Hợp nhất Bắc Ninh và Bắc Giang: Đánh thức tiềm năng phát triển mới của xứ Kinh Bắc
Đề xuất hợp nhất hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang không chỉ là bước ngoặt trong cải các hành chính, mà còn mở ra hướng đi mới về phát triển kinh tế – xã hội cho cả vùng, hứa hẹn biến xứ Kinh Bắc trở thành trung tâm kinh tế sáng giá của miền Bắc.
Vùng đất của di sản và tiềm năng
Kinh Bắc, tên gọi xưa của những vùng đất trải dài từ Bắc Ninh, Bắc Giang cho tới Hải Dương, Hưng Yên, vốn nổi tiếng với di sản văn hóa lâu đời, được xem là cái nôi của nền văn hóa Việt. Tranh dân gian Đông Hồ, dân ca Quan họ, những đền chùa cổ kính và hệ thống làng nghề truyền thống đã ghi đậm dấu ấn lịch sử trong văn hóa đồng bằng Bắc Bộ.
Trong quá khứ, Bắc Ninh và Bắc Giang từng có thời gian chung "một mái nhà" dưới tên gọi tỉnh Hà Bắc. Sự kiện này diễn ra vào năm 1962 khi hai tỉnh được sáp nhập thành một đơn vị hành chính duy nhất. Tỉnh Hà Bắc tồn tại trong suốt 34 năm, từ năm 1962 đến năm 1996, trước khi Quốc hội quyết định tái lập hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang như hiện nay.

Mới đây, tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Trung ương đã ban Nghị quyết 60-NQ/TW quyết định hợp nhất một số tỉnh thành trên cả nước, trong đó có Bắc Ninh và Bắc Giang. Theo nghị quyết này, hai tỉnh sẽ được hợp nhất thành một đơn vị hành chính mới, lấy tên là tỉnh Bắc Ninh, với trung tâm chính trị – hành chính đặt tại Bắc Giang
Đại diện Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang cho biết, Bắc Giang được giao chủ trì kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh với Bắc Ninh. Thời gian nộp hồ sơ về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh trước ngày 1/5, thời điểm lấy ý kiến cử tri vào ngày 20/4.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc hợp nhất 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang sẽ giúp thống nhất các chính sách, tối ưu hóa sử dụng nguồn lực tài chính và nhân lực, đồng bộ hóa quy hoạch phát triển kinh tế – một nhu cầu cấp thiết trong bối cảnh nền kinh tế chuyển đổi số và hội nhập quốc tế đang lên ngôi.
Với diện tích tự nhiên khoảng 4.718,6 km2 và dân số trên 3,5 triệu người, đơn vị hành chính mới được kỳ vọng có khả năng cạnh tranh với các trung tâm kinh tế trọng điểm như Hà Nội hay Hải Phòng. Trong thời kỳ các trung tâm kinh tế đang chuyển dịch theo mô hình liên kết và tập trung, bước đi hợp nhất này được đánh giá sẽ tạo ra cực tăng trưởng kinh tế mới, từ đó thu hút đầu tư và nâng cao giá trị sản xuất.
Bắc Ninh, với sức mạnh trong lĩnh vực công nghiệp điện tử và công nghệ cao khi có sự góp mặt của các tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Canon, Foxconn, sẽ là động lực chính thu hút chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngược lại, Bắc Giang lại sở hữu lợi thế về đất đai rộng lớn, nguồn nhân lực dồi dào cùng truyền thống nông nghiệp công nghệ cao – với các sản phẩm như vải thiều, nông, lâm sản. Sự kết hợp ấy hứa hẹn hình thành một hệ sinh thái kinh tế khép kín, giảm thiểu chi phí vận chuyển và tăng cường tính cạnh tranh, tạo tiền đề cho mô hình phát triển vùng kinh tế theo hướng hiện đại và bền vững.
Bên cạnh các giá trị kinh tế, hợp nhất Bắc Ninh và Bắc Giang còn mở ra cơ hội đẩy mạnh phát triển hạ tầng đồng bộ. Hiện nay, với những dự án trọng điểm như cao tốc Hà Nội – Bắc Giang và tuyến quốc lộ 1A, hệ thống giao thông của hai tỉnh đã được đầu tư đáng kể. Tuy nhiên, quy hoạch tổng thể chung sẽ tạo ra mạng lưới giao thông liên kết mật thiết, hỗ trợ hiệu quả cho quá trình công nghiệp hóa và phát triển đô thị thông minh.
Sự kết nối hạ tầng không chỉ hỗ trợ sản xuất mà còn thúc đẩy du lịch văn hóa – một lĩnh vực có tiềm năng phát triển mạnh mẽ ở vùng Kinh Bắc. Với bề dày lịch sử và mật độ di tích văn hóa phong phú, việc xây dựng các tuyến du lịch liên kết giữa những điểm nhấn như hành trình từ chùa Dâu (Bắc Ninh) đến chùa Bổ Đà (Bắc Giang), hay từ làng tranh Đông Hồ đến các làng Quan họ sẽ tạo nên một sản phẩm du lịch độc đáo. Đặc biệt, di sản Quan họ – đã được UNESCO công nhận – có thể trở thành “thương hiệu” du lịch văn hóa tiêu biểu cho khu vực, thu hút du khách trong và ngoài nước.

Không chỉ dừng lại ở phát triển kinh tế, sự hợp nhất còn mở cơ hội phục dựng và bảo tồn các giá trị văn hóa đang có nguy cơ mai một. Sự sáp nhập sẽ tạo ra nguồn ngân sách gắn liền với việc trùng tu, bảo tồn di tích, đào tạo nghệ nhân truyền thống và tổ chức các sự kiện văn hóa quy mô lớn. Những hoạt động này không chỉ giúp duy trì bản sắc văn hóa đặc trưng của Kinh Bắc mà còn thúc đẩy phát triển cộng đồng, tạo sinh kế cho người dân địa phương.
Một chiến lược quảng bá du lịch và văn hóa chung giữa Bắc Ninh và Bắc Giang sẽ nâng tầm cả hai địa phương, biến vùng đất đầy di sản này thành điểm đến hấp dẫn, mới mẻ trên bản đồ du lịch miền Bắc.
Trung tâm đổi mới sáng tạo trong tương lai
Việc hợp nhất Bắc Ninh và Bắc Giang không chỉ là vấn đề quản lý hành chính mà còn là bước phát triển chiến lược về mặt kinh tế. Bộ mặt của xứ Kinh Bắc sau hợp nhất được dự báo sẽ hội tụ năng lực công nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức và đổi mới sáng tạo. Tập trung các nguồn lực cho các dự án hạ tầng trọng điểm như cầu đường, cảng biển và trung tâm logistics sẽ là chất xúc tác giúp vùng kinh Bắc phát triển toàn diện.
Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng, một vùng kinh tế lớn, có quy mô thống nhất sẽ có khả năng thu hút FDI với sức hút vượt trội, tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Sự liên kết chặt chẽ cùng việc ứng dụng công nghệ số trong quản trị hành chính, quản lý tài chính và hỗ trợ doanh nghiệp sẽ giúp tạo ra một môi trường đầu tư hiện đại, năng động và cạnh tranh.
Trong thời đại công nghiệp 4.0, chuyển đổi số không chỉ là xu thế mà còn là yếu tố quyết định đưa kinh tế lên tầm cao mới. Vùng kinh Bắc hợp nhất sẽ có điều kiện xây dựng một nền tảng công nghệ chung, nơi các sáng kiến đổi mới sáng tạo có thể nhanh chóng được triển khai, thu hút nguồn nhân lực chất lượng và tạo ra hệ sinh thái kinh tế số phát triển bền vững.
Dù có vô vàn lợi ích kinh tế, xã hội, quá trình hợp nhất Bắc Ninh và Bắc Giang cũng không tránh khỏi những trở ngại. Rào cản về lịch sử, truyền thống quản lý và sự khác biệt trong cách thức hoạt động của từng địa phương là những vấn đề cần được giải quyết triệt để. Sự đồng bộ trong phân chia nguồn lực tài chính và điều chỉnh quyền tự chủ trong quản lý ngân sách cũng đặt ra yêu cầu về cải cách pháp lý, nhằm đảm bảo tính công bằng và hiệu quả trong phát triển chung.
Đồng thời, việc bảo tồn những giá trị văn hóa đặc trưng của từng địa phương đòi hỏi sự tiếp cận trong công tác truyền thông, lắng nghe ý kiến đóng góp của người dân cũng như các bên liên quan. Sự minh bạch và tinh thần hợp tác xuyên suốt toàn quá trình chuyển đổi là yếu tố then chốt giúp tránh những mất mát về mặt văn hóa, truyền thống, đồng thời đảm bảo quá trình sáp nhập diễn ra thuận lợi và hiệu quả.
Với tầm nhìn chiến lược và quyết tâm cải cách, quá trình hợp nhất Bắc Ninh và Bắc Giang được mong đợi sẽ tạo ra một “điểm tựa” mới cho vùng kinh Bắc – nơi hội tụ nguồn lực công nghiệp, hạ tầng hiện đại và đội ngũ nhân lực chất lượng. Một vùng kinh tế lớn thống nhất sẽ không chỉ nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm sản xuất mà còn góp phần chuyển mình sang nền kinh tế tri thức, mở ra nhiều cơ hội việc làm và cải thiện đời sống cho người dân.
Việc tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, thông qua các dự án trọng điểm như đường cao tốc, trung tâm logistics và các khu công nghiệp quy mô, sẽ giúp vùng kinh Bắc bước một bước dài về cạnh tranh. Đồng thời, thông qua các chiến lược đổi mới sáng tạo, đây hẳn sẽ là tiền đề để khu vực thu hút dòng vốn FDI và chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập kinh tế toàn cầu.
Hợp nhất Bắc Ninh và Bắc Giang không đơn thuần là vấn đề cải cách hành chính mà còn là bước chuyển mình của cả vùng. Đây là cơ hội để tạo ra một môi trường phát triển kinh tế – xã hội đồng bộ, nơi mà các chính sách được xây dựng dựa trên nền tảng thống nhất, minh bạch và hiệu quả, hướng tới một tương lai hiện đại và hội nhập sâu rộng.
H.A