Gian nan trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu
5 năm sau khi Hiệp định được ký kết, hàng loạt các cảnh báo cấp bách về thiên tai khí hậu vẫn đang được đưa ra, trong khi các chính phủ vẫn khá dè dặt trong chính sách về khí hậu.
5 năm trước, hơn 190 quốc gia đã thông qua Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, mở đường để thế giới tiến tới một tương lai xanh hơn, lành mạnh hơn.
Các mục tiêu tham vọng được đặt ra khi hầu hết các quốc gia đều cam kết sẽ nỗ lực để hạn chế nền nhiệt toàn cầu tăng dưới ngưỡng 2 độ C vào cuối thế kỷ 21 so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp.
Kỳ vọng là vậy nhưng 5 năm sau khi Hiệp định được ký kết, hàng loạt các cảnh báo cấp bách về thiên tai khí hậu vẫn đang được đưa ra, trong khi các chính phủ vẫn khá dè dặt trong chính sách về khí hậu.
Với hạn chót 31/12 tới về việc các quốc gia phải nâng mức cam kết cắt giảm khí thải, chưa đến 20 quốc gia trong nhóm phát thải khoảng 5% khí thải toàn cầu nộp được kế hoạch mới. Khả năng thực hiện được mục tiêu này càng trở nên xa vời sau khi Mỹ quyết định rút khỏi thỏa thuận, khiến nhiều người nhận định các mục tiêu được đề ra trong hiệp định sẽ bị bỏ lỡ.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guteres nhấn mạnh các yêu cầu cấp thiết trong giải quyết khủng hoảng khí hậu: “Thứ nhất, chúng ta cần đạt được trung hòa carbon toàn cầu trong vòng ba thập kỷ tới. Thứ hai, chúng ta phải điều chỉnh kế hoạch tài chính toàn cầu, kế hoạch chi tiết của thế giới về hành động khí hậu. Và thứ ba, chúng ta phải tạo ra một bước đột phá để bảo vệ thế giới - và đặc biệt là những người và quốc gia dễ bị tổn thương nhất - khỏi tác động của khí hậu”.
Nói như vậy không có nghĩa là Thỏa thuận lịch sử này không tạo ra bước đột phá nào. Càng gần đến dấu mốc 5 năm thành lập càng chứng kiến những cam kết mạnh mẽ hơn của các quốc gia, mới nhất những nền kinh tế lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Liên minh châu Âu...
Tới nay, tổng cộng 77 quốc gia, 10 vùng và hơn 100 thành phố đã cam kết mục tiêu trung hòa khí carbon trước năm 2050.
Đáng mừng hơn, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu đang có sự góp sức tích cực của giới trẻ. Các cuộc biểu tình do giới trẻ phát động trong năm qua tạo tiếng vang lớn và góp thêm những tiếng nói quan trọng để thúc đẩy hành động vì khí hậu.
Kể từ thời điểm đạt được Thỏa thuận Paris cách đây 5 năm, nhân loại đã chứng kiến những tác động ngày càng rõ ràng và nghiêm trọng của tình trạng biến đổi khí hậu, từ cháy rừng ở Australia và California (Mỹ) đến việc sụp đổ các thềm băng ở hai cực.
Theo Reuters, điều này đã buộc lãnh đạo nhiều nước phải lắng nghe các ý kiến từ giới khoa học và điều chỉnh chính sách phát triển. Tuy nhiên, khi mọi thứ chỉ mới khởi đầu, đại dịch COVID-19 đã bùng phát và khiến các quốc gia quên mất mục tiêu chống biến đổi khí hậu.
Để nhanh chóng hồi sinh nền kinh tế, các quốc gia đã đưa ra nhiều gói kích thích. Tuy nhiên, theo Tổng Thư ký LHQ, vấn đề nằm ở chỗ các nước đang chi quá nhiều cho những lĩnh vực sử dụng nhiên liệu hóa thạch thay vì năng lượng sạch và có thể tái tạo.
Một số quốc gia đã đưa ra các cam kết giảm phát thải CO2 trong hội nghị ngày 12/12. Chính phủ Anh cam kết sẽ ngừng hỗ trợ các dự án sử dụng nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài. Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục cam kết đưa mức phát thải CO2 về 0 trước năm 2050 nhưng thiếu các cam kết cụ thể như không sử dụng nhiệt điện.
Trung Quốc đã gây nhiều bất ngờ với tuyên bố của Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng 9 vừa qua. Nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc khi đó cam kết sẽ giảm mức phát thải khí CO2 về 0 vào năm 2060.
Nhân kỷ niệm 5 năm đạt được Thỏa thuận khí hậu tại Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu 2015 (COP21), Thủ đô Paris của Pháp đã thúc đẩy việc triển khai nhiều sáng kiến mới.
Để đẩy nhanh cuộc chiến chống lại sự ấm lên toàn cầu, Paris đã quyết định thiết lập một cơ chế "đền bù phát thải khí carbon". Ông Dan Lert, Phó Thị trưởng phụ trách chuyển đổi sinh thái, công bố dự án này vào ngày 11/12.
Ông cảnh báo rằng bất chấp Thỏa thuận Paris, sự ấm lên toàn cầu vẫn tiếp tục là một thảm họa và tháng 11/2020 là thời điểm nóng nhất được ghi nhận trên thế giới. "Do đó, chúng ta phải hành động ở tất cả các cấp, đặc biệt là ở các thành phố. Cơ chế mà chúng tôi muốn thành lập là một phần của các giải pháp để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sinh thái ở Paris", ông khẳng định.
Cơ chế này sẽ giúp tất cả cá nhân, doanh nghiệp, cộng đồng... - những người muốn bồi thường thiệt hại về môi trường do lượng phát thải khí carbon của họ gây ra trong cuộc sống và sản xuất hàng ngày, bằng cách tài trợ cho các dự án xanh.
Thành phố La Rochelle, miền Tây nước Pháp là thành phố đầu tiên quyết định vào năm 2019 thiết lập một cơ chế kiểu này, dưới hình thức hợp tác xã vì lợi ích tập thể.
Ở Paris cũng vậy, theo ông Dan Lert, "cơ chế được đề xuất có thể dưới hình thức hợp tác xã". Khoản đầu tư ban đầu được xác định từ 3-4 triệu euro, với mục tiêu chuẩn bị cho việc thành lập hợp tác xã này trong năm 2021 và khởi động hiệu quả vào năm 2022.
Nhật Hạ