Thứ năm, 25/04/2024 07:26 (GMT+7)
Thứ hai, 13/05/2019 09:19 (GMT+7)

Xử lý tiêu cực trong thi cử: Cần làm triệt để, nghiêm túc

Theo dõi KTMT trên

Xung quanh vụ việc tiêu cực trong thi cử ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, đến nay, cơ bản các thí sinh có liên quan đã được các trường đại học trả về địa phương hoặc tự xin thôi học. Tuy nhiên, dư luận cho rằng cần phải tiếp tục có hình thức xử lý nghiêm túc đối với phụ huynh của những thí sinh này nếu họ có tác động đến việc nâng điểm cho con em mình.

Không phải ngẫu nhiên được nâng điểm

Với sự vào cuộc khá tích cực của cơ quan chức năng các cấp, đến nay vụ việc tiêu cực tại kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình dần sáng tỏ. Cơ quan điều tra xác định có 114 thí sinh ở Hà Giang được nâng điểm và đã trả về điểm thực trước mùa xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2018. Tỉnh Sơn La có 44 thí sinh được nâng điểm; còn Hòa Bình, con số này là 64 thí sinh. Rất nhiều trong số này đã nhập học tại các trường công an, quân đội, y dược.

Điều đặc biệt là theo dư luận phản ánh cũng như thông tin của nhiều cơ quan báo chí, thì trong số hàng trăm thí sinh được nâng điểm nói trên hoàn toàn không có con em nông dân hay hộ dân tộc nghèo, vùng sâu, vùng xa. Ngược lại, có một tỷ lệ khá lớn là con, cháu của cán bộ, lãnh đạo huyện, tỉnh và các sở ngành của 3 tỉnh nêu trên; một số được xác định là con, em của chủ doanh nghiệp lớn.

Cô giáo Phạm Hà Thanh – Giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) chia sẻ: “Việc nâng điểm cho thí sinh trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 là sai phạm có tính nghiêm trọng. Đương nhiên, những thí sinh được nâng điểm hoàn toàn không phải là một sự ngẫu nhiên mà phải có sự tác động. Chỉ khi nào sự tác động này được đưa ra trước công luận thì lúc đó bản chất của vụ việc mới được làm sáng tỏ”.

Thực tế những ngày gần đây, nhiều cơ quan báo chí đã đưa tin về một số thí sinh được nâng điểm là con, cháu của lãnh đạo tại các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình. Theo đó, tại Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang, kỳ thi THPT Quốc gia 2018 có 4 thí sinh là con em của 4 lãnh đạo đương nhiệm. Cả 4 thí sinh đều nhận điểm số chấm thẩm định thấp hơn lần 1. Tại Trường THPT chuyên Hà Giang có 3 thí sinh khác là con và cháu của một lãnh đạo cấp tỉnh, cũng thuộc diện bị hạ điểm sau khi chấm thẩm định.

Xử lý tiêu cực trong thi cử: Cần làm triệt để, nghiêm túc - Ảnh 1
Cơ quan chức năng công bố quyết định khởi tố bị can đối với các đối tượng liên quan đến vụ án gian lận thi cử tại tỉnh Sơn La (Ảnh: Công an tỉnh Sơn La)

Còn tại Sơn La, trong số 44 thí sinh được sửa nâng điểm, gồm cả điểm thi trắc nghiệm và điểm thi tự luận thì có nhiều em là con em của cán bộ ngành giáo dục, công an, thuế… hoặc phó chủ tịch cấp thành phố, cấp huyện. Đáng chú ý, trong số đó có con một Phó Giám đốc Sở GD&ĐT đương nhiệm, con Chánh Thanh tra Sở, con Trưởng phòng GĐ&ĐT , con một số chuyên viên của Sở GD&ĐT

Tương tự, tại Hòa Bình, nhiều thí sinh được nâng điểm cũng là con, cháu các cán bộ lãnh đạo chủ chốt thuộc các sở, ngành. Cá biệt có thí sinh được nâng tới 26,45 điểm/3 môn để đạt vị trí Thủ khoa Trường Sĩ quan Lục quân 1.

Có thể thấy, vụ việc tiêu cực trong thi cử ở các địa phương trên đã và đang thu hút sự quan tâm lớn của dư luận xã hội. Chia sẻ quan điểm của mình, ông Nguyễn Mạnh Cường – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng hành vi gian lận điểm thi ở Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang vừa qua cần bị xử lý nghiêm khắc vì ảnh hưởng nhiều đến những thí sinh trung thực, đến trật tự quản lý nhà nước, niềm tin của xã hội.

Được biết đến nay, Bộ Công an trả về Hòa Bình, Sơn La 53 thí sinh được nâng điểm trong kỳ thi THPT Quốc gia. Một số trường như Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Ngoại thương, Đại học Điện lực,… cũng đã xóa tên nhiều thí sinh do điểm chấm thẩm định thấp hơn điểm trúng tuyển. Công an ba tỉnh đã khởi tố, bắt giam 16 cán bộ giáo dục, công an liên quan đến tiêu cực.

Cần xử lý nghiêm phụ huynh “chạy điểm”

Tính đến thời điểm này, điểm số của các thí sinh đã được trả về với đúng chất lượng bài thi; các trường đại học đã có hình thức xử lý phù hợp với những thí sinh có điểm chấm thẩm định thấp hơn với chấm lần 1; những cán bộ giáo dục, công an có liên quan đến tiêu cực cũng đã bị cơ quan chức năng khởi tố, bắt giam. Tuy nhiên, dư luận đang đặt câu hỏi về việc xử lý như thế nào đối với những phụ huynh đã dùng tiền, dùng vị trí xã hội để mua điểm, tác động vào việc nâng điểm thi cho con em mình?

Như đã phân tích ở trên, những cá nhân tham gia thực hiện việc nâng điểm thi cho thí sinh đều ý thức rất rõ tính chất, mức độ sai phạm của hành vi này. Do vậy, không phải “bỗng nhiên” thí sinh lại có tên trong danh sách được nâng điểm. Điều này đã được minh chứng thông qua việc ngày 11/3/2019, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã hoàn tất Kết luận điều tra vụ án gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại Hòa Bình. Theo đó, kết luận điều tra khẳng định, ông Đỗ Mạnh Tuấn – Phó Hiệu trưởng Trường THCS và THPT nội trú huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) thừa nhận được hưởng lợi 550 triệu đồng từ việc chỉnh sửa bài thi…Như vậy, trong trường hợp này đã có dấu hiệu “mua điểm”. Và ai sẽ chịu bỏ tiền ra “mua” nếu không phải là phụ huynh của những thí sinh được nâng điểm?

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn An Bình (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc Đỗ Mạnh Tuấn thừa nhận được hưởng lợi bất chính 550 triệu đồng có thể làm cơ sở để xem xét tội danh nhận hối lộ theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015. Như vậy, sẽ phải làm rõ hành vi nhận hối lộ và đưa hối lộ trong sự việc này.

Các phụ huynh là người có nhu cầu muốn con em mình được nâng điểm. Nếu chứng minh được các phụ huynh hoặc người thân thích trong gia đình học sinh đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất cho các đối tượng nêu trên để sửa điểm, nâng điểm thi thì những người đưa tiền, tài sản sẽ bị xử lý về tội “Đưa hối lộ” theo Điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Người đưa hối lộ có thể phải đối diện với mức án lên tới 20 năm tù tùy theo số tiền hối lộ là bao nhiêu. Cần lưu ý, việc sửa điểm cho thí sinh để các đối tượng sửa điểm được nâng chức vụ, thay đổi vị trí công tác, hoặc để cầu lợi… từ một ai đó thì cũng là dấu hiệu của tội nhận hối lộ, không chỉ là vật chất nhìn thấy được. Muốn vậy, phải công khai xác định rõ phụ huynh của những thí sinh được nâng điểm để có cơ sở nhận xét, phán đoán nâng điểm vì thành tích chung hay vì lợi ích cá nhân. Làm rõ động cơ mục đích, từ đó để xác định cho đúng tội danh.

Xử lý tiêu cực trong thi cử: Cần làm triệt để, nghiêm túc - Ảnh 2
Luật sư Nguyễn An Bình

Tuy nhiên, cũng theo Luật sư Nguyễn An Bình, cần xem xét đến trường hợp các phụ huynh không phải là người trực tiếp đưa hối lộ mà số tiền đó được đưa cho một bên không có chức vụ, quyền hạn đứng ra nói rằng có thể lo chạy điểm được. Trong trường hợp này, phụ huynh sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội danh đưa hối lộ mà họ có thể trở thành “nạn nhân”, trở thành bị hại trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản bởi các đối tượng với thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt số tiền mà phụ huynh bỏ ra để lo chạy điểm cho con mình.

Do vậy, cần phải điều tra thêm, làm rõ để xác định đúng người đúng tội, đồng thời đảm bảo được quyền lợi của những người bị hại (nếu có).

Trao đổi với báo chí, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc Hội – bà Nguyễn Thị Mai Hoa đồng tình với đề nghị xử lý những người liên quan đến vụ việc gian lận điểm thi tại Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình.

Theo bà Hoa, nếu phụ huynh, người thân của thí sinh là người đưa tiền để các đối tượng sửa điểm thì sẽ bị xử lý về tội đưa hối lộ; còn nếu không dùng tiền mà dùng ảnh hưởng, chức quyền thì sẽ có tội danh tương ứng.

Liên quan đến việc xem xét vai trò, trách nhiệm của các phụ huynh có con em được nâng điểm, vấn đề đặt ra hiện nay là, các cơ quan chức năng cần làm rõ có hay không mối quan hệ “cho – nhận” giữa phụ huynh với những đối tượng nâng điểm. Tất nhiên, việc này không dễ nhưng chắc chắn cũng không quá khó. Bởi ngay từ giai đoạn đầu, lực lượng điều tra đã xác định được những số điện thoại thường xuyên liên lạc với các đối tượng trực tiếp sửa điểm và những chiếc điện thoại đó đang bị cơ quan điều tra thu giữ. Cần làm rõ, ai là người đưa tiền cho đối tượng Đỗ Mạnh Tuấn? Đưa để nhằm mục đích gì? Ngoài Tuấn ra, còn có cá nhân nào được hưởng lợi từ hành vi điều chỉnh điểm thi của thí sinh hay không?

Thiết nghĩ, việc tiếp tục điều tra, xử lý triệt để, nghiêm túc những sai phạm liên quan đến tiêu cực trong thi cử, không chỉ bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, ngăn chặn những tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục, mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh đối với những ai đang có ý định tác động, can thiệp vào điểm thi của con em mình…

Tạ Quang Đạo

Bạn đang đọc bài viết Xử lý tiêu cực trong thi cử: Cần làm triệt để, nghiêm túc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

WB: Kinh tế Việt Nam đang hồi phục tăng trưởng
Theo Báo cáo cập nhật kinh tế 6 tháng Điểm lại mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố ngày 23/4, Kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi khác nhau, với dự báo tăng trưởng sẽ đạt 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6,0% vào năm 2025.