Thứ sáu, 22/11/2024 18:51 (GMT+7)
Thứ ba, 22/12/2020 06:15 (GMT+7)

Lá chắn rừng ngập mặn đang suy giảm nghiêm trọng

Theo dõi KTMT trên

Rừng ngập mặn ven biển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được xem như lá phổi xanh bảo vệ cư dân và hệ sinh thái đất ngập nước. Nhưng vì nhu cầu phát triển kinh tế con người đang tàn phá nghiêm trọng khiến diện tích rừng ngập mặn ngày càng suy giảm.

Rừng ngập mặn khu vực ĐBSCL là một hệ sinh thái đặc trưng vùng ven biển Việt Nam, là hệ sinh thái chuyển tiếp giữa môi trường nước ngọt và môi trường biển. Rừng ngập mặn có tác dụng nhiều mặt như môi trường, xã hội và giá trị kinh tế, đặc biệt về phòng hộ đê biển, chống xói lở, cố định đất ven biển, ven sông, hạn chế gió bão, sóng biển, triều cường và góp phần điều hòa khí hậu. Nhiều nguồn lợi từ rừng ngập mặn gồm gỗ và lâm sản ngoài gỗ, nguồn lợi thủy sản, nơi giải trí, du lịch sinh thái, thấm lọc sinh học, phòng hộ ven biển, đặc biệt bảo vệ đê biển, cố định đất, tích tụ C và hấp thụ CO­2.

Tuy nhiên những năm gần đây, dưới sự tác động tiêu cực từ tự nhiên và con người đã khiến diện tích rừng ngập mặn suy giảm cả về diện tích cũng như chất lượng. 

Lá chắn rừng ngập mặn đang suy giảm nghiêm trọng - Ảnh 1
Lá chắn rừng ngập mặn đang suy giảm nghiêm trọng. (Ảnh minh họa)

Theo báo cáo Bộ TN&MT, đưa ra năm 2017, trong 50 năm qua, diện tích đất rừng ngập mặn của khu vực này đã giảm 80%.

Cũng trong năm 2017, một báo cáo của Bộ NN&PTNT về tình hình xói lở bờ biển và suy thoái rừng ngập mặn khu vực ĐBSCL cho biết, từ năm 2011 - 2016, rừng ngập mặn vùng ĐBSCL đã bị suy giảm nghiêm trọng, chủ yếu do vùng bãi bị sạt lở và việc giao rừng để nuôi trồng thủy, hải sản.

Chỉ tính riêng trong 5 năm qua, diện tích rừng ngập mặn toàn vùng đã giảm gần 10%, từ 194.723 ha năm 2011 xuống còn 179.384 ha vào năm 2016 (tức là đã giảm khoảng 15.339 ha). Cũng theo báo cáo nêu trên, toàn vùng ĐBSCL có 24 khu vực thường xuyên bị xói lở trên tổng chiều dài khoảng 147 km. Tốc độ xói lở từ 5 - 45m/năm (tức trung bình mỗi năm mất khoảng 500 ha đất).

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Đất Việt, TS Dương Văn Ni (Đại học Cần Thơ) cho rằng con số 80% mà Bộ TN&MT đưa ra là đúng, thậm chí diện tích rừng ngập mặn ở ĐBSCL bị suy giảm trong thực tế còn nhiều hơn.

Ví rừng ngập mặn như chiếc áo giáp bảo vệ ĐBSCL, vị chuyên gia bày tỏ lo ngại chi chiếc áo giáp này đang quá tơi tả.

"Một khi rừng ngập mặn bị phá hủy thì chiếc áo giáp này sẽ không còn. Đồng bằng rất dễ bị tổn thương khi xảy ra các yếu tố bất lợi của thời tiết như sóng to gió lớn, triều cường... mà không còn rừng ngập mặn bảo vệ, tác hại sẽ rất khủng khiếp", TS Ni nhận xét.

Nhiều năm qua, hàng loạt biện pháp bảo vệ, trồng lại rừng đã được triển khai nhưng theo đánh giá của TS Dương Văn Ni, chúng chưa có hiệu quả, lý do là vì:

Thứ nhất, người dân sống quá đông ở vùng ven biển. Hễ có một bãi bồi hay khoảng đất trống, lập tức nó trở thành nơi để người dân nuôi trồng thủy, hải sản. Nếu trồng lại rừng ngập mặn mà không giải quyết việc giãn dân ở vùng duyên hải thì sẽ không thể thành công.

Thứ hai, về mặt môi trường, ĐBSCL đang trong giai đoạn suy thoái về phù sa, mà nguyên nhân chính là do các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong đã làm giảm bớt lượng phù sa đổ về ĐBSCL, khiến khu vực này không có đủ phù sa để bồi bờ biển.

TS Ni dẫn chứng, trước đây, mỗi năm, mũi Cà Mau kéo dài ra khoảng 15-20 m, nhưng giờ mỗi năm lại bị lở từ 5-7 m. ĐBSCL đang trong giai đoạn phần lở lớn hơn phần bồi, khiến diện tích xung quanh bờ biển bị mất.

Bộ TN&MT cũng đã có thống kê mỗi năm miền Tây mất 500 ha đất ven biển do xói lở. Tình trạng này không chỉ khiến đồng bằng mất đất, sạt lở, mà còn làm mất rừng phòng hộ, suy giảm đai rừng ven biển và giảm khả năng chống đỡ với triều cường, nước biển dâng vốn đang diễn ra rất nhanh tại Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu.

Thứ ba, ĐBSCL làm nhiều đê biển ngăn cách giữa đất liền với biển, được coi như tấm lá chắn để bảo vệ khu đất nông nghiệp và vùng dân cư bên trong mỗi khi có sóng to gió lớn. Tuy nhiên, chính vì đê biển mà rừng ngập mặn không có chỗ để lùi vào bên trong khi nước biển dâng cao.

"Rừng ngập mặn là một hệ thống thực vật hỗn hợp đa dạng liền mạch sống theo diễn thế từ cao xuống thấp, có khả năng tiến và lùi. Khi nước rút thì rừng tiến ra phía ngoài biển, khi nước dâng cao thì rừng lùi vào bên trong, tức rừng có khả năng chuyển theo điều kiện của mực nước. Thế nhưng, nhưng đê bao bằng bê tông đã làm đứt mạch sống và chặn mất đường lùi của rừng mỗi khi nước lên hay sóng to gió lớn, kết quả là rừng ngày càng bị suy thoái", TS Dương Văn Ni giải thích.

Đóng góp dự kiến do Quốc gia tự quyết định (INDC). INDC của Việt Nam khẳng định tầm quan trọng của rừng ngập mặn trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Ví dụ, INDC đề xuất việc phục hồi và phát triển rừng ngập mặn trong chiến lược thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT 2016a). INDC cũng báo cáo ngành lâm nghiệp đã có những đóng góp đáng kể trong việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính thông qua giảm mất rừng và suy thoái rừng, và tăng cường trữ lượng các bon rừng thông qua phục hồi và phát triển rừng.

Tổng tiềm năng giảm nhẹ khí nhà kính của ngành lâm nghiệp trong giai đoạn 2021-2030 là từ 82,2 đến 156,3 triệu tấn CO2, trong đó tiềm năng giảm nhẹ khí nhà kính từ rừng ngập mặn ước tính là 4,4 triệu tấn CO2.

Hoài Thu

Bạn đang đọc bài viết Lá chắn rừng ngập mặn đang suy giảm nghiêm trọng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới