Thứ bảy, 20/04/2024 02:38 (GMT+7)
Thứ ba, 21/06/2022 10:00 (GMT+7)

Viết điều tra về môi trường - Những kỷ niệm khó quên

Theo dõi KTMT trên

Môi trường luôn là lĩnh vực nóng, nhạy cảm, khi đi tác nghiệp phóng viên chuyên viết về đề tài ô nhiễm môi trường từng phải cải trang mới có thể tiếp cận hiện trường để khai thác thông tin. Đó là những kỷ niệm khó quên trong viết điều tra về môi trường.

Mấy năm trước đây có lần sau khi nhận thông tin phản ánh của người dân thuộc xã Nghĩa An, huyện Nam Trực (Nam Định) về lò nấu dầu thải gây ô nhiễm môi trường, chúng tôi liền về địa phương. Xuống hiện trường, thì thấy lò nấu dầu thải là một khu nhà xưởng nằm phía ngoài chân đê phía trước tường bao được xây cao vài mét nên không thể quan sát được bên trong. Mặt ngoài tiếp giáp với sông Đào cũng không thể tiếp cận vậy, làm thế nào mới có tư liệu?

Viết điều tra về môi trường - Những kỷ niệm khó quên - Ảnh 1
Ống khói của lò nấu dầu thải độc hại ở Nam Định.

Tôi nhớ trong thông tin phản ánh của người dân có việc khi hoạt động ống khói của lò nấu dầu thải sẽ xả khói đen, kèm theo mùi hắc như thuốc trừ sâu và bụi trắng. Vậy phải ghi nhận được hình ảnh này thì mới có thể làm việc và đề nghị lò nấu dầu thải, cơ quan có thẩm quyền cung cấp tài liệu, giấy phép cũng như các chỉ số quan trắc.

Một điều khó là khi có dấu hiệu khả nghi, thì lò dầu này không hoạt động, vì vậy việc đốt lò sẽ không được thực hiện. Cuối cùng, chúng tôi quyết định cải trang để ghi nhận bằng được hình ảnh. Tôi và bạn đồng nghiệp nữ đã phải ngồi sát nhau như đôi tình nhân ở chân đê gần khu vực ống khói lò nấu dầu trong nhiều ngày, mỗi lần có người đi qua với ánh mắt dò xét là phải diễn như thật dựa đầu vào vai nhau.

Viết điều tra về môi trường - Những kỷ niệm khó quên - Ảnh 2
Khảo sát khu xử lý nước thải tập trung.

Sau nhiều ngày chúng tôi cũng đã có kết quả như ý, hàng loạt hình ảnh và video ghi nhận hiện trường, quả đúng như lời phản ánh của người dân. Có tư liệu trong tay, chúng tôi mới đến gặp người dân cũng như chính quyền địa phương và cơ quan chức năng để phỏng vấn, thu thập tài liệu liên quan.

Người dân địa phương khi được phỏng vấn đã rất bức xúc về tình trạng lò nấu dầu thải gây ô nhiễm môi trường trong thời gian dài. Họ cũng gửi đơn thư kiến nghị nhiều lần đến chính quyền địa phương và cơ quan chức năng nhưng không được giải quyết. Biết cơ quan báo chí về, người dân đã đặt trọn niềm tin với lời nói: Chúng tôi giờ chỉ còn biết trông chờ cơ quan báo chí vào cuộc giúp thôi.

Có một điều khá buồn là khi chúng tôi liên hệ với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng, họ không những không cung cấp thông tin, tài liệu mà ông Trưởng thôn còn khẳng định: Nhà tôi ở cạnh có thấy mùi gì đâu, còn họ sản xuất thì ở đâu chẳng có khói… Cấp cao hơn là cơ quan chuyên môn của tỉnh còn cho rằng: Cơ sở này hoạt động là do Bộ TN&MT cấp giấy phép nên các anh chị lên Bộ mà hỏi.

Sau khi thông tin được phản ánh trên cơ quan truyền thông, báo chí rất may đã nhận được sự ủng hộ và đồng hành rất lớn từ người dân, đặc biệt phía Bộ TN&MT cũng đã lắng nghe, tổ chức buổi đối thoại với người dân địa phương cùng nhiều cơ quan báo chí, thông tấn vào cuộc.

Cuối cùng, lò nấu dầu thải đã phải đóng cửa, ngừng hoạt động đem lại niềm vui, niềm tin rất lớn cho bà con địa phương. Ngày nhận thông tin của người dân về việc lò nấu dầu thải ngừng hoạt động, chúng tôi rất mừng nhưng vấn thấy buồn lòng khi có một người dân chia sẻ: “Nhà bác có 2 con bò bị đánh bả chết, chắc là do chúng nó thù. Nhưng không sao, con cháu, các thế hệ sau của xóm làng được sống trong bầu không khí trong lành, không ô nhiễm là bác mãn nguyện lắm rồi”.

Viết điều tra về môi trường - Những kỷ niệm khó quên - Ảnh 3

Lắng nghe ý kiến của người dân.

Sau này, nhiều lần tham gia các chuyên đề về môi trường chúng tôi từng bị các đối tượng vi phạm đe dọa, có lần cả một nhóm dân “xã hội” quây chặt, rồi yêu cầu chúng tôi vào một ngôi nhà sâu trong ngõ xóa hình ảnh, clip. Lần này, tôi đi cùng một bạn sinh viên thực tập và cũng đầy lo lắng sợ có chuyện gì bất trắc xảy ra với bạn ấy. Tất nhiên, tôi đã gọi điện báo cáo toàn bộ sự việc với cơ quan, chỉ sau nửa tiếng cơ quan đã cử anh em xuống tận nơi để “giải cứu”. Sau đó, sự việc đã được công an địa phương lập biên bản và xử lý theo quy định. Còn bạn sinh viên kia sau khi hoàn thành thời gian thực tập đã gặp tôi và thú nhận: Em lúc đó rất sợ nhưng thấy anh bình tĩnh xử lý mọi việc nên em đã không bật khóc vì sợ. Đây cũng sẽ là kỷ niệm không quên để sau này em có thêm động lực theo nghề báo.

Câu chuyện về nghề thì nhiều nhưng hạnh phúc nhất là khi nhận được những cuộc gọi, tin nhắn cảm ơn của người dân những nơi chúng tôi đã đến khi ô nhiễm môi trường được xử lý, người dân được hỗ trợ kinh phí để khắc phục hậu quả…

Mới đây, buổi sáng trước lúc lên cơ quan tôi đã nhận được cuộc gọi của người dân vùng Lương Sơn, Hòa Bình cho biết sau khi cơ quan báo chí về tìm hiểu và đưa tin về tình trạng ô nhiễm môi trường do khai thác đá ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống của người dân địa phương, bà con đã nhận được tiền để đi khám sức khỏe, mua thuốc chữa bệnh và khắc phục ô nhiễm môi trường cùng với việc các mỏ đá đã cam kết thực hiện nghiêm túc các phương án bảo vệ môi trường. Người dân ở đây thật sự rất mừng.

Với những phóng viên, nhà báo chuyên viết về mảng môi trường, sự tin cậy ký thác của người dân khi phản ánh những sự cố về môi trường thực sự như những phần thưởng quý giá để chúng tôi thêm yêu và đam mê hơn với nghề; Tiếp thêm động lực để chúng tôi tiếp tục mong muốn góp phần nhỏ bé của mình vào công tác bảo vệ môi trường vì một ngày mai tươi sáng hơn.

Doãn Kiên

Bạn đang đọc bài viết Viết điều tra về môi trường - Những kỷ niệm khó quên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Huy động thêm 400 người tham gia chữa cháy rừng tại Cà Mau
Tỉnh Cà Mau đã huy động thêm 400 người tham gia cháy rừng tại Nông trường 402, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Đến khoảng gần 3 giờ ngày 11/4, đám cháy cơ bản được khống chế, không để xảy ra cháy lan ra khu vực lân cận.

Tin mới