyệt là hơn 7.000 tỉ đồng. Hiện nay, do sinh kế người dân sống ven biển, gần các khu vực có rừng chưa bền vững, còn dựa quá nhiều vào tài nguyên thiên nhiên dẫn đến các hoạt động phá rừng; nuôi trồng thủy sản tự phát; quảng canh; khai thác gỗ, củi rừng ngập mặn trái phép. Mặt khác, do ảnh hưởng của thiên tai như: Bão lốc, rét hại, lũ lụt, sinh vật hại,… đã làm chết nhiều diện tích rừng trồng tại các địa phương Thái Bình, Quảng Ninh, Quảng Bình… vốn là các tỉnh có phong trào trồng rừng ngập mặn phát triển.

Bên cạnh đó, triều cường, sạt lở bờ biển, cửa sông làm mất rừng, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long, tại các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre, Sóc Trăng,… đã gây thiệt hại một diện tích rừng ngập mặn ven biển. Một số dự án trồng rừng ven biển triển khai thực hiện còn chậm; công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc của một số địa phương chưa quyết liệt. Bên cạnh đó, kết quả trồng mới và trồng phục hồi rừng ven biển đạt thấp; tình trạng chuyển mục đích sử dụng đất quy hoạch cho trồng rừng ven biển sang mục đích khác, xâm lấn đất rừng để nuôi trồng, đánh bắt thủy sản và các hoạt động trái phép khác vẫn diễn biến phức tạp, có nơi trở thành điểm nóng đã làm ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả trồng rừng ven biển. Công tác trồng rừng ngày càng khó khăn, phức tạp, chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, triều cường, sạt lở bờ biển, cửa sông; nhiều nơi phải thực hiện các giải pháp công trình để gây bồi tạo bãi sau nhiều năm mới có thể trồng được rừng. Đối với vùng ven biển, chịu nhiều rủi ro thiên tai cho nên mục tiêu trồng rừng phòng hộ là chủ yếu, việc trồng rừng sản xuất và trồng cây phân tán rất hạn chế và thường do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tự bỏ vốn thực hiện dẫn đến kết quả đạt được không cao.

Ngày 23/6/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 770/QĐ-TTg về việc điều chỉnh, bổ sung mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện Đề án bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015 - 2020. Theo đó, các địa phương cần triển khai hiệu quả trồng rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ hệ thống đê biển, cơ sở hạ tầng, bảo tồn đa dạng sinh học, tăng cường khả năng hấp thụ khí CO2, giảm nhẹ phát thải nhà kính; góp phần phát triển kinh tế, xã hội và củng cố quốc phòng an ninh quốc gia. Để thực hiện tốt kế hoạch trồng rừng ngập mặn và nâng cao hiệu quả rừng trồng, các địa phương cần rà soát quy hoạch, xác định diện tích, địa điểm, hiện trạng để xây dựng kế hoạch trồng rừng ven biển; chủ động chuẩn bị cây giống, hiện trường bảo đảm số lượng, trồng đúng mùa vụ, nhằm nâng cao chất lượng và tỉ lệ thành rừng của cây trồng.

Đừng vì lợi ích kinh tế làm đánh mất những cánh rừng ngập mặn

Theo GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam), có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm này, từ tác động tiêu cực của các yếu tố tự nhiên (sóng, gió, bão...) đến tác động của con người với các hoạt động xây dựng, khai thác, nuôi trồng thủy sản... trong đó, nguyên nhân chính là yếu tố con người.

Dẫn việc nuôi trồng thủy sản của người dân ven biển làm ví dụ, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho biết, việc khai thác, nuôi trồng thủy sản là cần thiết để duy trì cuộc sống của người dân, nhưng chặt phá rừng ngập mặn để nuôi tôm, nuôi cá là điều không thể được.

"Phá rừng ngập mặn để nuôi tôm, cá chỉ là chạy theo lợi ích trước mắt trong khi để  có được diện tích rừng ngập mặn vài ba chục tuổi, phát huy tác dụng của nó không phải là chuyện đơn giản. Hoạt động nuôi trồng thủy sản ở ven biển cần phải có quy hoạch cụ thể, chỗ nào nuôi được, chỗ nào không nên nuôi", GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh nói và nhấn mạnh về mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên chính là mối quan hệ cộng sinh. Một khi mối quan hệ ấy bị phá vỡ, con người tàn phá thiên nhiên thì cái giá phải trả sẽ rất đắt, mà thảm họa lũ lụt, sạt lở ở miền Trung vừa qua là một ví dụ điển hình.

"Ai cũng biết rừng ngập mặn có tác dụng điều hòa, ngăn nước mặn xâm nhập vào sâu bên trong đất liền. Vậy nên, khi rừng bị phá càng nhiều thì nước mặn không còn gì cản trở nữa, dễ dàng vào sâu bên trong, ảnh hưởng đến cây lúa, nguồn nước... của người dân", GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh chỉ rõ.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Rừng ngập mặn - Giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Taxi Mai Linh chuyển đổi xanh
Tập đoàn Mai Linh đã ký kết hợp tác với Xanh SM, đầu tư gần 4.000 xe điện VinFast từ nay đến cuối năm 2025 để chuyển đổi từ xe xăng truyền thống sang năng lượng sạch.
Sum vầy cùng Mondelez Kinh Đô - Tết thêm ý nghĩa
Là thương hiệu gắn liền với Tết trong lòng người tiêu dùng với thông điệp quen thuộc “Cùng Kinh Đô, Tết vui chuyện sum vầy”, năm nay, Kinh Đô gửi trao lời cảm ơn chân thành và tiếp tục cùng người tiêu dùng tôn vinh giá trị của những món quà Tết,....