Thứ năm, 25/04/2024 23:30 (GMT+7)
Thứ bảy, 08/01/2022 14:00 (GMT+7)

Chuyên gia nói gì về việc vận động người dân ‘không về quê ăn tết’?

Theo dõi KTMT trên

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng, chủ trương chống dịch hiện nay là kiểm soát rủi ro chứ không "ngăn sông cấm chợ". Ý thức người dân lúc này là quan trọng nhất, không nên vì nghĩ đã tiêm vaccine mà chủ quan, lơ là.

“Việc di chuyển giữa các tỉnh không thể làm bùng dịch”

Càng đến gần Tết Nguyên đán, câu chuyện người dân về quê ăn Tết lại càng trở nên "nóng" khi tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, những ngày gần đây, Việt Nam tiếp tục ghi nhận ca mắc Covid-19 mới ở mức cao, trong đó, số ca cộng đồng chiếm hơn một nửa. Nguy cơ biến chủng Omicron xâm nhập với tốc độ lây lan nhanh đang làm đau đầu cả người dân lẫn cơ quan chức năng. 

Gần đây, một số tỉnh thành khuyên người dân ở xa không nên về quê dịp Tết. Ngày 6/1, chính quyền TP.Thanh Hóa kêu gọi người dân tích cực vận động và thông báo cho con em, người thân trong gia đình đang sinh sống, học tập, công tác xa quê biết được tình hình phức tạp của dịch bệnh và "tạm thời không trở về quê nếu không thực sự cần thiết, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2022".

Còn tại Quảng Ngãi, người dân về từ các tỉnh thành có số ca mắc Covid-19 cao như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai... kể cả đã tiêm đủ 2 mũi vaccine hay đã khỏi bệnh vẫn phải xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR; tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong vòng 7 ngày.

Chuyên gia nói gì về việc vận động người dân ‘không về quê ăn tết’? - Ảnh 1
Càng gần Tết Nguyên đán, câu chuyện người dân về quê ăn Tết lại càng trở nên "nóng" khi tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. (Ảnh: TTXVN)

Theo ông Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, tỉnh này không hạn chế việc người dân trở về quê ăn Tết. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Nghệ An quy định người dân khi về quê nếu đến/về từ các khu vực nguy cơ rất cao (cấp độ 4) hoặc khu vực nguy cơ cao (cấp độ 3) phải khai báo y tế bắt buộc tại trạm y tế xã/phường/thị trấn trước khi về nhà, nơi lưu trú; đi từ khu vực nguy cơ (cấp độ 2) và khu vực bình thường mới (cấp độ 1) thì thực hiện khai báo y tế bắt buộc, thực hiện 5K, tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày kể từ ngày đến/trở về địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh, cũng đã ban hành chỉ thị về việc tổ chức đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, TP kiểm soát chặt chẽ và yêu cầu người từ vùng đang có dịch trở về phải thực hiện nghiêm việc khai báo, theo dõi y tế, cách ly theo quy định; tăng cường quản lý các hoạt động lễ hội, vui xuân đón Tết, kỷ niệm ngày truyền thống; sinh hoạt tôn giáo; đám cưới, gặp mặt, mừng thọ, đám tang…

"Việc di chuyển giữa các tỉnh không thể làm bùng dịch, nếu người dân thực hiện nghiêm quy định phòng ngừa. Chúng ta cũng không sợ tình trạng dịch lan truyền từ tỉnh này sang tỉnh kia bởi giờ tỉnh nào cũng có", PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội nhận xét. Ông cho rằng việc yêu cầu người dân về sớm để cách ly hay vận động "đừng về quê ăn Tết" không có nhiều hiệu quả phòng chống dịch.

Bên cạnh đó, ông Hùng còn cho rằng, quy định cách ly 14 ngày đối với người về từ vùng dịch ở nhiều địa phương chưa thật sự thỏa đáng, khi người dân đa phần đã tiêm hai mũi vaccine.

Chống dịch là kiểm soát rủi ro chứ không "ngăn sông cấm chợ"

Trước việc nhiều địa phương có thư ngỏ, văn bản vận động người dân hạn chế về quê dịp Tết "nếu không cần thiết", PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đời sống Xã hội (Viện Social Life), nhận định những lời kêu gọi kiểu này không tạo cảm xúc tích cực cho xã hội, còn có thể gây tâm lý kỳ thị người ở xa về với cộng đồng tại địa phương.

"Điều đó có thể khiến người dân bức xúc khi chính quyền vô cảm với nỗi nhọc nhằn của lao động xa quê", ông đánh giá.

Chuyên gia phân tích, Tết là dịp quan trọng để người Việt thăm nom cha mẹ, cúng giỗ tổ tiên, thực hiện những nghi thức với người còn sống lẫn người đã khuất, cũng chính là lúc xốc lại tinh thần với người lao động. Do đó, việc trở về hay ở lại là lựa chọn của mỗi người dân, chính quyền không có lý do gì để kêu gọi họ đừng trở về. Nhất là trong bối cảnh Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, đã cơ bản phủ vaccine mũi hai và đang tăng tốc phủ vaccine mũi 3. Những người về quê đa phần đã được tiêm vaccine đủ liều.

Vị chuyên gia đề xuất, thay vì vận động hoặc ra quy định làm khó người dân, chính quyền các địa phương có thể xây dựng một thông điệp khác, là "đón Tết an toàn". 

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng trong giai đoạn hiện nay, các địa phương khó có thể áp dụng biện pháp hành chính để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. Việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, làm việc và sinh hoạt là rất quan trọng trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt hiện nay.

Ông Hùng nhìn nhận, "quan điểm không ngăn sông cấm chợ, tức là người dân được đi lại, được sinh hoạt miễn sao đảm bảo các điều kiện an toàn cho bản thân và gia đình. Khuyến cáo người dân không về quê dễ tạo tâm lý tiêu cực, nhất là đối với lao động xa quê trông chờ từng ngày để được về với gia đình. Vì vậy, hạn chế đi lại, hay cách ly người về từ vùng dịch là biện pháp chống dịch của quá khứ, không nên mang để áp dụng lúc này. Một địa phương đặt thêm các quy định giữ an toàn cho tỉnh mình là không còn phù hợp".

Liên quan đến vấn đề này, TS Nguyễn Huy Nga, chuyên gia dịch tễ, nguyên Cục Trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng cho rằng, việc xét nghiệm, bắt người về quê cách ly không có tác dụng phòng dịch trong bối cảnh hiện nay. Thậm chí việc xét nghiệm làm tăng chi phí phòng dịch, gây bất tiện cho người dân trong đi lại.

Theo ông Nga, ý thức người dân mới là quan trọng, việc ngăn sông, cấm chợ không còn phù hợp. Người dân cần tuân thủ các biện pháp phòng bệnh 5K, nâng cao ý thức giữ gìn bản thân và công đồng.
“Người dân có quyền đi lại, nhà nước không cấm, nhưng địa phương cấm là sai. Các địa phương hiện nay không nên cực đoan hay lợi dụng dịch bệnh để đưa ra các quy định gây phiền toái cho người dân. Những người đã tiêm 2 mũi vaccine thì không nên có biện pháp ngăn cấm đi lại, cách ly. Do đó, địa phương đưa ra các quy định trái với Chính phủ, gây phiền toái cho người dân thì cần phải chấn chỉnh kịp thời, để tạo điều kiện cho người dân về quê ăn Tết”, ông Nguyễn Huy Nga thông tin.

Còn theo Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam khuyến cáo người dân khi về quê ăn Tết người dân vẫn không nên lơ là các biện pháp phòng bệnh. Thích ứng trong tình hình mới, chúng ta không để giãn cách xã hội như trước. Tuy nhiên, người dân phải tuyệt đối tuân thủ nghiêm 5K mọi chỗ, mọi nơi, hạn chế tiếp xúc với đám đông, giảm đi lại không cần thiết, không tổ chức các hoạt động đông người không cần thiết, không tổ chức ăn uống linh đình, hạn chế thăm nom, tụ tập…

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Chuyên gia nói gì về việc vận động người dân ‘không về quê ăn tết’?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng
Theo Tổng Thư ký ASEAN, Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng và với vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực, Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể phát huy vai trò tiên phong trên nhiều cấp độ.
Hà Tĩnh khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024
Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.