Năng lượng tái tạo, ô nhiễm môi trường tác động tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Trong hệ thống các tài liệu nghiên cứu về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế, ô nhiễm môi trường và tiêu thụ năng lượng, số lượng các nghiên cứu về tiêu thụ năng lượng tái tạo trong những năm gần đây đã tăng lên nhưng vẫn còn khá hạn chế.
Mối quan hệ giữa tiêu thụ năng lượng tái tạo, ô nhiễm môi trường và tăng trưởng
Về mối quan hệ giữa tiêu thụ năng lượng tái tạo, ô nhiễm môi trường và tăng trưởng đã có rất nhiều nghiên cứu xem xét. Hầu hết, các nghiên cứu khác nhau về việc sử dụng các phương pháp kinh tế lượng, dữ liệu của các quốc gia, các khoảng thời gian và các phát hiện. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch truyền thống (than đá, khí đốt tự nhiên, dầu mỏ) dẫn đến tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, việc sử dụng quá mức các nguồn tài nguyên không tái tạo sẽ thải ra môi trường một lượng lớn CO2, dẫn đến hiệu ứng nhà kính.
Hiện nay, giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu đã trở thành mục tiêu chính của toàn cầu vì một môi trường bền vững. Do sự gia tăng tiêu thụ năng lượng và phát thải CO2, các nhà kinh tế và các nhà phân tích chính sách đã chuyển sự chú ý sang việc sử dụng năng lượng tái tạo thay vì tiêu thụ năng lượng truyền thống.
Vì vậy, trong hệ thống các tài liệu nghiên cứu về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế, ô nhiễm môi trường và tiêu thụ năng lượng, số lượng các nghiên cứu về tiêu thụ năng lượng tái tạo trong những năm gần đây đã tăng lên nhưng vẫn còn khá hạn chế. Sau đây là một số nghiên cứu điển hình:
Nghiên cứu của Apergis và Payne (2011) ở 6 quốc gia Trung Mỹ cho thấy, giữa tiêu thụ năng lượng tái tạo và GDP có mối quan hệ nhân quả Granger hai chiều. Ở các nước Nam Mỹ, Apergis và Payne (2015) đã tìm thấy tác động dương và có ý nghĩa của GDP bình quân đầu người thực tế, phát thải CO2 bình quân đầu người đến tiêu thụ năng lượng tái tạo trong dài hạn, và các tác giả cùng khẳng định sự tồn tại mối quan hệ nhân quả hai chiều giữa các biến trong giai đoạn 1980-2010.
Ở các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Alper và Oguz (2016) cũng đã phát hiện ra mối quan hệ dài hạn giữa tiêu thụ năng lượng tái tạo và GDP. Tương tự, Rafindadi và Ozturk (2016) khẳng định rằng, tiêu thụ năng lượng tái tạo đã thúc đẩy GDP của Đức. Nghiên cứu của Kocak và Sarkgunesi (2017) cho thấy tiêu thụ năng lượng tái tạo là một yếu tố dự báo quan trọng của GDP. Leitao (2014) cho rằng, ở Bồ Đào Nha, phát thải CO2 và năng lượng tái tạo có tương quan dương với tăng trưởng kinh tế, giữa tiêu thụ năng lượng tái tạo và tăng trưởng kinh tế có mối quan hệ nhân quả một chiều trong giai đoạn 1970-2010.
Ở các nước BRIC (Brazil, Liên bang Nga, Ấn Độ và Trung Quốc), Pao và Tsai (2011) đã tìm thấy các mối quan hệ nhân quả hai chiều giữa phát thải CO2 và GDP; giữa tiêu thụ năng lượng và GDP; và mối quan hệ nhân quả một chiều từ tiêu thụ năng lượng đến phát thải CO2 trong giai đoạn 1980-2007.
Ở châu Phi, nghiên cứu tác động của tiêu thụ năng lượng tái tạo đối với phát thải CO2 và tăng trưởng kinh tế ở 25 quốc gia thuộc châu lục này trong giai đoạn 1980-2012, Zoundi (2017) cho rằng, phát thải CO2 đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, tiêu thụ năng lượng tái tạo có tác động ngược chiều đến phát thải CO2.
Do đó, năng lượng tái tạo là nguồn năng lượng thay thế hiệu quả cho các nguồn năng lượng truyền thống. Jebli và cộng sự (2015) nghiên cứu mối quan hệ giữa phát thải CO2 , GDP, tiêu thụ năng lượng tái tạo và thương mại quốc tế ở 24 quốc gia châu Phi cận Sahara trong giai đoạn 1980-2010.
Kết quả kiểm định quan hệ nhân quả Granger cho thấy, trong ngắn hạn, giữa phát thải và tăng trưởng kinh tế có mối quan hệ nhân quả hai chiều; từ phát thải đến tiêu thụ năng lượng tái tạo, và từ GDP đến tiêu thụ năng lượng tái tạo có mối quan hệ nhân quả một chiều.
Nghiên cứu về mối liên hệ giữa tăng trưởng kinh tế, tiêu thụ năng lượng và phát thải carbon của Waheed và cộng sự (2019) cho thấy, phát thải carbon không liên quan đến tăng trưởng kinh tế ở các quốc gia phát triển, và tiêu thụ năng lượng càng cao gây ra lượng khí thải carbon càng lớn.
Chất lượng thể chế và tăng trưởng kinh tế
Hầu hết các nghiên cứu về thể chế đều sử dụng cơ sở dữ liệu của WGI (Worldwide Governance Indicators) về quản trị quốc gia của hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ra đời từ năm 1996 và liên tục được hoàn thiện cho đến nay, chỉ số WGI được tổng hợp từ hơn 300 chỉ tiêu dựa trên khoảng 30 nguồn dữ liệu khác nhau và được chia thành sáu nhóm:
i) Ổn định chính trị và không có bạo lực (Political Instability and Absence of Violence): đo lường cảm nhận về khả năng Chính phủ không ổn định hay bị lật đổ bởi các phương tiện không hợp hiến hay bạo lực, bao gồm bạo lực có động cơ chính trị và khủng bố.
ii) Hiệu quả của Chính phủ (Government Effectiveness): đo lường cảm nhận về chất lượng của dịch vụ công và mức độ độc lập với các áp lực chính trị, chất lượng xây dựng và thực thi chính sách, và tính tin cậy của cam kết thực hiện của Chính phủ trong việc thực thi các chính sách này.
iii) Nhà nước pháp quyền (Rule of Law): đo lường cảm nhận về mức độ tin tưởng và tôn trọng của người dân đối với các quy định của xã hội, đặc biệt là về chất lượng của việc thực thi hợp đồng, quyền sở hữu tài sản, cảnh sát, tòa án, cũng như về mức độ tội phạm và bạo lực.
iv) Chất lượng các quy định (Regulatory Quality): đo lường cảm nhận về khả năng của Chính phủ trong việc xây dựng các chính sách khuyến khích sự phát triển của khu vực tư nhân.
v) Kiểm soát tham nhũng (Control of Corruption): đo lường cảm nhận về mức độ chế tài của pháp luật đối với các hành vi tham nhũng và các loại tham nhũng khác nhau, kể cả việc thâu tóm chính quyền của một số nhóm lợi ích.
vi) Tiếng nói và trách nhiệm giải trình (Voice and Accountability): đo lường cảm nhận về mức độ tham gia của người dân vào việc lựa chọn Chính phủ, mức độ tự do bày tỏ quan điểm của người dân và các phương tiện truyền thông đại chúng.
Các kết quả nghiên cứu về tác động của thể chế đối với tăng trưởng không rõ ràng và nhất quán. Jalilian, Kirkpatrick và Parker (2006) cho rằng, chất lượng các quy định có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển. Habtamu (2008) khẳng định rằng, các đặc trưng thể chế như: nhà nước pháp quyền, hiệu quả của Chính phủ, chất lượng quy định, sự bất ổn chính trị, tiếng nói và trách nhiệm giải trình có ảnh hưởng đến tăng trưởng, trong khi kiểm soát tham nhũng không liên quan đến tăng trưởng ở 35 nước châu Phi cận Sahara (SSA) trong giai đoạn 1996-2005.
Tương tự, Kilishi và cộng sự (2013) nhận thấy thể chế thực sự quan trọng đối với hoạt động kinh tế của 36 nước châu Phi cận Sahara giai đoạn 1996-2010, trong đó chất lượng quy định dường như là quan trọng nhất. Nghiên cứu tác động của chất lượng thể chế và quản trị công đối với tăng trưởng kinh tế của 84 quốc gia đang phát triển, Gani (2011) chỉ ra rằng, ổn định chính trị và hiệu quả của Chính phủ có tác động tích cực và đáng kể đến tăng trưởng.
Phát hiện của Vianna và Mollick (2018) cho thấy chất lượng thể chế tăng 0,1 điểm dẫn đến cải thiện chi tiêu bình quân đầu người 3,9% ở 192 quốc gia Mỹ Latinh trong giai đoạn 1996-2015. Epaphra và Kombe (2018) kết luận rằng, ổn định chính trị dường như là yếu tố quan trọng nhất trong việc giải thích tăng trưởng GDP bình quân đầu người thực tế ở châu Phi giai đoạn 1996-2016.
Các kết quả nghiên cứu của Iheonu và cộng sự (2017) cho thấy kiểm soát tham nhũng, hiệu quả của Chính phủ, chất lượng quy định và pháp quyền có tác động tích cực và đáng kể đến hoạt động kinh tế ở Tây Phi giai đoạn 1996-2015.
Một số tài liệu cũng đề cập đến tác động gián tiếp của chất lượng thể chế lên tổng sản phẩm quốc nội GDP thông qua tác động đến tăng trưởng của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hoặc của độ mở thương mại. Các tài liệu phần lớn ủng hộ quan điểm:
Chất lượng thể chế tốt có thể nâng cao hiệu quả tăng trưởng kinh tế của FDI bằng cách tạo điều kiện tốt hơn cho quá trình chuyển giao công nghệ và lan tỏa tri thức. Jude và Levieuge (2015) nghiên cứu về tác động của FDI đối với tăng trưởng kinh tế và chỉ ra các bằng chứng hỗn hợp có điều kiện phụ thuộc vào chất lượng thể chế. Các tác giả lập luận rằng, hệ thống thể chế kém có liên quan đến chi phí giao dịch cao, tăng rủi ro trong dài hạn, nới lỏng mối liên kết giữa các công ty liên doanh nước ngoài và doanh nghiệp trong nước, và do đó, hạn chế tác động lan tỏa.
Ngoài ra, chất lượng thể chế tốt hơn cũng được cho là có thể giảm thiểu tác động lấn át của FDI bằng cách khuyến khích đầu tư nước ngoài vào các ngành tiên phong, giảm bớt sự cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước để hiệu quả tăng trưởng của FDI sẽ được tăng cường hơn nữa.
Ngoài ra, chất lượng thể chế được minh chứng là sẽ củng cố hiệu quả tăng trưởng kinh tế của độ mở thương mại vì chất lượng thể chế tốt hơn có xu hướng thúc đẩy các lợi thế từ thương mại như tư bản hóa và hiệu quả kinh tế theo quy mô ở các nền kinh tế tiên tiến. Nguyen và cộng sự (2018) tìm thấy tác động tích cực đáng kể của chất lượng thể chế đối với tăng trưởng kinh tế ở các nền kinh tế mới nổi giai đoạn 2002-2015 và cho rằng, chất lượng thể chế cản trở tác động tích cực của FDI và độ mở thương mại đối với tăng trưởng kinh tế.
Tóm lại, hệ thống các tài liệu đã có về mối quan hệ giữa chất lượng thể chế, tiêu thụ năng lượng tái tạo, phát thải CO2 và tăng trưởng kinh tế cho thấy, các kết luận khá khác nhau về tác động của các nhân tố đến tăng trưởng. Vì vậy, ảnh hưởng của các nhân tố này đến chất tăng trưởng đang là một thách thức lớn cả về tài liệu và bằng chứng thực nghiệm.
Do đó, bản chất của mối quan hệ giữa giữa chất lượng thể chế, tiêu thụ năng lượng tái tạo, phát thải CO2 và tăng trưởng kinh tế ở các quốc gia cần được tiếp tục nghiên cứu, phân tích và đánh giá thận trọng. Phần tiếp theo của bài viết sẽ trình bày phương pháp nghiên cứu và dữ liệu sử dụng để làm sáng tỏ tác động của các nhân tố đến tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam.
Bùi Hằng