'Vận động người dân hạn chế về quê dịp Tết là trái với chỉ đạo của Chính phủ'
Theo Luật sư Diệp Năng Bình, việc các tỉnh thành thiết lập các chốt hay ra "tâm thư" động viên người dân hạn chế về quê trong dịp Tết nguyên đán là không phù hợp, trái với chỉ đạo của Chính phủ.
Những ngày gần Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Việt Nam tiếp tục ghi nhận ca mắc Covid-19 mới ở mức cao, trong đó, số ca cộng đồng chiếm hơn một nửa. Nguy cơ biến chủng Omicron xâm nhập với tốc độ lây lan nhanh đang làm đau đầu cả người dân lẫn cơ quan chức năng.
Gần đây, một số địa phương có khuyến cáo người dân không về quê ăn Tết nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho cộng đồng và giảm gánh nặng phòng chống dịch. Tuy nhiên, điều này đã gây ra nhiều ngại ngần cho người dân chuẩn bị về quê ăn Tết.
Ngày 6/1, chính quyền TP.Thanh Hóa kêu gọi người dân tích cực vận động và thông báo cho con em, người thân trong gia đình đang sinh sống, học tập, công tác xa quê biết được tình hình phức tạp của dịch bệnh và "tạm thời không trở về quê nếu không thực sự cần thiết, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2022".
Trao đổi với báo Dân Việt, ông Đỗ Minh Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, tỉnh Thanh Hóa không có chủ trương hạn chế hay cấm người dân về quê đón Tết, tỉnh luôn giang tay chào đón người dân về nhà và đã chuẩn bị sẵn sàng mọi phương án để người dân trở về được an toàn, đón Tết vui vẻ.
Theo ông Tuấn, các thư ngỏ là quan điểm của một số địa phương, không phải là chỉ đạo của tỉnh. Đây cũng chỉ là hình thức vận động, khuyến cáo chứ không phải là biện pháp hành chính. Quan điểm của TP.Thanh Hóa và các huyện là không cấm người dân về quê đón Tết.
Về hay không là quyền quyết định của người dân, tuy nhiên khi về phải tuân thủ đúng quy định về phòng chống dịch của tỉnh, của ngành Y tế.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định: "Chủ trương của tỉnh là làm theo đúng tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Cùng quan điểm trên, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải cũng nêu quan điểm: “Về quê đón Tết, vui Xuân, sum họp gia đình là quyền của người dân, địa phương trân trọng và tạo điều kiện cho bà con về quê. Nhưng tỉnh đề nghị bà con tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch, để đón Xuân vui vẻ, an toàn”.
Trao đổi với Báo SK&ĐS, Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật nêu quan điểm, hiện nay chúng ta đã có một số kinh nghiệm bước đầu được đúc kết từ thực tiễn phòng, chống dịch; Năng lực ứng phó của hệ thống y tế từng bước được nâng lên; Diện bao phủ vaccine nhất là đối với nhóm người có nguy cơ cao, các đô thị lớn tăng nhanh giúp chúng ta chủ động hơn trong phòng, chống dịch.
Từ thực tiễn tình hình, ý kiến phân tích của các nhà khoa học, chuyên gia, ý kiến của các địa phương và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Chính phủ xác định mục tiêu công tác phòng, chống dịch vẫn là nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của Nhân dân, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội; chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".
Chính phủ đã ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" kèm theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, do đó việc các tỉnh thành thiết lập các chốt hay ra "tâm thư" động viên người dân hạn chế về quê trong dịch Tết Nguyên đán là không phù hợp, trái với chỉ đạo của Chính phủ.
Đồng tình với ý kiến trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, các địa phương phải bãi bỏ các quy định trái Nghị quyết 128. Bởi lẽ Nghị quyết 128 yêu cầu chúng ta thích ứng linh hoạt an toàn hiệu quả nhưng không được lơ là, chủ quan mất cảnh giác, không nóng vội trong công tác phòng chống dịch, vừa làm vừa nghiên cứu đưa ra giải pháp phòng chống dịch phù hợp với điều kiện thực tế.
"Địa phương có thể linh hoạt áp dụng biện pháp phòng dịch cụ thể nhưng không được trái các quy định của trung ương, không gây ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất và việc đi lại của người dân. Tôi đề nghị một lần nữa, các địa phương không đưa ra biện pháp bổ sung không phù hợp Nghị quyết 128 của Chính phủ" - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, ĐBQH Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nêu quan điểm, việc một số địa phương ở phía Bắc có đưa ra khuyến cáo việc người dân hạn chế di chuyển, hạn chế về quê ăn Tết cổ truyền xuất phát từ việc các địa phương lo sợ gây ảnh hưởng, khó khăn trong việc phòng, chống dịch Covid-19.
Theo vị ĐBQH này: "Đây là phương án bất khả thi, thường không ai mong muốn điều này".
Ông cho rằng, năm nay người lao động được nghỉ Tết cổ truyền tận 9 ngày nên việc về quê là một nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, với diễn biến dịch bệnh Covid-19 đang phức tạp, nhất là miền Bắc đang mùa lạnh nên dịch dự báo sẽ phức tạp hơn. Việc một số địa phương đưa ra khuyến khích, động viên bà con hạn chế về quê là một "giải pháp" hạn chế lây nhiễm dịch bệnh.
"Nhưng đây chỉ là khuyến khích thôi, nếu bà con vẫn có nhu cầu về quê ăn Tết thì chính quyền, địa phương cũng không được cản trở và tạo mọi điều kiện để người dân đón Tết được trọn vẹn", ông Phạm Văn Hòa thông tin.
Lan Anh (T/h)