Thứ sáu, 19/04/2024 21:47 (GMT+7)
Thứ hai, 15/02/2021 09:46 (GMT+7)

Vũ điệu của rối gỗ miền cao

Theo dõi KTMT trên

Cùng với tượng gỗ nhà mồ, rối gỗ đã mang đến những nét độc đáo và rất đặc biệt trong không gian văn hóa truyền thống của người dân ở Tây Nguyên. Và ở Kon Tum, có một nghệ nhân ngoài tạc tượng còn chế tác những con rối gỗ vô cùng sinh động.

Rối gỗ trong tay người

Văn hóa Tây Nguyên bao lâu nay vốn vô cùng đặc sắc, nhưng ít người biết rằng ngoài cồng chiêng, tượng gỗ thì trong các lễ hội lớn của người Ba Na, Xê Đăng, Giẻ Triêng, Jrai… vẫn còn một nghệ thuật khác độc đáo không kém. Đó là những con rối, mặt nạ, hình nộm…thường xuất hiện và được gắn kết với nhau, làm nên không gian văn hóa truyền thống sinh động của người dân miền cao nguyên.

Gần hai mươi năm nay, cứ mỗi lần vào mùa lễ hội Ning Nơng, vào ngày hội Mừng lúa mới, hội Cúng giọt nước hay những lễ hội của làng, ông A Yưk (57 tuổi, làng Klâu Ngo Zố, xã Ia Chim, thành phố Kon Tum) có một niềm vui mới là nhìn thấy những con rối gỗ tự tay mình làm ra nhảy múa cùng mọi người trong làng. Bà con dân làng Klâu Ngo Zố này cũng mang những con rối đặt sẵn ở nhà rông ra biểu diễn. Những con rối gố lại hòa cùng nhịp điệu cồng chiêng để tạo không khí lễ hội của làng thêm vui. Và người làng đều tự hào, khi những con rối ấy được chính người con của làng là ông A Yưk chế tác.

Vũ điệu của rối gỗ miền cao - Ảnh 1
Chế tác rối gỗ đòi hỏi nhiều kỹ thuật, nhất là những động tác phù hợp với các bài cồng chiêng. 

A Yưk mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Vì không được học hành nên khi lớn lên ông chỉ biết đi làm thuê, làm mướn. Tuy vậy, ngay từ nhỏ A Yưk luôn ấp ủ ước mơ lớn có một nghề gì đó để mưu sinh. Ngay từ những ngày A Yưk còn thanh niên, ông đã đau đáu với văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Ông học đánh cồng chiêng, học tạc tượng gỗ từ những người già trong làng, học thêm của cả người ở những làng khác để hoàn thiện hơn.

Với rối gỗ, ông A Yưk đến với việc này như một sự tình cờ. Nhiều lần thấy trong các lễ hội của những tỉnh bạn có hình ảnh những tượng gỗ nhỏ được treo cao. Ông nảy sinh ý tưởng, và vì muốn những tượng gỗ dân gian của dân tộc mình ngày càng sinh động hơn, tạo cho lễ hội của bà con dân làng vui vẻ hơn, ông đã chế tác những con rối. Tuy nhiên, để chế tác những con rối linh hoạt, biết cử động dùng hệ thống dây kéo không hề đơn giản và bằng chứng là ông đã phải mất thời gian rất lâu để tìm hiểu, làm thử rồi hoàn thiện dần dần.

Vừa trò chuyện với tôi, ông A Yưk vừa hoàn thiện những công đoạn cuối cùng của cặp rối mới. Ông bảo cặp rối này sẽ làm để mừng cho năm mới. Cặp rối có kích thước nhỏ nhắn, chiều cao khoảng 0,3-0,4m; được làm bằng thân cây gỗ nhẹ, đặc biệt là cây hoa mủ (tiếng Ja Rai là dâu xer) gồm một tượng người đàn ông và một tượng người đàn bà. Vừa làm, ông vừa thuận tay điều khiển, biểu diễn nhẹ nhàng khiến con rối gỗ còn xù xì những vết dao vết đục chuyển động linh hoạt. Khi giật dây, rối gỗ thể hiện những động tác như đánh trống, chẻ củi hay múa xoang, giã gạo hết sức độc đáo.

Vì mang tính chất góp vui, nên rối không chỉ được dùng trong các lễ hội thể hiện sự vui vẻ của bà con dân làng như lễ hội ăn trâu mừng nhà rông mới, cưới hỏi... mà còn trong cả những tiệc vui bình thường, để người làng cùng chiêm ngưỡng và tâm đắc với những tác phẩm độc đáo ấy. Ông A Yưk cho biết, chế tác rối gỗ là rất khó, đòi hỏi cần có kỹ thuật nên khi biểu diễn rối cũng cần phải am hiểu quy trình hoạt động của nó, vì vậy không phải ai cũng làm được nếu chưa được hướng dẫn. Nhất là trong những buổi biểu diễn, rối gỗ sẽ nhảy múa theo những nhịp cồng chiêng.

Vũ điệu của rối gỗ miền cao - Ảnh 2
Rối gỗ được biểu diễn trong nhiều lễ hội tại Kon Tum.

Động tác của những con rối phải đi theo nhịp điệu cồng chiêng, khi đó người biểu diễn rối sẽ canh những nhịp chiêng để từ từ kéo dây rối tạo ra sự chuyển động nhịp nhàng theo từng động tác. Và để điều khiển được rối gỗ này, người điều khiển phải biết cả những bài chiêng, thuộc những bài chiêng thì mới khiến những rối gỗ nhảy múa có hồn được. Vì rối biểu diễn theo nhịp điệu cồng chiêng nên đội hình người cầm rối thường được xếp ở những vị trí đứng đầu của đội cồng chiêng múa xoang.

Gìn giữ cho muôn đời sau…

Trong những lần lễ hội, nhìn những con rối được bà con dân làng biểu diễn hòa cùng nhịp điệu cồng chiêng mới thấy hết sự sáng tạo độc đáo của nghệ nhân A Yưk. Để làm ra được những quân rối, phải trải qua rất nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mẩn, khéo léo của những người chế tác. Để làm một quân rối hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn.

Với đôi bàn tay chế tác tài hoa của người nghệ nhân A Yưk, hình thù của con rối thường sống động, tươi tắn, ngộ nghĩnh, mang tính hài và tính tượng trưng cao. Nhiều năm qua, nghệ nhân A Yưk đã tạc hình được khoảng 20 tác phẩm tượng gỗ dân gian mang tính biểu tượng của văn hóa Tây Nguyên như tượng người đàn ông ngồi uống rượu ghè, người phụ nữ địu con, phụ nữ đang tắm, người đàn ông đội nước, người đàn bà cho con bú, người đàn ông vác nỏ đi rừng, người nam và người nữ đang ôm nhau…

Vũ điệu của rối gỗ miền cao - Ảnh 3
Nghệ nhân A Yưk hoàn thiện những công đoạn cuối và biểu diễn thử một cặp rối gỗ.

Và một niềm vui nữa với A Yưk, là ông đã có 2 học trò làm truyền nhân để truyền nghề là anh Rơ Chăm Banh và A Thoang. Từ chỗ cũng đam mê, yêu thích nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian nên trong thời gian ngắn Rơ Chăm Banh và A Thoang đã học được nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian và làm rối gỗ. Khó nhất trong nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian và rối gỗ đó là làm thế nào để có thể thể hiện được sắc thái biểu cảm trên gương mặt của mỗi tác phẩm tượng gỗ, cũng như những nhịp điệu để rối gỗ có thể biểu diễn được cùng với cồng chiêng. Với sự chỉ dạy tận tình của nghệ nhân A Yưk, đến nay, Rơ Chăm Banh và A Thoang đã có thể tạc được nhiều bức tượng khó như: Người mẹ cho con bú, người đàn bà địu con… cùng nhiều rối gỗ khác.

Cùng với nghệ thuật tạc tượng, thầy trò ông A Yưk và Rơ Chăm Banh còn là những người truyền dạy cồng chiêng cho bà con dân làng (đội trưởng và đội phó đội cồng chiêng của làng). Đội cồng chiêng Ja Rai của làng Klâu Ngo Zố hiện có đến 30 người. Vì được tập luyện thường xuyên nên đội cồng chiêng của làng cũng được chọn đi biểu diễn nhiều sự kiện lớn cấp thành phố, cấp tỉnh…

Từ năm 2013 đến nay, ông A Yưk chính thức được thành phố Kon Tum chọn đi tham gia tạc tượng dân gian đồng bào dân tộc thiểu số tại Ngày hội văn hóa- thể thao các dân tộc tỉnh Kon Tum, rồi tại làng văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Hà Nội, trong cả các lễ hội Cồng chiêng Tây nguyên tổ chức nhiều năm. Và hai người học trò là Rơ Chăm Banh và A Thoang cũng đều cùng ông tham dự. Các nghệ nhân chế tác con rối như ông A Yưk đã phát huy nét tài hoa, độc đáo của cha ông, tạo ra những sản phẩm con rối độc đáo, có giá trị nghệ thuật. Họ không chỉ lưu giữ tinh hoa văn hoá dân tộc mình mà còn là người “giữ lửa” và truyền nghề cho các thế hệ sau, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc.

Mùa xuân này, khi tiếng chim Kơ-tia đang tưng bừng hót, khi hoa Pơ Lang đã bắt đầu khoe sắc đỏ rực nền trời cao nguyên xanh, khi những mùa lúa đã về đầy gùi đầy kho thì người làng lại bắt đầu cho mùa lễ hội. Mùa Ning Nơng của tháng 2 - tháng 3 chứa chan những sắc màu của no đủ và sum vầy.

Cho dù cuộc sống hôm nay có nhiều đổi thay, lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh Kon Tum vẫn được duy trì, tái hiện. Cùng với cồng chiêng, xoang, khan biểu hiện sinh động của các loại hình nghệ thuật dân gian và dân dã thông qua con rối, mặt nạ, hóa trang... đã góp phần đem đến sắc màu lễ hội thêm đẹp thêm hay, thêm cuốn hút. Và qua bao thăng trầm của thời gian, nét đẹp đơn sơ này vẫn được gìn giữ và lưu truyền mãi về sau trong mỗi mùa lễ hội trên đất bazan.

Tiêu Dao

Bạn đang đọc bài viết Vũ điệu của rối gỗ miền cao. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới