Chủ nhật, 28/04/2024 21:27 (GMT+7)
Thứ ba, 04/07/2023 14:54 (GMT+7)

Biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng và đe dọa sự tồn vong của nhân loại

Theo dõi KTMT trên

Liên Hợp Quốc cảnh báo biến đổi khí hậu là mối hiểm họa đối với nhân loại, có thể khiến tương lai con người chìm trong nghèo đói và đối mặt loạt hệ lụy nghiêm trọng khác.

Tại phiên họp thứ 53 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Cao ủy Liên hợp quốc về Nhân quyền Volker Turk cho biết, các hiện tượng thời tiết cực đoan đang quét sạch mùa màng, gây tổn thất cho ngành chăn nuôi và hệ sinh thái, khiến các cộng đồng gặp khó khăn trong việc tái thiết và tự túc trong cuộc sống của họ.

Trong năm 2021, hơn 828 triệu người trên thế giới phải hứng chịu nạn đói. Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, số người lâm vào cảnh nghèo đói trong tương lai có thể tăng thêm 80 triệu người nữa.

Các hiện tượng thiên nhiên như hạn hán, tan băng, hay lũ lụt đang diễn ra với mức độ ngày càng tăng và đe dọa đến sự tồn vong của nhân loại.

Liên Hợp Quốc cũng đưa ra cảnh báo, biến đổi khí hậu là mối hiểm họa đối với nhân loại, có thể khiến tương lai con người chìm trong nghèo đói và đối mặt loạt hệ lụy nghiêm trọng khác.

Biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng và đe dọa sự tồn vong của nhân loại - Ảnh 1
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, các hiện tượng thiên nhiên như hạn hán, tan băng, hay lũ lụt đang diễn ra với mức độ ngày càng tăng và đe dọa đến sự tồn vong của nhân loại.

Trong bối cảnh đó, giải quyết biến đổi khí hậu là một vấn đề mang tính nhân quyền, đồng thời hối thúc các hành động thiết thực và khẩn trương để đảm bảo tương lai bền vững cho thế hệ sau. Ông Volker Turk cũng kêu gọi chấm dứt trợ cấp cho ngành nhiên liệu hóa thạch khi ngành công nghiệp này đang góp phần khiến lượng phát thải khí CO2 trên đà tăng và đạt mức cao nhất trong lịch sử.

Ông Volker Turk cho rằng Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP28), dự kiến diễn ra ở Dubai vào tháng 11 và 12 tới đây, phải là một sự kiện mang tính quyết định và giúp thay đổi cuộc chơi trong vấn đề chống biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, ông cũng cảnh báo nguy cơ từ các hành vi "tẩy xanh" xuất phát từ lòng tham con người, theo đó kêu gọi các biện pháp thắt chặt kiểm soát nhằm phát hiện và ngăn chặn.

Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu, được thông qua tại Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP21) diễn ra ở Paris, Pháp, là một bước đột phá quan trọng trong nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm kiềm chế sự ấm lên toàn cầu.

Các nước ký Hiệp định đã nhất trí hợp tác để giữ mức tăng nhiệt độ trung bình thế giới là 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Tuy nhiên, theo Ủy ban Khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC), với các xu hướng chính sách hiện tại, nhiều khả năng mức tăng nhiệt độ so với thời kỳ tiền công nghiệp vào cuối thế kỷ này sẽ vào khoảng 2,8 độ C.

Trước đó, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của Liên Hợp Quốc cho biết, có 66% khả năng nhiệt độ bề mặt toàn cầu hàng năm sẽ tăng cao hơn 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp. Đây sẽ là lần đầu tiên lịch sử nhân loại ghi nhận mức tăng cao như vậy.

Ngoài ra, có 98% khả năng là ít nhất 1 trong 5 năm tới, và cả giai đoạn 5 năm nói chung, sẽ nóng nhất từng được ghi nhận.

Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas cho biết: “Hiện tượng El Nino dự kiến sẽ phát triển trong những tháng tới và điều này sẽ kết hợp với biến đổi khí hậu do con người gây ra để đẩy nhiệt độ toàn cầu lên một mức chưa từng có. Điều này sẽ gây ra những tác động sâu rộng đối với sức khỏe, an ninh lương thực, quản lý nước và môi trường”,  ông Petteri Taalas nói.

Năm 2022, lần đầu tiên vấn đề "tổn thất và thiệt hại" do biến đổi khí hậu được đưa ra bàn thảo và thống nhất tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP27).

Với những bằng chứng ngày càng rõ nét hơn về hậu quả khắc nghiệt của biến đổi khí hậu với an ninh và phát triển toàn cầu, năm 2022, thế giới cũng đã tăng cường nỗ lực để tìm ra giải pháp giúp đảo ngược tiến trình này, từ đó tạo ra một số thuận lợi, động lực nhất định cho cuộc chiến chung.

Đầu tiên phải kể đến là những nỗ lực nâng cao nhận thức về mối nguy hiểm của vấn đề và tầm quan trọng của việc tìm ra giải pháp thông qua các hội nghị quốc tế. Năm 2022 được coi là năm hồi sinh các hội nghị mà ở đó vấn đề biến đổi khí hậu luôn là một trong những nội dung trọng tâm. Các sự kiện riêng về vấn đề biến đổi khí hậu diễn ra dày đặc, đó là Tuần lễ khí hậu Trung Đông và Bắc Phi diễn ra tại Dubai (UAE) tháng 2 - 3/2022; Hội nghị Stockholm+50 tại Thụy Điển hồi tháng 6; Hội nghị COP27...

Kế Toại

Bạn đang đọc bài viết Biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng và đe dọa sự tồn vong của nhân loại. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới