Vĩnh Phúc: Hỗ trợ công dân địa phương tại vùng giãn cách xã hội
Tỉnh Vĩnh Phúc quyết định hỗ trợ tiền và hiện vật đối với những công dân địa phương sống và làm việc tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa có Công văn hỏa tốc về việc tổ chức hỗ trợ người dân Vĩnh Phúc gặp khó khăn tại các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Theo đó, về định mức hỗ trợ, UBND tỉnh Vĩnh Phúc hỗ trợ bằng gạo là 10 kg-20kg/người, hỗ trợ bằng tiền là 1 triệu đồng/người. Về phương thức hỗ trợ, nếu hỗ trợ bằng tiền thì UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm tìm cách trực tiếp, gián tiếp hay chỉ đạo, giao UBND các xã, phường, thị trấn chuyển tiền trực tiếp cho công dân gặp khó khăn theo danh sách đã rà soát hoặc thông qua người thân của công dân cần được hỗ trợ để chuyển tiền.
Nếu hỗ trợ bằng gạo, UBND các huyện, thành phố hỗ trợ thông qua các đầu mối, địa điểm, văn phòng đại diện cấp phát do các huyện, thành phố thiết lập tại các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg để hỗ trợ cho công dân của địa phương mình. Tổ chức cuộc vận động và trực tiếp hỗ trợ cho người dân với tinh thần trách nhiệm cao nhất, đảm bảo thể hiện rõ tính nhân văn, ý thức vì cộng đồng.
Tỉnh Vĩnh Phúc sẽ thiết lập ít nhất một địa điểm tập kết và cấp phát gạo tại mỗi tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Người dân đến nhận hỗ trợ gạo chỉ cần xuất trình thẻ căn cước hoặc giấy tờ tùy thân chứng minh là công dân Vĩnh Phúc kèm đơn xin hỗ trợ (theo mẫu hoặc viết tay).
Để kịp thời được nhận hỗ trợ, tránh tình trạng bỏ sót, công dân của tỉnh Vĩnh Phúc đang ở các địa phương thực hiện giãn cách có thể liên hệ, đăng ký nhận hỗ trợ qua nhóm Zalo "Công dân Vĩnh Phúc ở vùng dịch phản ánh" theo số điện thoại 0918.545.292 hoặc các số điện thoại đường dây nóng nhận phản ánh của người dân Vĩnh Phúc từ các vùng dịch.
Sở LĐTB&XH tỉnh Vĩnh Phúc sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn, cần hỗ trợ tại các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội, thể hiện tinh thần “tương thân tương ái”.
Đồng thời, cơ quan này là đơn vị nắm bắt danh sách tình hình đời sống của các công dân tỉnh Vĩnh Phúc đi lao động ở các địa phương khác để tham mưu, đề xuất kịp thời, tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để nắm bắt tình hình công dân Vĩnh Phúc tại các vùng dịch để đề xuất giải pháp hỗ trợ phù hợp.
Xuân Hòa (t/h)