Thứ sáu, 29/03/2024 13:12 (GMT+7)
Thứ sáu, 18/12/2020 11:34 (GMT+7)

Vì sao Đông Nam Á đặc biệt dễ bị tổn thương vì biến đổi khí hậu?

Theo dõi KTMT trên

Đông Nam Á là khu vực bị đe dọa nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu do dân cư tập trung đông đúc ở bờ biển, các khu nông nghiệp lớn và một số lượng không nhỏ người dân phải sống với mức chi dưới 2 USD/ngày.

Người dân lo ngại vì biến đổi khí hậu

Theo kết quả khảo sát do Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak) có trụ sở tại Singapore, người dân các nước khu vực Đông Nam Á cho rằng lũ lụt, mất đa dạng sinh học và nước biển dâng là những tác động đáng lo ngại nhất của tình trạng biến đổi khí hậu đối với khu vực.

Theo đó, trong 3 tác động nghiêm trọng nhất của tình trạng biến đổi khí hậu nói trên, lũ lụt là mối quan tâm lớn đối với hầu hết các quốc gia trong khu vực, ngoại trừ Campuchia và Singapore.

Về mất đa dạng sinh học, các nước Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines và Việt Nam lo ngại hơn các nước ASEAN còn lại.

Trong khi đó, các nước lo ngại về tình trạng mực nước biển dâng ở nhiều mức khác nhau. Chỉ có 20% hoặc dưới 20% những người được hỏi ở các nước Campuchia, Myanmar và Lào (không giáp biển) bày tỏ lo ngại về vấn đề này. Trong khi đó, một tỉ lệ cao hơn những người được hỏi từ các quốc gia ven biển như Indonesia, Philippines, Singapore và Việt Nam cảm thấy điều này là nghiêm trọng.

Vì sao Đông Nam Á đặc biệt dễ bị tổn thương vì biến đổi khí hậu? - Ảnh 1
Mất đa dạng sinh học cũng là vấn đề đáng lo ngại tại nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. (Ảnh minh họa: Internet)

Cũng theo báo cáo khảo sát, ngoài các tác động hàng đầu nói trên, người dân Đông Nam Á cũng đặc biệt lo ngại về tình trạng hạn hán, các đợt nắng nóng và sạt lở đất do mưa lớn kéo dài.

Đông Nam Á là khu vực trên thế giới bị đe dọa nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu. Khu vực Đông Nam Á với hơn 620 triệu dân nhận thấy rõ về mối liên hệ giữa khủng hoảng khí hậu, phát triển bền vững, hòa bình và an ninh con người.

Năm 2009, Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) phát hành một bản báo cáo dự đoán rằng nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên trong khu vực Đông Nam Á sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu. 

Theo IFAD, thời tiết khắc nghiệt như lũ lụt, hạn hán và bão, có thể ảnh hưởng đến hệ thống thủy lợi, năng suất phát triển cây trồng, suy thoái đất, mất hệ sinh thái và tài nguyên nước. Điều này sẽ có tác động xấu đến các nền kinh tế dựa vào nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên. Những tác động của khí hậu cũng sẽ đe dọa nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương, vốn gắn liền với sản xuất nông nghiệp. Cũng trong năm 2009, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã đưa ra báo cáo kinh tế về tình trạng biến đổi khí hậu ở Đông Nam Á.

Theo ADB, khu vực Đông Nam Á đặc biệt dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu, do dân cư tập trung đông đúc ở bờ biển, các khu nông nghiệp lớn và một số lượng không nhỏ người dân phải sống với mức chi dưới 2 USD/ngày.

Tại các quốc gia Đông Nam Á, nông nghiệp chiếm 43% tổng số việc làm trong năm 2004, đóng góp 11% vào GDP trong năm 2006. Khu vực này cũng phụ thuộc rất nhiều vào nguồn tài nguyên thiên nhiên và lâm nghiệp. Chính vì lẽ đó, việc xuất khẩu các sản phẩm từ đây có khả năng bị ảnh hưởng xấu bởi các sự kiện thời tiết khắc nghiệt. Bên cạnh đó, báo cáo cũng đưa ra dự đoán sản lượng gạo bình quân có khả năng suy giảm lên đến 50% vào năm 2100 so với 1990. Các nước như Việt Nam và Thái Lan dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi sự suy giảm này. Ngoài ra, mực nước biển dâng cũng có thể khiến suy giảm 12% lượng lúa gạo sản xuất.

Năm 2013, Ngân hàng Thế giới đã đưa ra một thông cáo báo chí, cảnh báo khí hậu ấm hơn có thể đe dọa sinh kế tại khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, sự suy thoái của các rạn san hô phần nào đó sẽ làm giảm lượng khách du lịch, giảm trữ lượng cá đồng thời khiến người dân sống tại vùng ven biển dễ bị tổn thương hơn trước những cơn bão. Ngay sau đó vào năm 2014, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu, cũng đưa ra cảnh báo rằng những người sống ở các vùng ven biển của châu Á có thể phải đối mặt với một số các tác động xấu nhất của sự nóng lên toàn cầu. Dự  kiến hàng triệu người có thể sẽ bị mất nhà cửa do lũ lụt và nạn đói.

Vì sao Đông Nam Á đặc biệt dễ bị tổn thương vì biến đổi khí hậu? - Ảnh 2
Bão, lũ là nỗi lo hiện hữu tại nhiều quốc gia Đông Nam Á. (Ảnh: Internet)

54,5 triệu người đã phải di dời do các thiên tai

Trong năm nay, hơn 500.000 người đã phải di dời do thiên tai liên quan đến thời tiết trên khắp khu vực. Bão Phanfone và Vongfong đã tấn công Philippines, trong khi thủ đô của Indonesia đã hai lần bị ngập do lũ lụt toàn khu vực. Theo dữ liệu mới từ Trung tâm Giám sát dịch chuyển nội bộ, 54,5 triệu người đã phải di dời do các thiên tai liên quan đến thời tiết trên khắp Đông Nam Á từ năm 2008 - 2018.

Biến đổi khí hậu là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sự ổn định lâu dài của khu vực ở Đông Nam Á. Mặc dù những người không tự nguyện di dời do thiên tai có xu hướng là người di cư trong nước ngắn hạn, nhưng tác động tổng hợp của các điều kiện khí hậu mới có thể sẽ gây ra tình trạng di cư lâu dài trên diện rộng vượt qua biên giới quốc tế và làm tăng khả năng bất ổn trong khu vực.

Ngay cả khi chúng ta cùng nhau quản lý để giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu lên 2,4 độ C, thì mực nước biển dâng cao 50-70 cm dự kiến ​​vào cuối thế kỷ này sẽ ngày càng đe dọa 77% người Đông Nam Á sống dọc theo bờ biển hoặc ở vùng thấp, các châu thổ sông.

Đến năm 2050, triều cường hàng ngày sẽ làm ngập lụt các khu vực có hơn 48 triệu người ở Đông Nam Á hiện đang sinh sống, trong khi mức lũ trung bình hàng năm được dự đoán sẽ làm ngập lụt nhà cửa của hơn 79 triệu người. Đồng thời, các mối đe dọa trực tiếp của mực nước biển dâng và siêu bão sẽ gây mất an ninh lương thực và nguồn nước trong toàn khu vực.

Tất cả những tác động này, sẽ ảnh hưởng không tương xứng đến các cộng đồng nghèo nhất và bị thiệt thòi nhất, sẽ góp phần gây bất ổn chính trị và gây thiệt hại cho nền kinh tế địa phương và quốc gia.

Minh Tuệ

Bạn đang đọc bài viết Vì sao Đông Nam Á đặc biệt dễ bị tổn thương vì biến đổi khí hậu?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.