Thứ hai, 25/11/2024 15:14 (GMT+7)
Thứ tư, 29/12/2021 09:00 (GMT+7)

Vĩnh Phúc: Đẩy mạnh giải quyết xử lý rác thải

Theo dõi KTMT trên

Tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đề án là yêu cầu hết sức cần thiết nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc do rác thải gây ra.

Hành động, lộ trình cụ thể

UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, cuối tháng 11 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Khước đã ký quyết định phê duyệt: Đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Đề án là yêu cầu hết sức cần thiết nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc do rác thải gây ra. Đây cũng là hành động, lộ trình cụ thể để thực hiện chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định chỉ tiêu về bảo vệ môi trường đến năm 2025 là tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt đáp ứng quy chuẩn môi trường đạt 97% ở khu vực đô thị và 80% ở khu vực nông thôn; Tỷ lệ bãi chôn lấp rác thải được cải tạo, xử lý, tái sử dụng đạt trên 95%.

Vĩnh Phúc: Đẩy mạnh giải quyết xử lý rác thải - Ảnh 1
Khu xử lý rác thải tại xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc. (Ảnh: Chu Kiều)

Theo báo cáo từ Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc, trung bình mỗi ngày, lượng rác thải phát sinh trên địa bàn khoảng 920 tấn/ngày, trong đó ở khu vực đô thị khoảng 350 tấn/ngày, khu vực nông thôn khoảng 570 tấn/ngày. Dù tỉ lệ thu gom đạt trên 75% ở nông thôn và trên 95% ở đô thị nhưng phương pháp xử lý chủ yếu là chôn lấp thông thường (chiếm khoảng 75%) và đốt bằng các lò đốt rác quy mô nhỏ cấp xã, cơ sở xử lý do tư nhân đầu tư (chiếm khoảng 25%).

Ông Nguyễn Văn Khước cho biết, điểm mới nổi bật trong đề án này là gắn trách nhiệm cá nhân của bí thư, chủ tịch các xã, phường trong chỉ đạo thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt, đặc biệt là tổ chức thực hiện hướng dẫn người dân phân loại rác tại nguồn, tạo điều kiện thuận lợi trong khâu vận chuyển đến các điểm xử lý tập tập trung. Đây sẽ là tiêu chí đánh giá năng lực lãnh chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cấp trong tổng kết công tác hàng năm.

Theo quyết định đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc thông qua, đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường tại Vĩnh Phúc giai đoạn 2020 - 2025 có tổng mức đầu tư trên 2.138 tỉ đồng, trong đó sẽ có trên 655 tỉ đồng là nguồn thu hút đầu tư xã hội hóa, phần còn lại là cân đối chi ngân sách theo từng năm.

Một mục tiêu quan trọng được UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh là xử lý triệt để, phục hồi môi trường ở các bãi chôn lấp rác. Thống kê hiện tại, Vĩnh Phúc có khoảng 232 bãi chôn lấp rác tạm thời với tổng diện tích khoảng 31,2 ha.

Nhưng hầu hết các bãi chôn lấp, lò đốt rác thải đều đã quá tải, xuống cấp không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Trong 5 năm tới, Vĩnh Phúc sẽ tập trung các giải pháp cải tạo, xử lý để phục hồi môi trường ở các điểm chôn lấp rác, không để xảy ra ô nhiễm môi trường.

Vĩnh Phúc xây dựng ”vùng xanh” về môi trường

Một số địa phương đã hình thành và duy trì thường xuyên, hiệu quả các phong trào bảo vệ môi trường, thu gom và xử lý rác thải như huyện Vĩnh Tường. Toàn tỉnh có 832 câu lạc bộ bảo vệ môi trường của các đoàn thể.

Nhà trường và Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên tiền phong tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động học sinh giữ gìn vệ sinh môi trường, như phong trào thi đua xây dựng Trường học xanh, mô hình phân loại rác thải tại Trường tiểu học Đồng Cương (huyện Yên Lạc). Hiệu trưởng Trường tiểu học Tích Sơn (thành phố Vĩnh Yên) Nguyễn Thu Ba cho biết: Học sinh từ lớp 1 đã được giáo dục về thực hành vệ sinh môi trường, như nhặt rác, quét lớp, tham gia sinh hoạt ngoại khóa về môi trường. Giáo dục hành vi rất quan trọng đối với nhận thức của trẻ.

Vĩnh Phúc: Đẩy mạnh giải quyết xử lý rác thải - Ảnh 2
Trong 5 năm tới, Vĩnh Phúc sẽ có thêm nhiều điểm tập kết rác thải tập trung, từng bước xóa các bãi rác tự phát. (Ảnh minh họa)

Nhìn chung, rác thải công nghiệp, độc hại được xử lý tương đối tốt, chưa có doanh nghiệp nào bị truy tố vì xả chất thải không đúng quy định. Tuy nhiên, việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt hoặc các loại phế liệu, phế phẩm phát sinh trên địa bàn dân cư gặp khá nhiều khó khăn. 

Đến nay tỉnh mới xây dựng được một cơ sở xử lý tập trung tại thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương, sử dụng công nghệ đốt thu hồi nhiệt. Tổng công suất xử lý theo thiết kế 150 tấn/ngày nhưng thực tế chỉ đạt công suất xử lý khoảng 75 tấn/ngày. Toàn tỉnh có 232 bãi chôn lấp rác tạm thời, 37 lò đốt rác ở các xã, thị trấn. 

Tại thành phố Vĩnh Yên, bãi rác cũ ở phường Khai Quang đã đầy, phải đóng cửa. Hiện nay, rác thải được thu gom, chôn lấp tại bãi rác mới. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Môi trường và dịch vụ đô thị Vĩnh Yên Nguyễn Thanh Tùng cho biết: Rác được xử lý theo hình thức chôn lấp, phun hóa chất khử mùi. Đó chỉ là những giải pháp tạm thời, được đến đâu hay đến đó. Bãi rác mới chẳng mấy chốc cũng sẽ đầy. Chúng tôi mong có nhà máy xử lý rác càng sớm càng tốt. 

Bên cạnh đó, vẫn có tình trạng rác thải chất đống ven đường, gần các điểm công cộng gây mất vệ sinh và ảnh hưởng đến mỹ quan. Nhiều xã dành tỷ lệ kinh phí cho thu gom, vận chuyển, xử lý rác rất thấp, dẫn đến chất lượng dịch vụ vệ sinh môi trường thấp.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Vĩnh Phúc: Đẩy mạnh giải quyết xử lý rác thải. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới