Vải thiều Hải Dương, Bắc Giang sẵn sàng 'xuất ngoại' khi vào vụ
Mùa vải thiều 2022 tại Hải Dương và Bắc Giang dự kiến sẽ 'được mùa'. Do vậy, cả 2 tỉnh Hải Dương và Bắc Giang đã chuẩn bị các điều kiện tốt nhất, theo nhiều phương án để xuất khẩu vải thiều vào các thị trường lớn.
Để chuẩn bị "Mở đường cho vải thiều vào các thị trường lớn", Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương cho biết: Toàn huyện hiện có hơn 3.200 ha vải. Do thời tiết thuận lợi, dự kiến sản lượng vụ vải năm nay cao hơn từ 5-10% so với năm 2021.
Thời gian cho thu hoạch vải năm nay dự kiến muộn hơn khoảng 7-10 ngày do đặc điểm thời tiết nên tại Thanh Hà, trà vải u hồng, tàu lai cho thu hoạch từ khoảng 25.5–5/6; trà vải chính vụ cho thu hoạch từ 10–25/6. Huyện đã sẵn sàng cho việc thu hoạch và xuất khẩu vải.
Tỉnh Hải Dương dự kiến tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại vải thiều, sản phẩm tiêu biểu tỉnh Hải Dương vào ngày 29/5 tại Trung tâm Văn hóa Xứ Đông theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với các điểm cầu được thiết lập tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Mỹ, Pháp, Bỉ, Australia, Nhật Bản...
Còn tại Bắc Giang, UBND tỉnh Bắc Giang ước tính sản lượng vải thiều năm nay khoảng 180.000 tấn, được thu hoạch trong thời gian 20/5 – 20/7.
Bắc Giang dự kiến xuất khẩu khoảng 95.000 tấn sang Trung Quốc, tỉnh cũng tập trung cao 149 mã vùng trồng và duy trì 300 cơ sở đóng gói phục vụ đủ nhu cầu xuất khẩu sang thị trường này.
Để xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc trong bối cảnh phía bạn đang thực hiện nghiêm ngặt các điều kiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tỉnh Bắc Giang đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn và hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà vườn, thương nhân tham gia xuất khẩu tuân thủ, đáp ứng yêu cầu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
UBND tỉnh Bắc Giang đã làm việc với tỉnh Lạng Sơn, đề nghị phối hợp để tiêu thụ vải thiều sang bên kia biên giới. Tỉnh Lạng Sơn đã chuẩn bị các điều kiện, sẵn sàng mở điểm cầu trực tuyến kết nối, tiêu thụ vải thiều Bắc Giang.
Tỉnh Lạng Sơn cũng thường xuyên trao đổi với các cơ quan liên quan của Trung Quốc để tháo gỡ khó khăn, thống nhất triển khai thực hiện các phương thức thông quan mới theo hướng linh hoạt, phù hợp với đặc thù từng cửa khẩu và yêu cầu về công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Đến nay, tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng khu vực vùng đệm tại các cửa khẩu cũng như khu vực chờ; phân luồng ưu tiên để hỗ trợ làm các thủ tục cũng như hỗ trợ di chuyển từ khu vực tập kết đến km số 0.
Huy Tưởng