Hội thảo tham vấn Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 24 về ứng phó biến đổi khí hậu
Hội thảo khoa học tham vấn Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 24 nhằm thảo luận, lấy ý kiến góp ý của các quý đại biểu về kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24 và đề xuất quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phù hợp với tình hình mới.
Sáng 15/6/2023, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức Hội thảo khoa học tham vấn “Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”.
Hội thảo nhằm tham vấn, thảo luận, lấy ý kiến góp ý của các quý đại biểu về kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW và đề xuất quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phù hợp với tình hình mới. Hội thảo được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).
Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương được ban hành ngày 3/6/2013 tại Hội nghị lần thứ 7 khóa XI đã đề ra những quyết sách lớn của Đảng trong ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường ở nước ta.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Trung Thắng – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đã trình bày bản Báo cáo tóm tắt Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW.
Trong đó, khái quát tình hình triển khai thực hiện, kết quả thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, những hạn chế, yếu kém với những nguyên nhân khách quan, chủ trong trong thực hiện chủ động ứng phó với biến đổi, khí hậu, và đưa ra những đánh giá tổng quát thực hiện mục tiêu. Bản báo cáo còn đưa ra những đề xuất kiến nghị để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW phù hợp với tình hình mới.
Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, nhiều kết quả trong các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đạt được. Nhận thức trong hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân về chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường được nâng lên. Tổ chức bộ máy, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách từng bước được hoàn thiện. Năng lực phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu được nâng lên một bước. Tài nguyên thiên nhiên được quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả hơn. Công tác bảo vệ môi trường được chú trọng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, bước đầu hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Nhiều mục tiêu Nghị quyết đề ra đến nay chưa đạt được. Biến đổi khí hậu diễn biến nhanh hơn dự báo, gây hậu quả ngày càng lớn. Khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai chưa đáp ứng yêu cầu, nền kinh tế dễ bị tổn thương và chịu thiệt hại lớn khi có thiên tai xảy ra.
Bên cạnh đó, công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên còn nhiều yếu kém, sử dụng chưa hiệu quả, nhất là tài nguyên đất đai, tài nguyên nước; một số loại tài nguyên bị lạm dụng, khai thác quá mức dẫn đến suy thoái, cạn kiệt. Ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục gia tăng, nhất là tại các khu đô thị, thành phố lớn, ảnh hưởng lớn tới đời sống, sinh hoạt của người dân, trở thành vấn đề bức xúc của xã hội.
Trước những thách thức và bối cảnh mới, tại Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục chủ trương phát triển nhanh và bền vững; tăng trưởng kinh tế phải gắn với phát triển, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, ngày 23/8/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 56-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Thực hiện Chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2023, Ban Cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì chuẩn Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW.
Theo đó, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường là đơn vị được Ban Cán sự đảng Bộ TN&MT giao thực đề án “Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”.
Hội thảo mong muốn nhận được nhiều ý kiến góp ý của các đại biểu về nội dung tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW và Kết luận 56-KL/TW. Cụ thể là việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm; đánh giá tổng quát về thực hiện Nghị quyết; nội dung được đề xuất, kiến nghị để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW trong tình hình mới, bao gồm bối cảnh trong và ngoài nước.
Ngoài ra, ý kiến đóng góp về quan điểm, mục tiêu đề xuất; một số giải pháp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết và nhiệm vụ trọng tâm cấp bách trong thời gian tới và các kiến nghị đối với Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Đảng đoàn Quốc hội; Ban Cán sự đảng Chính phủ, các bộ ngành ở Trung ương. Qua đó, giúp Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện báo cáo “Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW”.
PV