Hải Dương: Chuyển đổi năng lượng công bằng mở ra mô hình tăng trưởng mới, bền vững
Vừa qua, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Chuyển đổi năng lượng công bằng” tại Trường Chính trị tỉnh Hải Dương.
Đây là lần đầu tiên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm về chủ đề này. Tới dự buổi tọa đàm có: Ông Lê Ngọc Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Ông Nguyễn Quang Phúc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy; Tiến sĩ Nguyễn Thị Nhật Thu, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh.
Ngoài ra, cùng dự buổi toạ đàm còn có đại diện Viện Lãnh đạo và Hành chính công, Vụ Hợp tác quốc tế (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), UNDP Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Môi trường; lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan của tỉnh.

Đây là lần đầu tiên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm vềchủ đề “Chuyển đổi năng lượng công bằng”. Ảnh: Báo Hải Dương
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu nhấn mạnh Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển với sự chuyển mình mạnh mẽ. Hiện nay, phát triển kinh tế không còn chỉ dừng lại ở tốc độ tăng trưởng, mà đòi hỏi phải gắn kết chặt chẽ với yêu cầu bảo vệ môi trường, bảo đảm công bằng xã hội, hướng tới một tương lai an toàn, thịnh vượng bền vững cho mọi người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu nhấn mạnh chuyển đổi năng lượng công bằng mở ra mô hình tăng trưởng mới, bền vững. Ảnh: Báo Hải Dương
Tỉnh Hải Dương luôn xác định phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng, đặc biệt là chuyển đổi năng lượng công bằng là định hướng phát triển mang tính căn bản, mở ra cơ hội để định hình mô hình tăng trưởng mới, bền vững, có trách nhiệm hơn với tương lai.
Nhằm thực hiện hoá mục tiêu này, ngày 23/9/2022, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành Kế hoạch số 165/KH - UBND về việc triển khai Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2022 – 2025. Kế hoạch hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy sản xuất bền vững; góp phần hỗ trợ các ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân trong tỉnh từng bước tiếp cận, ứng dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và năng lượng, góp phần xây dựng nền kinh tế xanh, phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, tỉnh đang tập trung thu hút các dự án đầu tư có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi theo hướng giảm phát thải, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Song song với đó, tỉnh đã và đang phát triển các khu đô thị sinh thái, khu công nghiệp xanh, hạ tầng hiện đại, góp phần cải thiện chất lượng sống cho người dân. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và các chuỗi giá trị sản xuất khép kín. Với lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, tỉnh chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững.
Ông Lê Ngọc Châu nhấn mạnh, buổi tọa đàm là dịp quan trọng để cùng nhìn nhận, đánh giá những kết quả bước đầu đã đạt được, đồng thời thẳng thắn trao đổi về những khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai chuyển đổi năng lượng công bằng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Báo Hải Dương
Tại buổi tọa đàm, ông Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhận định thời gian qua, Hải Dương “rất sẵn sàng” trong thực hiện các cam kết về chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế bền vững, trong đó có chuyển đổi năng lượng công bằng.
Sự gia tăng các tiêu chuẩn xanh, yêu cầu đầu tư vào công nghệ sạch hay thay đổi mô hình sản xuất có thể khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong thích ứng, thậm chí có nguy cơ bị loại khỏi chuỗi cung ứng. Người lao động trong các ngành công nghiệp truyền thống như sản xuất than, xi măng, dệt may… có thể đối mặt với nguy cơ mất việc làm nếu không có sự hỗ trợ phù hợp. Trong thời gian gần đây, những nguy cơ này ngày càng hiện rõ.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường phát biểu tại toạ đàm. Ảnh: Báo Hải Dương. Ảnh: Báo Hải Dương
Phát biểu trong buổi toạ đàm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Nhựa An Phát Xanh cho rằng thách thức lớn nhất là tài chính. Đầu tư vào công nghệ xanh, dây chuyền sản xuất hiện đại, hệ thống xử lý chất thải đạt chuẩn, hay đặc biệt là nghiên cứu và phát triển các vật liệu mới thân thiện môi trường đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, thường là đầu tư dài hạn và có độ rủi ro cao.
Ngoài ra, một số vấn đề như năng lực đổi mới sáng tạo và công nghệ; nhận thức, thông tin và năng lực tiếp cận chính sách; sự đồng bộ và thực thi chính sách cũng là thách thức đối với doanh nghiệp nói chung, nhóm SME nói riêng trong chuyển đổi năng lượng công bằng.
Để quá trình chuyển đổi xanh hiệu quả cần các gói tín dụng xanh với lãi suất ưu đãi thực chất, thủ tục tiếp cận đơn giản hóa, linh hoạt hơn. Nghiên cứu các cơ chế bảo lãnh tín dụng, quỹ đầu tư mạo hiểm cho các dự án xanh, cơ chế chia sẻ rủi ro và các chính sách ưu đãi thuế, phí cụ thể cho việc đầu tư công nghệ xanh, sản xuất sản phẩm xanh.
Hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận thông tin công nghệ, kết nối với các chuyên gia, viện nghiên cứu. Có chính sách khuyến khích mạnh mẽ hơn cho nghiên cứu và phát triển, nhất là về công nghệ, vật liệu xanh. Xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo xanh cấp vùng, quốc gia để hỗ trợ kỹ thuật, thử nghiệm cho doanh nghiệp.
Xây dựng các bộ tiêu chí, tiêu chuẩn xanh rõ ràng, cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực để doanh nghiệp có cơ sở phấn đấu. Cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời và dễ tiếp cận về các chính sách hỗ trợ. Rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, tiếp cận hỗ trợ cho dự án xanh. Thiết lập cơ chế đối thoại thường xuyên giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp để lắng nghe, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc.
Tại phần thảo luận, các đại biểu đã nêu một số vấn đề nhằm nâng cao hiệu quả chuyển đổi năng lượng công bằng, như vai trò của Nhà nước trong hỗ trợ doanh nghiệp; cơ chế tín dụng xanh, trái phiếu xanh; vấn đề tiếp cận thông tin, chính sách; tận dụng phế phẩm trong sản xuất, chăn nuôi; bảo vệ môi trường tại các khu vực phát triển liên kết vùng…
Sông Hồng