Thứ sáu, 22/11/2024 05:40 (GMT+7)
Thứ sáu, 20/03/2020 08:00 (GMT+7)

Chung sức khơi thông dòng chảy cứu lúa

Theo dõi KTMT trên

Năm nay được dự báo là năm khô hạn và xâm nhập mặn diễn biến rất phức tạp ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Mới bước vào mùa khô nhưng nhiều diện tích cây trồng, đặc biệt là lúa đã bắt đầu thiếu nước. Ở một vùng quê của tỉnh Phú Yên, rất đông người dân tự giác, chung lưng, khơi thông dòng chảy tìm nguồn nước dẫn về đồng cứu lúa chống hạn.

Chung sức khơi thông dòng chảy cứu lúa - Ảnh 1
Gần 100 người dân khơi dòng chảy, dẫn nước từ suối Lỗ Thị, thôn Phú Hoại, xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân về cứu lúa bị hạn.

Nhiều năm trước, suối Lỗ Thị, đoạn chảy qua thôn Phú Hội, xã Xuân Phước, huyện miền núi Đồng Xuân, Phú Yên từng có rất nhiều vực sâu, chứa đựng những túi nước khổng lồ và không bao giờ cạn. Thế nhưng giờ đây, nó chỉ còn là một con lạch kiệt nước, trơ đá bởi nạn phá rừng làm nương rẫy. Ông Huỳnh Lặc ở thôn Phú Hội, xã Xuân Phước kể lại: “Trước đây tại khu vực này, vực không phải cạn như này mà chứa rất nhiều nước. Từ khi người dân làm rẫy nhiều, không hiểu sao vực thành thác, lạch hết, nước có bao nhiêu chảy hết bấy nhiêu. Khi không còn vực nữa, giếng ở nhà đào sâu vài chục mét, mùa khô cũng không còn nước”.

Không biết từ bao giờ, mỗi khi đến mùa khô hạn, người dân ở thôn Phú Hội và Phú Xuân B lại rủ nhau thuê xe múc khai dòng suối. Năm nay nước kiệt, xe múc không còn tác dụng, cả trăm người phải dùng cuốc, xẻng khơi đá, cỏ rác, chắt chiu từng dòng nước dẫn về cánh đồng làng cứu hơn 100 ha lúa hè thu cách đầu nguồn hơn 2 km. Ông Nguyễn Sương ở thôn Phú Xuân B, xã Xuân Phước chia sẻ: “Nắng hạn từ Tết Nguyên đán tới nay, tự bà con phải họp lại, ai có ruộng thì tự giác đi. Mấy năm trước không đi vét nước, mà góp tiền thuê xe múc khơi dòng chảy. Năm nay suối quá khô, xe múc không đào được, bà con phải bỏ công ra vét nước được bao nhiêu thì được, nhưng cao lắm cũng chỉ hai đến ba ngày là hết”. Nỗ lực là vậy, song nước cũng chỉ đủ chia nhau cấp cho ruộng mỗi nhà được vài hôm là hết. Nhiều người còn tranh thủ cả đêm, vét những dòng nước cuối cùng với hy vọng cứu lúa được bao nhiêu thì được, chờ mưa xuống.

Điều đáng nói, trong khi cả nước đang chung sức chống hạn, thì việc làm của người dân ở một vùng quê của tỉnh Phú Yên rất đáng được ghi nhận, thể hiện sức mạnh cộng đồng, không trông chờ, ỷ lại vào chính quyền các cấp, đoàn kết chống chọi với thời tiết khắc nghiệt, biến đổi khí hậu.

Liên quan đến tình hình nắng hạn, Chỉ thị của UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành cho biết, trong năm 2020, nắng nóng có thể xảy ra từ 7-9 đợt và có khả năng xuất hiện từ 3-5 đợt nắng nóng kéo dài, dẫn đến thiếu nước, khô hạn lớn, khả năng xâm nhập mặn sâu vào vùng cửa sông, ven biển. Vì vậy, công tác tưới vụ đông xuân 2019-2020 cũng như vụ hè thu 2020 gặp nhiều khó khăn, nhất là các vùng có công trình thủy lợi nhỏ.

Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên đang yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm kê, đánh giá thực trạng nguồn nước tại các hồ chứa, hệ thống thủy lợi, tính toán cân bằng nước để điều chỉnh, bổ sung phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp với thực tế nguồn nước, bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Có kế hoạch phân phối nước và điều chỉnh hợp lý nguồn nước bị thiếu hụt để bảo đảm cung cấp nước đầy đủ cho các nhu cầu thiết yếu. Chủ động rà soát phương án chống hạn để xây dựng kịch bản ứng phó, giải pháp trước mắt và lâu dài

Trình Kế

Bạn đang đọc bài viết Chung sức khơi thông dòng chảy cứu lúa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.