Thứ ba, 23/04/2024 17:47 (GMT+7)
Chủ nhật, 13/12/2020 06:15 (GMT+7)

Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của các quốc gia trên thế giới

Theo dõi KTMT trên

Biến đổi khí hậu đang khiến Trái Đất ngày càng nóng lên, cùng với đó là hiện tượng thiên tai, bão lũ, hạn hán... gây hậu quả tàn khốc. Để giải quyết vấn đề này nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang nỗ lực đưa ra các chính sách để hạn chế.

Thế giới đang trên đường tới mức kỷ lục 5 năm nóng nhất và không đạt được mục tiêu đã được thống nhất là giữ cho nhiệt độ trung bình của hành tinh không tăng quá 2 độ C mỗi năm so với mức tiền công nghiệp hoặc giới hạn mức tăng ở 1,5 độ C.

Báo cáo nhan đề “United in Science 2020” tập hợp dữ liệu khí hậu mới nhất từ một nhóm các đối tác toàn cầu: WMO, Dự án Carbon Toàn cầu, Ủy ban Hải dương học liên chính phủ của UNESCO, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và Văn phòng Met của Vương quốc Anh.

Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của các quốc gia trên thế giới - Ảnh 1
Biến đổi khí hậu ngày càng trở nên khốc liệt. (Ảnh minh họa)

Báo cáo nhấn mạnh những tác động ngày càng tăng và không thể đảo ngược của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến các sông băng, đại dương, thiên nhiên, nền kinh tế, điều kiện sống và thường biểu hiện thông qua các hiểm họa thủy văn như hạn hán hoặc lũ lụt. Ngoài ra, báo cáo cũng cho thấy đại dịch COVID-19 đã cản trở khả năng của chúng ta trong việc giám sát những thay đổi này trong khuôn khổ hệ thống giám sát toàn cầu.

“Nồng độ khí nhà kính, chưa bao giờ cao như vậy trong vòng 3 triệu năm qua, đã lại tiếp tục tăng. Những vùng đất rộng lớn ở Siberia đã trải qua một đợt nắng nóng kéo dài và đặc biệt trong nửa đầu năm 2020, điều này rất khó xảy ra nếu không có biến đổi khí hậu do con người gây ra. Và giai đoạn 2016 – 2020 được thiết lập để trở thành khoảng thời gian 5 năm nóng nhất được ghi nhận” – Tổng thư ký WMO Petteri Taalas cho biết. Ông cũng đồng thời lưu ý báo cáo cho thấy trong khi nhiều khía cạnh cuộc sống của chúng ta bị đảo lộn vào năm 2020, thì "biến đổi khí hậu vẫn tiếp tục không suy giảm".

Trước những hậu quả ngày càng nặng nề của biến đổi khí hậu, các quốc gia trên thế giới đã và đang tìm kiếm những biện pháp khắc phục. 

Nhật Bản

Nhật Bản một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu vì thế, quốc gia này đã chủ động đưa ra các kế hoạch mang tính chiến lược để cắt giảm lượng khí thải.

Nhật Bản hiện đã đặt ra mục tiêu quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính sau năm 2020, cụ thể là giảm 26% lượng phát thải vào năm 2030. Tín hiệu này cho thấy tham vọng dẫn đầu về giảm phát thải trên toàn cầu của Nhật Bản.

Mục tiêu của Nhật Bản càng gặp nhiều áp lực hơn sau thời điểm khí thải carbon dioxide tăng cao từ sự cố nhà máy điện Fukushima I. Trận động đất, sóng thần và sự cố hạt nhân năm 2011 đã làm thay đổi đáng kể hiện trạng năng lượng của Nhật Bản. Mặc dù phải đối mặt với những thách thức to lớn, quốc gia này đã đạt được hiệu quả năng lượng cao nhất thế giới và tiếp tục theo đuổi các biện pháp cắt giảm khí thải.

Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của các quốc gia trên thế giới - Ảnh 2
Lũ lụt nghiêm trọng trong năm 2018 tại Nhật Bản. (Ảnh: EPA-EFE)

Chính phủ Nhật Bản cũng đã tổng hợp các biện pháp cụ thể cùng các công nghệ tiên tiến. Mức tiêu thụ năng lượng tính trên một đơn vị GDP của Nhật Bản hiện thấp hơn khoảng 30% so với mức trung bình của các quốc gia G7 khác. Quốc gia này đặt ra mục tiêu cải thiện khoảng 40% tỉ lệ phát thải khí nhà kính trên GDP cho tới năm 2030. Nhật Bản cũng dự định đẩy nhanh việc đưa năng lượng tái tạo vào sử dụng, tăng 7 lần lượng điện năng từ năng lượng mặt trời và tăng 4 lần điện năng được sản xuất từ gió và địa nhiệt.

Mỹ

Mỹ đang chịu đựng những hậu quả nặng nề của biến đổi khí hậu. Mỹ sẽ phải đối mặt với thủy triều dâng cao, lũ lụt thường xuyên và những trận bão cực mạnh. Dự báo cho biết sẽ có 48 bang trên toàn nước Mỹ bị tác động do biến đổi khí hậu, nghiêm trọng nhất là ở Florida, New Jersey và New York.

Để ứng phó với biến đổi khí hậu, gần một nửa các công ty lớn nhất nước Mỹ đều có ít nhất một mục tiêu về khí hậu hay năng lượng sạch. Những công ty đứng đầu của các ngành công nghiệp ngày nay đều hiểu rằng, đầu tư vào năng lượng sạch sẽ tạo ra việc làm và thúc đẩy khả năng cạnh tranh của Mỹ. Một hành tinh khỏe cũng sẽ giúp thúc đẩy kinh doanh tốt.

Các công ty thuộc mọi quy mô, ngành nghề, khu vực địa lý của Mỹ đều tích hợp các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính vào các kế hoạch kinh doanh. Các công ty này đóng vai trò không thể thiếu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của các quốc gia trên thế giới - Ảnh 3
Nước lũ lên cao ở Houston, Mỹ. (Ảnh: AP)

Nền kinh tế năng lượng sạch đang bùng nổ ở Mỹ đã sử dụng 3,3 triệu lao động, nhiều hơn tất cả số công việc trong khai thác nhiên liệu hóa thạch trên quốc gia này hợp lại. Đầu tư vào năng lượng sạch và các hành động khác để giải quyết biến đổi khí hậu ở cấp bang đã được chứng minh là một công cụ tạo việc làm. Những công việc mới này được phân bổ trên toàn quốc, trong đó các bang California, Texas, New York, Florida và Michigan có số lượng công việc liên quan đến năng lượng sạch lớn nhất từ trước đến nay.

Các thành phố, các bang trên nước Mỹ đều chuẩn bị cho cộng đồng dân cư của mình những nhận thức về biến đổi khí hậu và đồng thời thực hiện các biện pháp để ngăn chặn sự thay đổi càng thêm nghiêm trọng, thảm khốc hơn trong tương lai. Các bang, các thành phố đang thực hiện các bước đi mang tính thực tế để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu từ việc tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo đến đầu tư vào cơ sở hạ tầng bền vững. Thị trưởng các bang ở Mỹ đã cam kết cùng hành động, đảm bảo việc hoạch định chính sách hỗ trợ cho các chiến lược hành động vì khí hậu đầy tham vọng ở cấp liên bang và quốc tế.

Australia

Các nhà khoa học ở Australia đã khuyến cáo các thành phố lớn của nước này bao gồm Melbourne, Sydney phải chuẩn bị ứng phó với những ngày nhiệt độ cao trên 50 độ C vào cuối thế kỷ này, kể cả khi thế giới thực hiện được cam kết giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 2 độ C theo Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Tính đến nay, nhiệt độ cao nhất được ghi nhận lại Melbourne là 46,4 độ C, trong khi ở Sydney là 45,8 độ C.

Trước tình trạng nhiệt độ tăng khó kiểm soát này, Australia đang thực hiện cam kết một cách mạnh mẽ và có trách nhiệm. Mục tiêu của Australia là giảm lượng khí thải xuống 26-28% tới năm 2030. Mục tiêu này tương đương với việc giảm 50-52% lượng khí thải bình quân đầu người và giảm 64-65% cường độ phát thải của nền kinh tế cho đến năm 2030.

Australia đã vượt qua mục tiêu đầu tiên của mình theo Nghị định thư Kyoto. Với những kế hoạch Hành động trực tiếp để ứng phó với biến đổi khí hậu giúp Australia đạt cam kết giảm lượng phát thải xuống 5% vào năm 2020.

Với việc giảm lượng khí thải và cường độ phát thải trên đầu người, Australia hy vọng sẽ vượt qua mục tiêu của các quốc gia khác như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada và Liên minh châu Âu. Đây sẽ là một thành tựu đáng kể khi mà lượng phát thải có liên quan mật thiết đến dân số và tăng trưởng kinh tế của Australia. Dân số của quốc gia này dự kiến sẽ tăng 1,5%/năm cho đến năm 2030, cao hơn đáng kể so với mức tăng dân số trung bình của các nước OECD là 0,4%. Hơn nữa, nền kinh tế của Australia đã bước vào năm thứ 25 liên tiếp tăng trưởng. Đây là giai đoạn tăng trưởng dài thứ hai của bất cứ nền kinh tế tiên tiến nào trên thế giới.

Mục tiêu 2030 của Australia có thể đạt được thông qua Hành động trực tiếp nhằm giảm phát thải khí nhà kính, tăng năng suất và cải thiện sức môi trường và đất đai. Điểm cốt lõi của chương trình này là Australia đã xây dựng được Quỹ giảm phát thải trị giá 2,55 tỉ USD và Cơ chế tự vệ. Điều này được bổ sung bởi các mục tiêu về năng lượng tái tạo, cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng, loại bỏ các khí nhà kính tổng hợp, hỗ trợ trực tiếp cho đầu tư vào công nghệ phát thải thấp.

Chính phủ Australia đã xem xét các chính sách giảm phát thải một cách chi tiết cho giai đoạn 2017-2018 với sự tham vấn chặt chẽ của các doanh nghiệp và cộng đồng.

Việt Nam

Việt Nam là một trong những nước sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Cụ thể nếu mực nước biển dâng cao 1 m, sẽ có khoảng 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích Đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển sẽ bị ngập. Trong đó, TP.HCM sẽ bị ngập trên 20% diện tích; khoảng 10-12% dân số nước ta bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP...

Vì vậy Chính phủ Việt Nam đưa ra nhiều chính sách để đối phó với cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu. Nỗ lực gần đây nhất của Chính phủ chính là việc ban hành Kế hoạch thích ứng quốc gia với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 20/7/2020.

Về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật để triển khai thực hiện, chẳng hạn như Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về đẩy mạnh chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…

Về Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật so với NDC đệ trình năm 2015, Việt Nam đã bổ sung lĩnh vực các quá trình công nghiệp trong kiểm kê khí nhà kính, kịch bản phát triển thông thường, các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và hài hòa đồng lợi ích giữa các hành động khí hậu với phát triển bền vững. Về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong NDC cập nhật trong trường hợp quốc gia tự thực hiện đã tăng về lượng giảm phát thải từ 62,7 triệu tấn CO2tđ lên 83,9 triệu tấn CO2tđ, tương ứng với tỉ lệ giảm phát thải đã tăng thêm 1% (từ 8% lên 9%). Mức đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính khi có hỗ trợ quốc tế tăng lên từ 25% lên 27% và lượng giảm phát thải khí nhà kính đã tăng từ 198,2 triệu tấn CO2tđ lên 250,8 triệu tấn CO2tđ.

Tuy mức đóng góp bằng nguồn lực trong nước tăng 1% nhưng giảm lượng phát thải gần bằng 35% của tổng mức đóng góp giảm phát thải trong NDC năm 2015. Cho đến nay, Việt Nam là một trong số ít các nước tăng mức đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong NDC cập nhật.

Hoài Thu

Bạn đang đọc bài viết Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của các quốc gia trên thế giới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hà Tĩnh khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024
Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.