Thứ sáu, 22/11/2024 09:16 (GMT+7)
Thứ tư, 11/08/2021 10:49 (GMT+7)

Giám sát việc giảm lãi suất, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ảnh hưởng dịch Covid-19

Theo dõi KTMT trên

NHNN sẽ tiếp tục tăng cường giám sát, yêu cầu báo cáo thường xuyên kết quả của việc giảm lãi suất từ các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng.

Các tổ chức tín dụng miễn, giảm, hạ lãi suất cho vay với 800.000 khách hàng

Theo Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang ngày càng gay gắt và diễn biến phức tạp trên diện rộng tại 42 tỉnh, thành phố. Trong đó có rất nhiều tỉnh thành đang phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là khó khăn tác động rất lớn đến tất cả các loại hình doanh nghiệp cũng như đời sống của người dân lẫn sức khỏe nền kinh tế.

Ngay từ khi có dịch Covid-19, NHNN đã ban hành các thông tư nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các tổ chức tín dụng (TCTD) cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Theo Phó Thống đốc, nếu chỉ tính riêng khoản nợ đã được các TCTD thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm, hạ lãi suất cho vay khoảng gần 800.000 khách hàng, kể cả doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ, các hộ kinh tế gia đình với dư nợ gần 2 triệu tỉ đồng, ở mức độ phù hợp với điều kiện thực tế mỗi loại hình doanh nghiệp, mỗi ngành nghề.

Giám sát việc giảm lãi suất, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ảnh hưởng dịch Covid-19 - Ảnh 1
Các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm, hạ lãi suất cho vay khoảng gần 800.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Nguồn lãi vay sẽ được cắt giảm khoảng 20.300 tỉ đồng từ nay đến cuối năm

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng cho biết, ngoài việc cơ cấu lại khoản nợ, khoản lãi đến hạn và không chuyển nhóm nợ thì việc hạ lãi suất, giảm lãi suất cho vay là một trong những giải pháp thiết thực nhất, cụ thể nhất đối với các doanh nghiệp trong thời gian này. Từ khi dịch bùng phát đến nay, tính chung tất cả các khoản đã giảm lãi trực tiếp, gián tiếp cho những khoản vay cũ hay khoản vay mới theo thống kê sơ bộ, tổng số khoản lãi đã được giảm bớt cho doanh nghiệp khoảng 18.830 tỉ đồng.

Mới đây nhất dưới sự định hướng và chỉ đạo của NHNN, Hiệp hội Ngân hàng đã tổ chức 16 TCTD họp và tự nguyện thống nhất cam kết các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, với nguồn lãi vay sẽ được cắt giảm khoảng 20.300 tỉ từ nay đến cuối năm, tuỳ quy mô ngân hàng.

Riêng 4 NHTM nhà nước lớn là Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV đã phát huy vai trò tiên phong, ngoài gói hỗ trợ chung còn cam kết bỏ thêm khoảng 1000 tỉ đồng mỗi ngân hàng (tổng số 4.000 tỉ của 4 ngân hàng) hỗ trợ giảm thêm lãi suất cho các doanh nghiệp, người dân ở TP.HCM, Bình Dương và các địa phương gặp khó khăn nhất do dịch Covid-19 đang phải thực hiện giãn cách, chống dịch theo Chỉ thị 16. Bốn ngân hàng này cũng sẽ triển khai miễn phí 100% tất cả các loại phí dịch vụ ngân hàng cho các địa phương bị ảnh hưởng nặng như TP.HCM, Bình Dương…

Đáng chú ý, lần này, NHNN sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện các cam kết giảm lãi suất, giảm được bao nhiêu, giảm thế nào để có sự hỗ trợ thực chất. Các ngân hàng sẽ phải thường xuyên báo cáo kết quả triển khai các biện pháp hỗ trợ như đã tự nguyện cam kết, để thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Giám sát việc giảm lãi suất, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ảnh hưởng dịch Covid-19 - Ảnh 2
Việc giảm lãi suất sẽ giúp người dân, doanh nghiệp giảm bớt áp lực kinh tế trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Bên cạnh giảm lãi suất, NHNN cũng đã và đang chỉ đạo các TCTD triển khai giảm các loại phí thanh toán, chuyển tiền, dịch vụ tiền tệ tín dụng khác cho doanh nghiệp. Ước tính tổng số phí mà các TCTD giảm cho khách hàng trong thời gian vừa qua khoảng 1.100 tỉ đồng. Thời gian tới, NHNN đã giảm các loại phí thanh toán và chỉ đạo các tổ chức trung gian thanh toán tiếp tục giảm phí tạo thuận lợi cho các NHTM giảm sâu các loại phí cho khách hàng. Đây là những giải pháp cụ thể, thiết thực và tạo điều kiện giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp hiện nay.

Tích cực triển khai gói hỗ trợ 26 nghìn tỉ đồng:

Chia sẻ về việc triển khai hỗ trợ người dân gặp khó khăn do tình hình dịch bệnh Covid-19, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, rút kinh nghiệm từ gói 62 nghìn tỉ đồng trước đó, gói hỗ trợ lần này (26 nghìn tỉ đồng) hiện đang trong quá trình giải ngân khá tích cực.

Ở góc độ của ngành Ngân hàng, NHNN theo dõi chặt chẽ, chỉ đạo và phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai quyết liệt với tinh thần vướng mắc đâu tháo gỡ đó. Từ khi hoàn thiện cơ chế của khoản tái cấp vốn 7500 tỉ đồng lãi suất 0% cho Ngân hàng Chính sách xã hội để làm nguồn vốn cho vay, đến nay sau 2 tuần, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân khá tích cực được khoảng gần 150 tỉ đồng.

Tuy nhiên, do đây là chính sách ưu tiên, ưu đãi vẫn phải đảm bảo nguyên tắc tránh lợi dụng chính sách. Do đó NHNN rất mong có sự phối hợp của các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ LĐTB&XH và chính quyền địa phương nơi trực tiếp quản lý doanh nghiệp hoạt động, hỗ trợ Ngân hàng Chính sách xã hội tích cực triển khai chính sách trả lương người lao động do ngừng việc bởi dịch bệnh, đảm bảo giải ngân đúng đối tượng hiệu quả.

Nguyên Đỗ

Bạn đang đọc bài viết Giám sát việc giảm lãi suất, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ảnh hưởng dịch Covid-19. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.