Thứ ba, 26/11/2024 14:06 (GMT+7)
Thứ tư, 09/12/2020 17:09 (GMT+7)

Năm 2020 và những con số bất an về biến đổi khí hậu

Theo dõi KTMT trên

Năm 2020 không chỉ đi vào lịch sử nhân loại như một cột mốc bi thảm do dịch bệnh Covid-19 mà còn là năm với hàng loạt các thảm họa thiên tai đã xảy ra, những kỷ lục nhiệt độ mới được thiết lập.

Những kỷ lục nhiệt độ mới

Các nhà khoa học đang gióng lên hồi chuông cảnh báo, khi những quan sát của họ cho thấy hành tinh của loài người đang nóng lên nhanh chóng, và hiện tượng dị thường này hằng năm đều đạt những kỷ lục mới. Rất có thể, trong những năm tới, Trái Đất sẽ phá vỡ nhiều kỷ lục lịch sử của năm 2020.

Mới đây Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết, năm 2020 đang trở thành một trong ba năm nóng nhất từng được ghi nhận trên Trái Đất, thậm chí có thể vượt cả mức nhiệt cao kỷ lục vào năm 2016.

Theo WMO, nhiệt độ trung bình toàn cầu từ tháng 1 - 10 năm nay cao hơn khoảng 1,2 độ C so với nền nhiệt giai đoạn năm 1850 - 1900. Theo đó, năm 2020 sẽ là năm nóng thứ hai sau năm 2016 và nóng hơn cả năm 2019, tính từ năm 1850.

Báo cáo cho biết năm 2020 đã ghi nhận nhiều đợt nắng nóng, hạn hán, cháy rừng và mưa bão. Nhiệt độ nước biển tăng lên các mức cao kỷ lục, với hơn 80% các đại dương trên toàn cầu trải qua các đợt sóng nhiệt biển. Các năm nắng nóng trên Trái Đất thường có liên quan đến hiện tượng thời tiết El Nino. Tuy nhiên, năm nay lại trùng với thời điểm hiện tượng La Nina mạnh lên.

Năm 2020 và những con số bất an về biến đổi khí hậu - Ảnh 1
Năm 2020 đã ghi nhận nhiều đợt cháy rừng.

Năm 2020, Trái Đất đã lập kỷ lục về sự gia tăng các trận cháy rừng, bão và nhiệt độ. Vào tháng 6, một thị trấn ở Siberia đã ghi nhận nhiệt độ là 38 độ C, nhiệt độ nóng nhất từng được ghi nhận ở Vòng Bắc Cực. Mùa đông và mùa xuân ở Siberia cũng "ấm bất thường", với nhiệt độ cao hơn bình thường vào tháng 5 lên tới 10 độ C.

Vào tháng 8, Thung lũng Chết ở California đạt mức nhiệt 54,4 độ C, nhiệt độ nóng nhất trong hơn một thế kỷ qua và là một trong những lần nhiệt độ nóng nhất trên thế giới.

Mới đây, dịch vụ vệ tinh quan trắc của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, tháng vừa qua là tháng 11 nóng nhất từng được ghi nhận tại châu lục này trong khi mùa Thu 2020 cũng là mùa Thu ghi nhận những mức nhiệt cao kỷ lục.

Theo phân tích của Hệ thống theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus (C3S), nhiệt độ mặt đất và không khí tại châu Âu trong tháng 11/2020 cao hơn 0,8 độ C so với mức trung bình trong 30 năm từ 1981-2010 và cao hơn 0,1 độ C so với kỷ lục trước đó. Nhiệt độ mùa Thu bán cầu Bắc (tháng 9 - tháng 11) đo được tại châu Âu cũng cao hơn 1,9 độ C so với mức tiêu chuẩn và cao hơn 0,4 độ C so với nhiệt độ trung bình năm 2006, mức nhiệt kỷ lục trước đó.

Mặc dù đến nay mức tăng nhiệt độ chỉ là hơn 1 độ C, nhưng Trái Đất đã và đang phải đối mặt với nhiều thảm họa thiên nhiên, cùng các hiện tượng thời tiết cực đoan thường xuyên hơn như cháy rừng hay bão nhiệt đới.

Ảnh vệ tinh do C3S phân tích cũng cho thấy mức độ mở rộng diện tích băng tại Bắc Băng Dương tháng 11 vừa qua thấp thứ 2 trong các dữ liệu đo đạc  tháng 11 hằng năm kể từ năm 1979, khi dữ liệu này bắt đầu được ghi nhận.

Băng tan kỷ lục

Kể từ giữa những năm 1980, Bắc Cực đã nóng nhanh hơn ít nhất hai lần so với tốc độ tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu, khiến diện tích băng biển mùa hè Bắc Cực tiếp tục xu hướng bị thu hẹp, gây ảnh hưởng đến khí hậu ở các vùng vĩ độ trung bình.

Băng biển ở Bắc Cực chạm mức thấp nhất hàng năm vào tháng 9 vừa qua, là mức thấp thứ hai theo ghi nhận vệ tinh trong 42 năm. Mức băng ở biển Bắc Cực trong tháng 7 và tháng 10/2020 là mức thấp nhất được ghi nhận.

Băng biển ở Biển Laptev đặc biệt thấp trong suốt mùa xuân, mùa hè và mùa thu vừa qua, và Tuyến Đường Biển phía Bắc ở trình trạng không có băng hoặc gần không có băng từ tháng 7 đến tháng 10/2020.

Băng ở Nam Cực năm 2020 gần bằng hoặc cao hơn một chút so với mức trung bình 42 năm.

Greenland tiếp tục bị tan băng, đánh mất 152 tỉ tấn băng trong năm nay, mặc dù tốc độ đã chậm hơn so với năm 2019.

Năm 2020 và những con số bất an về biến đổi khí hậu - Ảnh 2
Greenland đánh mất 152 tỉ tấn băng trong năm nay.

Thiên tai hoành hành khắp nơi

Lũ lụt nghiêm trọng đã ảnh hưởng đến hàng triệu người ở Đông Phi và Sahel, Nam Á, Trung Quốc và Việt Nam.

Ở châu Phi - Sudan và Kenya bị tàn phá nặng nề nhất, với 285 người tử vong ở Kenya và 155 người ở Sudan. Mực nước hồ Victoria đạt mức cao kỷ lục vào tháng 5, sông Niger và sông Nile đạt mức kỷ lục tại Niamey (Niger) và Khartoum (Sudan). Lũ lụt cũng đã làm bùng phát dịch châu chấu.

Tại Việt Nam - Những trận mưa lớn đặc trưng khi gió mùa Đông Bắc đến đã trở nên nghiêm trọng hơn do sự xuất hiện của hàng loạt các trận bão và áp thấp nhiệt đới, với 8 cơn bão đổ bộ vào đất liền trong vòng chưa đầy 5 tuần.

Năm 2020 và những con số bất an về biến đổi khí hậu - Ảnh 3
Mưa lũ ở gây thiệt hại nặng nề tại miền Trung Việt Nam.

Chỉ tính riêng tại Trung Quốc, 2,7 triệu người đã phải sơ tán và khoảng 63 triệu người bị ảnh hưởng do lũ lụt vào năm 2020. Tổng cộng 53 con sông tại nước này đang ở mức hoặc đạt gần mức cao kỷ lục. Nhiều con đập trên lưu vực sông Trường Giang cũng không còn đủ sức chứa nước, gây ra đợt lũ lụt tồi tệ nhất ở miền Nam Trung Quốc kể từ năm 1961.

Trong khi đó, ở Nam Á, 17 triệu người đã bị ảnh hưởng trong năm nay và tình hình có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn do lượng mưa lớn được dự báo sẽ xảy ra tại nhiều khu vực của châu Á trong mùa này.

Đối với Nhật Bản, mặc dù người dân ở đây đã quá quen với các thảm họa thiên nhiên song năm nay cũng chứng kiến thời tiết ngày càng cực đoan. Những trận mưa kỷ lục ở tỉnh Kumamoto trên đảo Kyushu đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 65 người trong tháng 7. Tháng 9 năm ngoái, các khu vực tỉnh Chiba ở phía đông Tokyo hứng chịu một cơn bão lớn khiến ít nhất 70.000 ngôi nhà hư hại và bị ngắt nguồn điện, ảnh hưởng đến hàng chục nghìn người.

Mặc dù nguy cơ lượng mưa cực đoan có thể tăng lên nhưng không có nghĩa là năm nào cũng có lũ lụt. Ông Homero Paltan Lopez, một chuyên gia về nguồn nước tại Đại học Oxford, cho hay: “Không chỉ lũ mà dòng nước có thể biến đổi hoặc trở nên khó dự đoán hơn”.

Khủng hoảng kép

Theo FAO và Chương trình Lương thực thế giới (WFP), hơn 50 triệu người đã chịu ảnh hưởng kép từ các thảm họa liên quan đến khí hậu (lũ lụt, hạn hán và bão) và đại dịch COVID-19 vào năm 2020. Các quốc gia ở Trung Mỹ đang phải hứng chịu tác động gấp ba do bão Eta, bão Iota, COVID-19 và các cuộc khủng hoảng nhân đạo từ trước. Chính phủ Honduras ước tính rằng 53.000 ha đất trồng trọt đã bị cuốn trôi, chủ yếu là lúa, đậu và mía.

Năm 2020 và những con số bất an về biến đổi khí hậu - Ảnh 4
Biến đổi khí hậu đe dọa an ninh lương thực của nhân loại.

Các tác động tiêu cực đến môi trường bao gồm các tác động đến đất đai như hạn hán, cháy rừng ở các khu vực rừng và đất bùn, suy thoái đất, bão cát và bụi, sa mạc hóa cũng như ô nhiễm không khí, có ảnh hưởng sâu rộng đến thiên nhiên và động vật hoang dã. Các hậu quả đối với hệ thống biển bao gồm mực nước biển dâng, đại dương bị axit hóa, nồng độ ôxy trong đại dương giảm, rừng ngập mặn suy giảm và san hô bị tẩy trắng.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tình trạng suy thoái toàn cầu hiện nay do đại dịch COVID-19 gây ra khiến việc ban hành các chính sách cần thiết để giảm thiểu tác động trở nên khó khăn, nhưng nó cũng mang đến cơ hội để đưa nền kinh tế đi theo con đường xanh hơn nhằm thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực xanh và cơ sở hạ tầng công cộng bền vững, từ đó hỗ trợ tăng trưởng GDP và tạo thêm việc làm trong giai đoạn phục hồi.

Minh Tuệ

Bạn đang đọc bài viết Năm 2020 và những con số bất an về biến đổi khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới