Thứ bảy, 20/04/2024 14:06 (GMT+7)
Thứ bảy, 08/01/2022 13:00 (GMT+7)

Ở hay về quê đón Tết cổ truyền: Vẫn là một bài toán với người xa xứ

Theo dõi KTMT trên

Tết Nguyên Đán đang đến gần nhưng tình hình dịch Covid-19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp, nhiều người buộc phải xa người thân mà không biết ngày nào sẽ được gặp lại. Niềm vui xum vầy liệu có làm dịch bệnh căng thẳng hơn?

Nghỉ ngắn, cách ly dài

Mới đây, TP.Thanh Hóa đã ra thư ngỏ khuyến cáo người dân không về quê dịp Tết Nhâm Dần 2022 nếu không thực sự cần thiết.

Nhận được thông tin, chị Trần Thị Tuyết (23 tuổi, Thanh Hóa) như ngồi trên đống lửa. Chị Tuyết là nhân viên marketing tại một công ty trên đường Phùng Chí Kiên (Cầu Giấy, Hà Nội). Do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến căng thẳng nên chừng 10 tháng rồi chị chưa về quê.

“Mình rất nhớ nhà nên rất muốn về quê đợt Tết này, nhưng khi đọc thông tin trên mình vô cùng hoang mang. Nếu có công văn từ địa phương bắt buộc không được về quê thì mình sẽ không về. Còn nếu không thì mình vẫn sẽ về quê và khai báo y tế, thực hiện cách ly theo đúng quy định”.

Mấy ngày gần đây, chị liên tục gọi điện về quê để hỏi han tình hình. Bạn bè của chị cho biết nếu người về từ Hà Nội thì đều phải cách ly 14 ngày. Công ty chị nghỉ Tết Nhâm Dần theo đúng lịch của nhà nước, tức là 9 ngày. Nghỉ 9 ngày nhưng cách ly 14 ngày, quả là bài toán “đau đầu”. Nếu muốn về quê sum họp cùng gia đình, chị Tuyết buộc phải xin nghỉ sớm. “Mình định sẽ xin về quê làm online, mặc dù làm online chỉ được hưởng 50-70% lương.”

Ở hay về quê đón Tết cổ truyền: Vẫn là một bài toán với người xa xứ - Ảnh 1
Người dân hoang mang về câu chuyện về quê ăn Tết. (Ảnh minh họa)

Cũng giống như chị Tuyết, 8 tháng nay, chị Nguyễn Ngọc (21 tuổi, Nghệ An) chưa về quê. Làm việc tại một quán ăn trên phố Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội, khu vực này được xếp vùng cam (tương đương cấp độ 3) khi số ca mắc Covid-19 mới liên tục tăng cao.

Mấy ngày nay, chị Ngọc vẫn chưa dám tính đến chuyện về quê ăn Tết, một phần vì lo lắng dịch bệnh phức tạp, sợ mình sẽ mang dịch bệnh về cho gia đình, họ hàng, một phần vì quy định cách ly mới của địa phương. Quán ăn nơi Ngọc làm cho nhân viên nghỉ Tết 10 ngày, nhưng theo quy định của địa phương, người từ Hà Nội về như chị buộc phải cách ly 7 ngày, như vậy là chỉ còn thừa 3 ngày để có thể thăm viếng họ hàng, bạn bè. Thời gian quá ngắn khiến chị do dự.

Nếu tình hình khả quan hơn, có thể Ngọc sẽ xin nghỉ sớm vài ngày để kịp thời gian cách ly và có thời gian thăm họ hàng, làng xóm. Nhưng nếu tình hình trở nên quá phức tạp, Ngọc sẽ đón Tết một mình ở Hà Nội. “Đến giờ này em vẫn chưa biết tính sao. Đón Tết ở Hà Nội chắc sẽ buồn lắm, mà nói là đón Tết chứ em định sẽ ngủ qua ngày thôi, chứ ở trên này dịch bệnh nhiều cũng không dám đi đâu chơi.”

Làm việc ở Hà Nội, anh Nguyễn Trung Nam (32 tuổi, quê Thanh Hóa) vốn là bác sĩ Bệnh viện Nhi Thanh Hóa được điều ra Bệnh viện Việt Đức học nâng cao, đến nay được nửa năm. Thời gian trước, cứ cuối tuần, anh về thăm vợ con. Gần đây, khi ca nhiễm tại Hà Nội tăng nhanh, lại làm việc trong môi trường bệnh viện tiếp xúc nhiều người nên anh không về quê nữa.

Anh Nam cho biết vợ hiện mang thai bé thứ hai, nhà còn con nhỏ 5 tuổi. Hôm đọc được thư ngỏ của chính quyền TP.Thanh Hóa, vợ gọi xem anh có sắp xếp thời gian về sớm cách ly trước để cùng gia đình ăn Tết hay không. "Tôi ở vùng cam, muốn về sớm, cách ly tại nhà giữ an toàn cho vợ con, mọi người nhưng công việc không thể về sớm. Ở lại thì có một mình, bạn bè đều về quê hết. Nếu về sát ngày, tôi phải khai báo y tế, cách ly tại nhà, xem như chẳng còn Tết", anh Nam cho hay lần đầu tiên trong đời gặp phải cảnh "tiến không được, lùi cũng không xong".

Những ý kiến trái chiều trên mạng xã hội

Tài khoản facebook tên Đào Lê nêu: "Các tỉnh khác dịch thì người ta đón công dân của họ về, cho cách ly ăn uống miễn phí. Đằng này lại kêu tết không nên về. Người ta đi làm xa bố mẹ con cái tết về để đoàn tụ... Nên nói tết ai cũng về quê từ các tỉnh nên mọi người nên ý thức và chủ động phòng chống dịch thì ổn hơn."

Ở hay về quê đón Tết cổ truyền: Vẫn là một bài toán với người xa xứ - Ảnh 2
Những ý kiến trên Mạng xã hội về vấn đề này. (Ảnh: Báo Pháp luật Việt Nam)

Người dùng Johnny Đô chia sẻ: "Tôi ở bình Dương trước đây ngày cả vài nghìn ca. Giờ tiêm 3 mũi rồi, số lượng 1 ngày bị khoảng 60 ca, thấp hơn rất nhiều so với quê nhà. Chúng tôi không sợ dịch ở quê thì thôi, sao mà các các bác vận động không nên về. Nghe chạnh lòng quá."

Bên cạnh đó có nhiều người đồng tình với chủ trương của TP Thanh Hóa và huyện Nông Cống, cho rằng người dân nên hạn chế về quê khi không cần thiết để tránh lây lan dịch bệnh.

"Đây chỉ là vận động chứ cũng không hề cấm nên mọi người đừng nên lo lắng quá", một cư dân mạng viết.

Tài khoản Nguyễn Thị Hoài Thương bày tỏ quan điểm: "Nhìn nhận phía trong tỉnh thì với tình hình dịch bệnh đang căng thẳng, họ kêu gọi mọi người ngoại tỉnh không về quê để an toàn cho những người trong tỉnh. Cũng như theo thống kê thì số dân Thanh Hóa mọi người biết là rất đông. Bên lý và tình khó mà đưa ra sự lựa chọn, nên chỉ là 2 bên phải thấu hiểu nhau thôi, nếu người ngoại tỉnh về chấp hành đúng thủ tục là được".

Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng, các địa phương nêu trên đưa ra những quy định như vậy là "quá căng thẳng". "Người dân về nghỉ Tết mấy ngày mà bắt cách ly 7 - 14 ngày, thực sự là gây khó dễ cho người dân để người dân không về nữa. Có lẽ họ nghĩ rằng, người dân trở về quê, chẳng may xảy ra dịch thì họ lại vất vả nên tốt nhất là cấm, hạn chế", ông Nga nêu. Ông cho rằng, việc này rõ ràng trái với tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 128 của Chính phủ. "Khi tiêm vắc xin đầy đủ rồi thì việc đi lại giữa các quốc gia với nhau còn được mà các địa phương ở trong nước lại hạn chế nhau thì không được. Đây là hành động làm khó dễ, khổ nhất vẫn là người dân không được về quê sum họp với gia đình", ông nói.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Ở hay về quê đón Tết cổ truyền: Vẫn là một bài toán với người xa xứ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới