Ứng phó với biến đổi khí hậu đã nhận được sự quan tâm của toàn xã hội
Ứng phó với biến đổi khí hậu nhận được sự quan tâm của toàn xã hội, từng bước chuyển từ coi thích ứng là trọng tâm sang kết hợp giảm phát thải khí nhà kính, tận dụng cơ hội để hướng tới nền kinh tế xanh, carbon thấp.
Ngày 9/8, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Viện Hanns Seidel Foundation (HSF) tổ chức Hội thảo tham vấn khu vực miền Bắc về Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW.
Chủ trì Hội thảo là ông Võ Tuấn Nhân - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Phó trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 24-NQ/TW.
Hội thảo có sự tham dự của hơn 100 đại biểu đến từ các bộ, ngành, tổ chức quốc tế, 25 tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc, Viện nghiên cứu, chuyên gia và nhà khoa học.
Trong đó, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam có 02 đại diện là PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Chủ tịch sáng lập Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường và PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Viện trưởng Viện Chính sách Kinh tế Môi trường.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Phó trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 24-NQ/TW nhấn mạnh, Đề án "Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường" là một đề án lớn có phạm vi rất rộng, bao trùm cả 3 nội dung lớn là ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW các cấp ủy, chính quyền và người dân đã tích cực thực hiện. Thông qua Nghị quyết 24-NQ/TW, các chủ trương, đường lối của Đảng đưa ra đã được triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả quan trọng.
Nhận thức trong hệ thống chính trị, tầng lớp nhân dân về phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường từng bước được nâng cao, hoàn thiện. Năng lực phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng tăng cường. Tài nguyên thiên nhiên được quản lý và sử dụng hiệu quả hơn so với trước đây.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương mong muốn, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận, góp ý cho kết quả tổng kết, đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết; đề xuất việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, hoặc ban hành Nghị quyết mới của Ban Chấp hành Trung ương với quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp cho từng thời kỳ trong giai đoạn đến năm 2030.
Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương được ban hành ngày 3/6/2013 tại Hội nghị lần thứ 7 khóa XI trong bối cảnh đất nước ta đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hướng tới năm 2030 cơ bản trở thành nước công nghiệp. Nghị quyết đã đề ra những quyết sách lớn của Đảng trong ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường ở nước ta.
Ban Cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì, chuẩn bị trình Bộ Chính trị Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW. Quá trình tổng kết đã được triển khai sâu rộng từ các Đảng ủy, Đảng đoàn, Ban cán sự đảng ở Trung ương đến các Tỉnh ủy, Thành ủy ở các địa phương. Báo cáo Đề án được tổng hợp từ các báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của 31/31 Đảng đoàn, Ban cán sự đảng các Ban đảng, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và 61/63 Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương và kết quả tham vấn các bên liên quan.
Cũng tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ- Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã đọc Dự thảo Báo cáo tóm tắt Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Dự thảo Báo cáo tóm tắt Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW cho thấy, sau 10 năm thực hiện, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường được quan tâm, chú trọng hơn. Môi trường được coi là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Thể chế, chính sách được hoàn thiện thêm một bước với những tư duy mới, phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng của thời đại. Ứng phó với biến đổi khí hậu nhận được sự quan tâm của toàn xã hội, từng bước chuyển từ coi thích ứng là trọng tâm sang kết hợp giảm phát thải khí nhà kính, tận dụng cơ hội để hướng tới nền kinh tế xanh, carbon thấp. Tài nguyên được điều tra, đánh giá, quản lý bền vững hơn, phân bổ theo tín hiệu thị trường thông qua đấu giá quyền sử dụng, quyền khai thác.
Tư duy về bảo vệ môi trường được chuyển đổi từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm lớn. Kinh tế tuần hoàn đã được thể chế hóa. Tăng trưởng kinh tế từng bước giảm dần sự phụ thuộc vào công nghiệp khai khoáng. Nhiều mô hình kinh tế xanh, đô thị xanh, nông thôn xanh đã được triển khai.
Việc lồng ghép mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường trong các quy hoạch phát triển tiếp tục được đẩy mạnh. Hệ thống cơ sở dữ liệu tổng hợp và thống nhất về biến đổi khí hậu, tài nguyên và môi trường bước đầu đã được thiết lập. Cơ sở dữ liệu về đất đai đã bắt đầu được kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư. Chuyển đổi số được triển khai, thúc đẩy kết nối, chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên môi trường.
Tuy nhiên, thiệt hại do thiên tai vẫn còn lớn, diễn biến và các tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng. Việc khai thác tài nguyên vẫn còn chưa thực sự bền vững, việc sử dụng chưa thật tiết kiệm, hiệu quả. Cường độ sử dụng tài nguyên, năng lượng còn ở mức cao so với thế giới. Xu hướng ô nhiễm môi trường còn tiếp diễn, suy thoái đa dạng sinh học chưa được ngăn chặn.
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến đóng góp thiết thực và hữu ích của các bộ, ngành, tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc và các chuyên gia, nhà khoa học về tình hình triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW; đề xuất quan điểm, mục tiêu, giải pháp trong thời gian tới.
Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 24-NQ/TW sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 2 Hội thảo tham vấn Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW tại khu vực miền Trung và miền Nam; 3 hội thảo chuyển đề về: Ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến đóng góp thiết thực và hữu ích của các bộ, ngành, tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc và các chuyên gia, nhà khoa học về tình hình triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW; đề xuất quan điểm, mục tiêu, giải pháp trong thời gian tới.
Theo Kế hoạch, Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 24-NQ/TW sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 2 Hội thảo tham vấn Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW tại khu vực miền Trung và miền Nam; 3 hội thảo chuyển đề về: Ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
"Kể từ khi thành lập cho đến nay, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam luôn nêu cao sứ mệnh bảo vệ môi trường, bảo vệ Mẹ Trái đất - hành tinh duy nhất có sự sống trong hệ Mặt trời.
Trong thời gian tới, Hội sẽ hướng đến nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền, giáo dục về đạo đức môi trường, hành vi ứng xử của con người với thiên nhiên chính là kim chỉ nam cho nhân loại", PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch sáng lập Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường nhấn mạnh.
P.V