Vĩnh Phúc: Những thành tựu phát triển nổi bật sau 25 năm tái lập tỉnh
Sau 25 năm tái lập, Vĩnh Phúc đã xác định hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư là chìa khóa quan trọng để phát triển. Từ đó, Đảng bộ, chính quyền đã có những hướng đi mang tính đột phá để trở thành “điểm sáng” của cả nước về công tác thu hút đầu tư.
Bước đột phá trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền
Mục tiêu xuyên suốt và nhất quán trong các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh từ khi tái lập tỉnh đến nay là lựa chọn con đường đổi mới để phát triển, trong đó ngay từ Đại hội XII (1997) đã xác định: Tập trung phát triển công nghiệp, coi công nghiệp là nền tảng, động lực để phát triển; nâng cao chất lượng dịch vụ, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; tăng cường cải thiện môi trường đầu tư; huy động, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Vĩnh Phúc là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước; đến năm 2030 xây dựng Vĩnh Phúc thành tỉnh phát triển, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ bản đủ các tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2045 Vĩnh Phúc là thành phố phát triển toàn diện trên tất cả các mặt về kinh tế, xã hội, môi trường; nền kinh tế phát triển theo hướng kinh tế số, kinh tế tri thức.
Công tác xây dựng Đảng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện toàn diện, đồng bộ, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm. Phương thức lãnh đạo của Đảng tiếp tục đổi mới, ngày càng toàn diện, sâu sắc và hiệu quả. Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tập trung xây dựng Đảng bộ tỉnh vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Các chỉ tiêu xây dựng đảng và hệ thống chính trị đều đạt và vượt mục tiêu Đại hội đề ra.
Tổ chức sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ đạt nhiều kết quả quan trọng. Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh, thành phố đầu tiên trong cả nước xây dựng và triển khai thực hiện Đề án về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh giai đoạn 2016-2021 (Đề án số 01-ĐA/TU ngày 30/11/2016).
Đề án được ban hành trước khi Trung ương ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 19-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” gần 1 năm.
Đến nay, toàn tỉnh giảm 01 đơn vị hành chính cấp xã; giảm 272 thôn, tổ dân phố; giảm 03 đơn vị trực thuộc UBND tỉnh, 208 phòng, ban và tương đương cấp tỉnh, cấp huyện; giảm 461 cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp so với thời điểm 30/11/2016; cắt giảm 2.796 biên chế và hỗ trợ thôi việc theo cơ chế của tỉnh cho 2.303 biên chế; tinh giản 11.473 người hoạt động không chuyên trách.
Thực hiện đột phá trong công tác cán bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Trọng tâm là đột phá trong công tác đào tạo, bồi dưỡng; thực hiện luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý và đánh giá cán bộ bằng sản phẩm. Từng bước đổi mới có hiệu quả công tác đánh giá cán bộ thông qua việc đánh giá đa chiều; từ năm 2013, tỷ lệ cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ luôn thấp hơn định mức tối đa theo quy định;
Đặc biệt thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, từ năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thí điểm giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho bí thư, chủ tịch các huyện, thành ủy và lãnh đạo một số sở, ngành; trên cơ sở đó thực hiện đánh giá cán bộ bằng sản phẩm theo nội dung Quy định số 371-QĐ/TU, ngày 22/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đây được coi là bước đột phá để khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm trong đánh giá cán bộ.
Công tác xây dựng chính quyền, phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên được đổi mới và đi vào thực chất. Quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được tăng cường, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp được nâng lên; công tác cải cách tư pháp chuyển biến tích cực. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng đã có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động; thể hiện sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Giai đoạn 1997 - 2021 đã chứng kiến nhiều thay đổi về địa giới hành chính tỉnh và các huyện, thành phố trực thuộc. Tháng 11/1996, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX đã ra Nghị quyết tách tỉnh Vĩnh Phú thành 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ.
Ngày 1/1/1997, tỉnh Vĩnh Phúc chính thức được tái lập và đi vào hoạt động. Khi tái lập, tỉnh có diện tích 1.370,73 km2, dân số 1,1 triệu người; có 6 huyện, thị (thị xã Vĩnh Yên, các huyện Lập Thạch, Tam Đảo, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Mê Linh) với 148 xã, phường, thị trấn, trong đó có một huyện và 39 xã miền núi.
Đến Cuối năm 2003, thị xã Phúc Yên và huyện Tam Đảo được tái lập; năm 2008, huyện Mê Linh sáp nhập vào thủ đô Hà Nội; năm 2009, huyện Lập Thạch được chia tách thành 2 huyện: Lập Thạch và Sông Lô.
Hiện Vĩnh Phúc có 2 thành phố: Vĩnh Yên, Phúc Yên và 7 huyện: Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên, Tam Dương, Lập Thạch, Sông Lô, Tam Đảo với 136 xã, phường, thị trấn.
Kinh tế Vĩnh Phúc phát triển mạnh mẽ sau 25 năm tái lập
Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao, có năm tăng trên 20%. Bình quân giai đoạn 1997 – 2021 tăng 13,42%/năm; chất lượng tăng trưởng được nâng cao, năng suất lao động đạt 212 triệu đồng/lao động/năm, tăng 20,5 lần so với năm 1997 (10,3 triệu đồng/lao động). Quy mô kinh tế ngày càng lớn, đến năm 2021 đạt 136,2 nghìn tỷ đồng tăng gấp 69,6 lần so với năm 1997 (năm 1997: 1,96 nghìn tỷ đồng), tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí ngày càng quan trọng của tỉnh trong vùng và cả nước.
GRDP bình quân đầu người liên tục tăng qua các năm. Năm 2020, đạt 105,5 triệu đồng/người, đứng thứ 5/11 tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 10/63 tỉnh/thành phố trong cả nước; năm 2021 đạt 114,3 triệu đồng/người (khoảng 4.800 USD), cao gấp 52,5 lần so với năm 1997 (năm 1997: 2,18 triệu đồng/người).
Thu ngân sách nhà nước đạt cao, luôn vượt mục tiêu đề ra, với nhiều dấu mốc quan trọng và luôn nằm trong TOP các tỉnh có số thu ngân sách cao nhất của cả nước. Năm 1997 mới chỉ đạt hơn 100 tỷ đồng, đến năm 2002 vượt mốc 1.000 tỷ đồng, từ năm 2004 Vĩnh Phúc đã tự cân đối được chi ngân sách và đóng góp, điều tiết về ngân sách Trung ương; năm 2009 vượt mốc 10.000 tỷ đồng, năm 2014 vượt mốc 20.000 tỷ đồng và đến năm 2016 vượt mốc 30.000 tỷ đồng.
Đặc biệt năm 2019 đạt trên 35.000 tỷ đồng, là tỉnh có số thu ngân sách đứng thứ 8 cả nước và thứ 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; năm 2020 và năm 2021 mặc dù tác động của đại dịch Covid-19 nhưng tổng thu ngân sách của tỉnh vẫn đạt trên 32.000 tỷ đồng (trong đó thu nội địa đạt gần 28 nghìn tỷ đồng), gấp 282 lần so với số thu ngân sách của năm 1997. Số thu ngân sách tăng cao đã tạo điều kiện tăng nguồn lực đầu tư cho hạ tầng kinh tế xã hội và thực hiện các chính sách xã hội.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Khu vực công nghiệp và xây dựng đạt mức tăng trưởng khá cao, giữ vai trò đầu tàu, động lực cho phát triển kinh tế và giữ tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu GRDP của tỉnh (năm 2021, chiếm đến 63,74%; năm 1997 là 18,4%).
Hai khu vực kinh tế còn lại là dịch vụ và nông, lâm nghiệp, thủy sản đều theo hướng giảm, trong đó: Khu vực dịch vụ giảm từ 36,48% năm 1997 xuống 28,43% và khu vực nông, lâm thủy sản giảm từ mức 45,13% năm 1997 xuống còn 7,83% tổng giá trị tăng thêm các ngành kinh tế năm 2021.
Phát triển kinh tế - xã hội, phát huy đổi mới sáng tạo, quan tâm lãnh đạo, ban hành nhiều nghị quyết, chính sách, cơ chế đột phá, đặc biệt là về công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Thu hút đầu tư trở thành “điểm sáng” của cả nước
Ngay từ khi tái lập, Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã xác định hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư là chìa khóa quan trọng để Vĩnh Phúc phát triển. Từ đó, Đảng bộ, chính quyền các cấp trong tỉnh đã có những hướng đi mang tính đột phá để trở thành “điểm sáng” của cả nước về công tác thu hút đầu tư.
Năm 1997 thời điểm tái lập, tỉnh có 8 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và 1 dự án có vốn đầu tư trong nước (DDI) thì đến năm 2021 trên địa bàn tỉnh đã có 429 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 7,1 tỷ USD của 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh, trong đó có các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật, các quốc gia Châu Âu và 824 dự án DDI với tổng vốn đầu tư là gần 110 nghìn tỷ đồng.
Từ chỗ không có khu công nghiệp khi mới tái lập, đến nay tỉnh đã có 19 khu công nghiệp được quy hoạch, trong đó có 14 khu công nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư (có 08 KCN đi vào hoạt động).
Diện mạo nông thôn đổi thay toàn diện, Chương trình xây dựng nông thôn mới được quan tâm đạt kết quả quan trọng. Kinh tế nông nghiệp nông thôn chuyển biến rõ rệt theo hướng tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả; kết cấu hạ tầng nông thôn được xây dựng đồng bộ, khang trang; đời sống của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện, nâng cao.
Hệ thống cơ cở hạ tầng giao thông được cải thiện rõ rệt theo hướng đồng bộ, hiện đại. Nhiều dự án lớn, trọng điểm tạo điểm nhấn quan trọng trong không gian đô thị Vĩnh Phúc được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhân dân.
Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có bước phát triển vượt bậc cả về số lượng, quy mô, cơ cấu và chất lượng. Năm 1997 chỉ có 91 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với số vốn 57 tỷ đồng, đến hết năm 2021, toàn tỉnh có trên 13 nghìn doanh nghiệp (tăng 141 lần so với năm 1997) với vốn đăng ký đạt trên 150 nghìn tỷ đồng. Các doanh nghiệp đang đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, giải quyết việc làm…
PV