Thứ sáu, 28/06/2024 00:54 (GMT+7)
Thứ ba, 11/06/2024 14:09 (GMT+7)

Từng là “điểm đen” ô nhiễm môi trường, nhiều làng quê ở Hải Dương nay đã trở nên xanh-sạch-đẹp

Theo dõi KTMT trên

Cách đây nhiều năm, không ít làng quê ở Hải Dương từng là “điểm đen” về ô nhiễm môi trường. Sau khi phong trào xây dựng nông thôn mới được triển khai và chú trọng đến tiêu chí môi trường, những làng quê ấy đã dần thay đổi để trở nên xanh - sạch - đẹp.

Những năm trước, một số doanh nghiệp nhỏ ở cụm công nghiệp trên địa bàn xã Tân Hồng, Bình Giang thường xuyên xả thải gây ô nhiễm môi trường. Nước thải chưa qua xử lý đổ trực tiếp xuống các kênh mương thuỷ lợi, gây ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống của người dân. Thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, chính quyền và người dân địa phương đã chung tay tháo gỡ và cải thiện môi trường sống. Người dân tích cực giám sát, chủ động phát hiện dấu hiệu vi phạm để báo lên cơ quan chuyên môn. Huyện ủy, UBND huyện Bình Giang vào cuộc quyết liệt để xử lý, ngăn chặn tình trạng xả thải trộm của các doanh nghiệp.

Từng là “điểm đen” ô nhiễm môi trường, nhiều làng quê ở Hải Dương nay đã trở nên xanh-sạch-đẹp - Ảnh 1
Con đường xanh - sạch - đẹp ở thôn Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang ngày nay. Ảnh: Báo Hải Dương

Địa phương cũng tích cực chỉnh trang cảnh quan, thực hiện các tiêu chí về môi trường. Với những nỗ lực của cả chính quyền và người dân, Tân Hồng đã trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của huyện Bình Giang. Ngày nay, trên đường trục chính thẳng tắp dẫn vào xã có khung cảnh nên thơ với hai bên trồng hoa, cây cảnh cùng với cánh đồng lúa. Tất cả đường ngõ, xóm ở xã này đã được cứng hoá, bảo đảm sáng - xanh - sạch - đẹp. Rác thải được thu gom và xử lý theo đúng quy định. Các bãi rác tập trung đều được phủ xanh.

Bà Nhữ Thị Đua, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Mộ Trạch, xã Tân Hồng chia sẻ: “Một trong những điều tự hào của người dân chúng tôi chính là diện mạo nông thôn, từ giao thông đến cảnh quan môi trường ngày càng xanh, sạch và đẹp”.

Địa bàn xã Cổ Dũng, huyện Kim Thành không có cụm công nghiệp nhưng cũng từng là “điểm nóng” ô nhiễm vì chăn nuôi nhỏ lẻ trong các khu dân cư. Nước thải chăn nuôi xả ra kênh mương bốc mùi hôi thối và ô nhiễm môi trường sống tại địa phương. Giờ đây, phát triển chăn nuôi trên địa bàn xã đã vào quy củ. Khu vực chăn nuôi được bố trí cách xa khu dân cư. Toàn bộ các thôn, xóm không còn tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư. Các kênh mương từng ô nhiễm do chất thải, nước thải chăn nuôi đã được "hồi sinh".

Công tác thu gom rác thải sinh hoạt, vệ sinh đường làng ngõ xóm cũng được xã Cổ Dũng chú trọng triển khai. Các gia đình đã ký hợp đồng với công ty môi trường thu gom rác thải sinh hoạt vận chuyển ra khỏi địa bàn. Phong trào dọn vệ sinh trong khu dân cư cũng được tổ chức định kỳ. Thứ Bảy hoặc Chủ Nhật hàng tuần, các tổ chức đoàn thể đồng loạt ra quân dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm. Nhiều nơi còn tiến hành cải tạo kênh mương, cống rãnh, ao hồ; trồng hoa, cây cảnh để cải tạo cảnh quan môi trường. Trên địa bàn xã xây dựng mô hình “cánh đồng không rác thải”, bố trí nơi thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật góp phần làm sạch môi trường, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân.

Từng là “điểm đen” ô nhiễm môi trường, nhiều làng quê ở Hải Dương nay đã trở nên xanh-sạch-đẹp - Ảnh 2
Kênh mương ở xã Cổ Dũng, huyện Kim Thành không còn tình trạng ô nhiễm từ chất thải chăn nuôi. Ảnh: Báo Hải Dương

Trước đây, thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng là “điểm đen” ô nhiễm môi trường từ chất thải của nghề giết mổ trâu bò. Ngày nay, môi trường sống ở thôn này đã thay đổi hoàn toàn. Ông Trần Thế Tuyền, Chủ tịch UBND xã Cẩm Văn cho biết: Người dân sử dụng chế phẩm sinh học cải tạo ao hồ, nông dân thực hiện quy trình chăn nuôi sạch, phụ nữ xây dựng mô hình “ngôi nhà xanh”, phân loại rác thải tại nguồn. Ngoài ra, những tuyến đường trong thôn còn trồng thêm hoa, cây xanh tạo cảnh quan; đưa Cẩm Văn trở thành một trong những làng quê đáng sống ở Hải Dương.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Hữu Đáng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Phó Chánh Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Hải Dương: Bộ mặt nông thôn Hải Dương ngày càng khang trang, từng bước đáp ứng nhu cầu nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân. Tiêu chí môi trường được duy trì, nâng cao, góp phần làm cho cảnh quan môi trường nông thôn ngày càng khởi sắc, trở thành những miền quê đáng sống.

Đến nay, 12/12 huyện, thành phố, thị xã của tỉnh này đã bố trí bể chứa vỏ thuốc bảo vệ thực vật, có các chỉ đạo về việc thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Tỷ lệ chất thải nguy hại trên địa bàn được xử lý đạt 99,8%. Tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt 100%. Các mô hình phân loại chất thải tại nguồn được nhân rộng. Việc phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn bảo đảm theo quy định.

Môi trường là một trong những tiêu chí quan trọng để thay đổi diện mạo và không gian sống của làng quê. Vì vậy, các địa phương ở Hải Dương rất chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường trong phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Có thể khẳng định, tiêu chí môi trường đang có những tác động tích cực đến diện mạo nông thôn Hải Dương; góp phần đưa những làng quê từng là “điểm đen” ô nhiễm môi trường trở nên xanh - sạch - đẹp.

Hoàng Hà

Bạn đang đọc bài viết Từng là “điểm đen” ô nhiễm môi trường, nhiều làng quê ở Hải Dương nay đã trở nên xanh-sạch-đẹp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới