Bình Giang - Hải Dương chủ động phòng chống và thích ứng với hạn hán
Rút kinh nghiệm từ những đợt hạn cục bộ từng xảy ra trên địa bàn, năm nay huyện Bình Giang (Hải Dương) đã chủ động ứng phó từ sớm. Công tác phòng chống hạn đã bảo đảm tưới nước ổn định cho hơn 5.881ha lúa của toàn huyện.
Nhiều năm đối mặt với hạn hán
Cuối tháng 2/2023, hơn 100ha lúa gieo vãi tại xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang bị thiếu nước tưới, mặt ruộng khô nẻ. Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, tình hình hạn hán trong năm tại đây cũng diễn biến phức tạp, ngay cả trong vụ mùa là vụ phòng chống mưa úng nhưng vẫn xảy ra hạn cục bộ tại xã Thái Hòa, Bình Xuyên, Bình Minh.
Trước đó, tình trạng thiếu nước tưới cho vụ lúa chiêm xuân cũng xảy ra liên tiếp nhiều năm tại Bình Giang. Đặc biệt là vụ chiêm xuân năm 2018, huyện này có gần 1.000ha lúa bị hạn ở các xã Nhân Quyền, Tân Hồng, Bình Xuyên, Thái Hòa, Hùng Thắng. Dự báo nguy cơ hạn hán sẽ tiếp diễn, vì đặc thù nguồn nước tưới phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.
Nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện được lấy từ 3 tuyến kênh chính của hệ thống Bắc Hưng Hải là: Kim Sơn, Đĩnh Đào, Tây Kẻ Sặt. Những năm qua, một số kênh dẫn bị bồi lắng nên hệ thống các trạm bơm cấp nước của kênh trung thủy nông gặp khó khăn. Ruộng đất canh tác trên địa bàn cũng không đồng đều, xen kẽ chỗ cao, chỗ thấp gây ảnh hưởng đến khả năng lấy nước tưới.
Mặt khác, tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu đã khiến cho thời tiết diễn biến cực đoan, trái đất nóng lên làm gia tăng tình trạng khô hạn. Tại Bình Giang, mực nước các kênh dẫn trạm bơm phụ thuộc vào mực nước các sông trục chính Bắc Hưng Hải. Do ảnh hưởng chung của thời tiết, nhiều thời điểm mực nước sông xuống thấp dưới 1m, kênh dẫn nội đồng khô cạn nên không thể bơm nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm trên hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải cũng ảnh hưởng đến nguồn nước tưới tại địa bàn. Nhiều thời điểm nước ô nhiễm nặng, màu đen đặc, bốc mùi hôi thối nên không thể sử dụng cho sản xuất nông nghiệp. Để ngăn chặn nước ô nhiễm xâm nhập kênh nội đồng, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Bình Giang phải đóng cửa cống lấy nước ở một số trạm bơm. Một số xã ở cuối nguồn không đủ nước tưới cho khoảng 600ha đất sản xuất nông nghiệp.
Chủ động ứng phó và thích ứng với hạn hán
Đối với tình trạng hạn hán đã từng xảy ra và nguy cơ lặp lại trong thời gian tới, huyện Bình Giang xác định phòng chống hạn là nhiệm vụ trọng tâm và là trách nhiệm của các cấp, các ngành, người dân địa phương; cần chống các biểu hiện chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm trong triển khai thực hiện. Huyện đã xây dựng kế hoạch phòng chống hạn chi tiết theo từng giai đoạn, trường hợp và đưa ra các biện pháp cụ thể, trong đó chủ động ứng phó với trường hợp hạn hán đặc biệt nghiêm trọng có thể xảy ra. Đồng thời xây dựng biện pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp để thích ứng với hạn hán.
Theo đó, thời điểm lấy nước đổ ải của huyện sớm hơn so với lịch của tỉnh từ 7 - 10 ngày. Thực hiện bơm đổ ải theo từng cánh đồng, không bơm tràn lan, khi bơm xong khu vực nào thì tiến hành làm đất luôn để giữ nước. Thời điểm lấy nước tưới sẽ tranh thủ khi mực nước thủy triều lên cao và nước xả từ các hồ chứa phía Bắc; bơm tưới theo từng cánh đồng, bơm trước cho khu đồng cao và xa, sau đó đến khu đồng thấp và gần.
Trường hợp mực nước sông trục chính Bắc Hưng Hải xuống thấp, phương án khắc phục là lắp đặt máy bơm dã chiến tại đầu các tuyến sông trung thủy nông và các điểm khó khăn về nguồn nước. Tích cực huy động các trạm bơm máy ly tâm trục ngang ven sông trục chính Bắc Hưng Hải, các trạm bơm khác của Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện và trạm bơm của xã; tranh thủ khi có nước để thực hiện bơm tưới mở rộng diện tích, bơm cấp nguồn cho các trạm bơm khác, thực hiện tiết kiệm nước tưới.
Trường hợp không có nước làm đất phải có phương án chuyển đổi trồng lúa sang trồng cây rau màu, không để đất hoang hóa. Huyện Bình Giang chủ trương kết hợp tốt giữa biện pháp nông nghiệp và thuỷ lợi trong sản xuất, bố trí giống cây trồng, thời gian gieo cấy phù hợp với từng khu đồng và khả năng bơm tưới của trạm bơm khi mực nước sông Bắc Hưng Hải xuống thấp.
Huyện đã chỉ đạo nạo vét, giải tỏa kịp thời rau bèo, vật cản để khơi thông dòng chảy trên các tuyến sông thủy nông, kênh dẫn và bể hút; bảo đảm dẫn nước thuận lợi về bể hút các trạm bơm. Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước sông Hồng và hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải để chủ động ứng phó. Công nhân trạm bơm của xí nghiệp và các xã phân công ứng trực tại trạm bơm, kể cả ngày lễ, Tết để làm nhiệm vụ bơm chống hạn khi cần.
Ông Vũ Quang Thái, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Giang cho biết: Vụ đông xuân 2023-2024, trên địa bàn huyện không xảy ra tình trạng hạn cục bộ như những năm trước. Tuy nhiên, thời tiết diễn biến phức tạp, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải còn ô nhiễm nên nguy cơ bị hạn vẫn có thể xảy ra. Nhiệm vụ phòng chống hạn rất nặng nề nhưng đặc biệt quan trọng, vì vậy việc chuẩn bị phải khẩn trương, chu đáo để phòng chống và thích ứng.
Ngày nay, ô nhiễm đang làm gia tăng hậu quả của biến đổi khí hậu toàn cầu, và hạn hán là một trong những tác hại mà biến đổi khí hậu gây ra. Ngày Môi trường thế giới năm nay được phát động với chủ đề "Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa". Trong đó có khẩu hiệu "Hãy chủ động ứng phó, tăng cường khả năng thích ứng với hạn hán". Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam cũng đề nghị tăng cường triển khai nhân rộng các mô hình hiệu quả trong việc phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hoá; đặc biệt là những khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của hiện tượng hạn hán.
Với những kinh nghiệm và hiệu quả đã đạt được, huyện Bình Giang sẽ tiếp tục phát huy trong công tác phòng chống và thích ứng với hạn hán, bảo đảm tưới nước kịp thời để phục vụ cho phát triển sản xuất nông nghiệp tại huyện này.
Sông Hồng