Hải Dương: ‘Đột nhập’ xưởng tái chế rác thải không phép gây ô nhiễm môi trường
Một xưởng tái chế rác thải công nghiệp hoạt động không phép trên địa bàn xã Định Sơn, huyện Cẩm Giàng (tỉnh Hải Dương) trong thời gian dài nhưng không bị xử lý. Dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm của cơ quan chức năng huyện Cẩm Giàng.
Người dân xã Định Sơn, huyện Cẩm Giàng (tỉnh Hải Dương) phản ánh một xưởng tái chế rác thải công nghiệp hoạt động trên địa bàn xã tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, khả năng xảy ra hỏa hoạn rất cao. Hàng ngày, xe ôtô chở rác ra vào tấp nập chở theo rác thải công nghiệp như giấy, vải vụn, xốp, nilon… Trong xưởng, rác thải công nghiệp chất thành đống trải dài hàng trăm mét.
Ông Định người dân xã Định Sơn cho biết: “Xưởng tái chế rác thải công nghiệp này có chủ là người Trung Quốc, họ thuê lại địa điểm của một công ty khác để làm hạt nhựa. Tất cả rác thải được nhập từ Trung Quốc về bằng đường biển, sau khi được tái chế và đưa đi tiêu thụ ở nhiều nơi.
Mặc dù xưởng tái chế rác thải này hoạt động rầm rộ trong thời gian dài nhưng chưa thấy cơ quan chức năng kiểm tra xử lý. Xưởng này tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Chúng tôi vô cùng bức xúc trước tình trạng trên, đề nghị lực lượng chức năng, chính quyền các cấp sớm vào cuộc giải quyết giúp người dân”.
Theo ghi nhận của phóng viên, xưởng tái chế rác thải công nghiệp nằm trong quỹ đất của một công ty rộng hàng nghìn m2 không có hệ thống phòng cháy chữa cháy. Trong xưởng, rác thải như bìa, giấy, nilon, vải vụn… chất thành đống lên tận nóc, trải dài hàng trăm mét. Hơn chục công nhân chia thành từng nhóm làm các phần việc đã được định sẵn trong cái nóng nực, oi bức của những ngày đầu hè. Để đi lại, công nhân phải lách từng bước chân giữa đống rác thải nằm san sát.
Hàng ngày, rác thải được xe ôtô loại xe thùng phủ bạt kín chở về sau đó phân loại rồi tái chế chở đi các nơi tiêu thụ. Ngay cạnh xưởng là một cánh đồng canh tác của người dân. Nước thải, nước rỉ rác hàng ngày được xả trực tiếp xuống con mương nội đồng của bà con gây ô nhiễm môi trường.
Trao đổi với PV, ông Ngà (quản lý tại xưởng tái chế rác thải) thừa nhận việc nhập khẩu rác từ Trung Quốc về để xử lý. “Rác thải được nhập từ Đài Loan, Trung Quốc về cảng Hải Phòng và đưa về đây để tập kết sau đó tái chế và đưa đi tiêu thụ ở các nơi.
Về các loại giấy tờ liên quan chúng tôi đều không có, xưởng được chủ người Trung Quốc thuê lại của công ty trước đây làm phân vi sinh nên hệ thống phòng cháy chữa cháy cũng chưa được đảm bảo theo đúng quy định, rác thải chủ yêu là vải vụn và nilon nên hầu hết không có nước thải chảy ra môi trường. Thời gian vừa qua do tình hình dịch bệnh nên xưởng cũng bị ảnh hưởng nhiều, do đó mới hoạt động trở lại chúng tôi sẽ khắc phục những thiếu sót trong thời gian tới”.
Xưởng tái chế rác thải không phép, rác thải nhập khẩu từ Trung Quốc về và đặc biệt là xưởng không có hệ thống PCCC, gây ô nhiễm môi trường ngang nhiên hoạt động trên địa bàn xã, huyện quản lý. Nhưng khi phóng viên đặt lịch làm việc và trao đổi nội dung này thì chính quyền các cấp tại Hải Dương lại không hề hay biết.
“Chỉ khi báo chí phản ánh chúng tôi mới nắm bắt được thông tin và sẽ cho người đi kiểm tra lại sau đó thông tin lại cho Quý báo”, lãnh đạo huyện Cẩm Giàng nói.
Trao đổi với PV Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường, cán bộ địa chính xã Định Sơn thừa nhận không nắm bắt được kho tập kết rác thải đang hoạt động trên địa bàn quản lý.
"Trước đó kho này là của một công ty chuyên làm phân vi sinh, tuy nhiên họ đã bỏ từ lâu và cho thuê lại. Vì cũng không kiểm tra nên chúng tôi không biết hiện tại là kho tập kết rác thải của người Trung Quốc, chỉ khi báo chí phản ánh và thực tế tới địa chỉ trên chúng tôi mới biết. Việc này xã sẽ báo cáo lại cấp trên để kiểm tra xử lý nếu phát hiện sại phạm và sẽ thông tin lại cho Quý báo trong thời gian sớm nhất".
Điều 71 luật Bảo vệ môi trường 2020 về Bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài quy định:
1. Phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường và thuộc Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
2. Tổ chức, cá nhân chỉ được nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất cho cơ sở sản xuất của mình và phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau đây:
a) Có cơ sở sản xuất với công nghệ, thiết bị tái chế, tái sử dụng, kho, bãi dành riêng cho việc tập kết phế liệu đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; có phương án xử lý tạp chất đi kèm phù hợp với phế liệu nhập khẩu;
b) Có giấy phép môi trường;
c) Ký quỹ bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 137 của Luật này trước thời điểm phế liệu được dỡ xuống cảng đối với trường hợp nhập khẩu qua cửa khẩu đường biển hoặc trước thời điểm nhập khẩu vào Việt Nam đối với các trường hợp khác;
d) Có văn bản cam kết về việc tái xuất hoặc xử lý phế liệu trong trường hợp phế liệu nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
3. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều này.
Tạp chí Điện tửKinh tế Môi trườngsẽ tiếp tục thông tin!
M.H