Chủ nhật, 24/11/2024 07:12 (GMT+7)
Thứ tư, 05/06/2024 13:00 (GMT+7)

Quản lý chất thải rắn sinh hoạt hướng đến kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững

Theo dõi KTMT trên

Diễn đàn Quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) và vai trò của doanh nghiệp nhằm tích cực phổ biến và truyền thông hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, hướng đến kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững.

Đưa pháp luật vào cuộc sống

Ngày 4/6, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường tổ chức Diễn đàn Môi trường lần thứ III năm 2024 với chủ đề “Quản lý CTRSH và vai trò của doanh nghiệp” tại Hà Nội. Đây là sự kiện thường niên nhằm hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6) và Ngày Đại dương thế giới (8/6).

Phát biểu tại diễn đàn, TS Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí TN&MT nhấn mạnh: Quản lý CTRSH là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó vai trò của các địa phương, doanh nghiệp là yếu tố quan trọng và trách nhiệm của người dân là yếu tố đầu tiên trong việc bảo vệ môi trường hiệu quả.

Quản lý chất thải rắn sinh hoạt hướng đến kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững - Ảnh 1
TS Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường phát  biểu tại diễn đàn.

“Khi CTRSH được phân loại và tận dụng triệt để giá trị cũng là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, nếu khai thác tốt sẽ tạo ra nguồn thu rất lớn để tái đầu tư tại địa phương, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, vì CTRSH có thể trở thành nguồn nguyên liệu đầu vào của lĩnh vực sản xuất khác”, TS Đào Xuân Hưng nói.

Ông Hưng mong muốn, thông qua diễn đàn này, truyền thông chính sách tại doanh nghiệp, người dân về việc phân loại rác đầu nguồn và sử dụng các vật dụng thân thiện với môi trường, giảm thiểu đồ nhựa dùng một lần, góp phần giảm bớt phát thải, gây ô nhiễm môi trường, xây dựng một cộng đồng xã hội phát triển, hiện đại, văn minh.

Thông điệp của Diễn đàn Môi trường năm 2024 là kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội hưởng ứng thực thi  Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và có nhiều sáng kiến áp dụng trong phân loại rác, tái chế, xử lý CTRSH để bảo vệ môi trường.

Trao đổi về vấn đề quản lý CTRSH tại sự kiện, Phó Cục trưởng Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hồ Kiên Trung chia sẻ: “Sự gia tăng dân số cùng với quá trình phát triển kinh tế, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước diễn ra mạnh mẽ, một mặt thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội, mặt khác đã làm gia tăng lượng và thành phần chất thải, trong đó có cả CTRSH, gây áp lực rất lớn đến môi trường”.

Theo ông Hồ Kiên Trung, đa số các ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đều phục vụ cho hoạt động tiêu dùng, nhưng rất ít doanh nghiệp đầu tư cho công đoạn xả thải và xử lý chất thải. Ít ai thực sự quan tâm chất thải của chúng ta sau khi thải bỏ sẽ được ứng xử như thế nào và nó có tác hại ra sao đến môi trường sống. Vì vậy, áp lực môi trường không chỉ là sự gia tăng về số lượng và thành phần chất thải mà cách thức chúng ta vứt bỏ và ứng xử với chất thải rắn.

Sự ra đời của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý môi trường và quản lý chất thải. Kể từ đó, chất thải được coi là tài nguyên và nguyên liệu sản xuất nếu được phân loại đúng cách. Đồng thời, tăng cường khả năng tái chế, tái sử dụng chất thải, giảm thiểu tối đa chất thải phải xử lý và thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp tái chế ở Việt Nam.

 Tuy nhiên, hiện nay, việc thực hiện công tác phân loại CTRSH ở các địa phương còn gặp nhiều thách thức. Trước hết, hạ tầng thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý CTRSH sau phân loại còn thiếu và không đồng bộ. Nhiều địa phương chưa tìm được đầu ra cho từng loại chất thải, chưa tìm thấy công nghệ tái chế và xử lý mỗi loại chất thải phù hợp sau khi phân loại. Trong khi đó, đây lại là công đoạn quan trọng nhất trước khi phân loại chất thải.

Sự gia tăng dân số cùng với quá trình phát triển kinh tế, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước diễn ra mạnh mẽ, một mặt thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội, mặt khác đã làm gia tăng lượng và thành phần chất thải, trong đó có cả CTRSH, gây áp lực rất lớn đến môi trường.

Cơ chế thu hút đầu tư, cơ chế giá để thúc đẩy cơ sở, doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực tham gia vào công tác thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý chất thải tại các địa phương còn thiếu. Hầu hết, các đơn vị vẫn chưa bảo đảm về năng lực và trang thiết bị để quản lý CTRSH sau phân loại.

Quản lý chất thải rắn sinh hoạt hướng đến kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững - Ảnh 2
Quang cảnh Diễn đàn "Quản lý CTRSH và vai trò của doanh nghiệp"

“Nhận thức của cộng đồng, người dân về phân loại CTRSH còn hạn chế. Sự vào cuộc của chính quyền địa phương còn chậm, chưa quyết liệt. Nhiều địa phương vẫn tư duy rằng, chất thải phải mang đi xử lý, chưa tìm kiếm hoặc xây dựng các cơ sở tái chế trong và ngoài tỉnh để biến chất thải thành tài nguyên và nguyên liệu sản xuất, phát triển kinh tế”, ông Hồ Kiên Trung cho hay.

Một số tỉnh, thành phố cũng chưa đưa ra các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật tại các điểm tập kết, trạm trung chuyển, trạm phân loại và các khu tái chế CTRSH. Bên cạnh đó, các địa phương cũng chưa xây dựng các mô hình thí điểm phân loại CTRSH để làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch phân loại, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý phù hợp.

Trách nhiệm của toàn xã hội

Trước những vướng mắc trên, Phó Cục trưởng Kiểm soát ô nhiễm môi trường Hồ Kiên Trung chia sẻ: “Để các địa phương thực thi công tác phân loại CTRSH đạt hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế sau phân loại đòi hỏi có sự vào cuộc mạnh mẽ và phối hợp chặt chẽ của 3 bên là chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng”.

Quản lý CTRSH là trách nhiệm của toàn xã hội. Theo đó, vai trò của các địa phương, doanh nghiệp là yếu tố quan trọng và trách nhiệm của người dân là yếu tố đầu tiên trong việc bảo vệ môi trường hiệu quả.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam hiện có khoảng 1,7 nghìn cơ sở xử lý chất thải rắn, gồm 470 lò đốt và hơn 1,2 nghìn bãi chôn lấp, tăng 120 bãi so với năm 2019. Khoảng 64% tổng lượng chất thải được xử lý bằng chôn lấp và 20% tổng lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp đốt. Thế nhưng, tỉ lệ thu hồi năng lượng chỉ đạt khoảng 9,3%.

Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam nhận định, cần xây dựng tiêu chí đánh giá công nghệ xử lý rác thải rắn sinh hoạt tại nước ta để làm căn cứ cho việc đánh giá lựa chọn công nghệ. Các tiêu chí đánh giá này nên tập trung vào kỹ thuật sao cho phù hợp với kinh tế và môi trường bản địa. Đặc biệt, đưa ra tiêu chí khuyến khích các công nghệ hướng đến mô hình kinh tế tuần hoàn.

Trong quá trình lựa chọn, cần đánh giá chặt chẽ tính khả thi, bền vững của công nghệ được xem xét. Đối với các dự án đầu tư, cần chú ý đến các yếu tố có thể dẫn đến sự cố môi trường, ảnh hưởng đến sức chịu tải của môi trường. “Công nghệ xử lý chất thải rắn cần được triển khai phù hợp với yêu cầu của từng địa phương. Đồng thời, chú ý kết hợp công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh với công nghệ tái chế chất thải rắn thành phân hữu cơ vi sinh hay công nghệ đốt để giảm tối thiểu việc chôn lấp, nhằm kéo dài tuổi thọ của bãi chôn. Cho nên, công nghệ xử lý trên phải phù hợp với vùng đô thị, vùng đô thị xen lẫn nông thôn, đồng bằng, trung du và miền núi”, Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Kim Chi đề xuất giải pháp.

Bên cạnh đó, nên có mô hình xử lý khu liên hợp cấp huyện theo liên xã, liên vùng với các khu tái chế, tái sử dụng CTRSH đã phân loại. Việc kết hợp này nhằm giảm thể tích chất thải (nhiệt, đóng rắn) và hạn chế các trường hợp chôn lấp chất thải không qua xử lý, hợp vệ sinh.

Quản lý chất thải rắn sinh hoạt hướng đến kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững - Ảnh 3
Diễn đàn thu hút nhiều nhà khoa học, doanh nghiệp tham gia.

Với chủ đề “Quản lý CTRSH và vai trò của doanh nghiệp”, Diễn đàn Môi trường năm 2024 đã phổ biến hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, định hướng cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương trong quản lý, đầu tư và phân loại rác tại nguồn, xử lý CTRSH, hướng đến phát triển bền vững.

Tại Diễn đàn, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học đã chia sẻ những kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp, khuyến nghị đối với công tác quản lý, xử lý CTRSH từ tình hình thực tế tại Việt Nam. Ngoài ra, các viện nghiên cứu, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực môi trường cũng đưa ra những mô hình tiên tiến, giới thiệu các công nghệ hiện đại, các giải pháp hiệu quả trong xử lý, phân loại và tái chế CTRSH.

Hiện nay, tổng khối lượng CTRSH phát sinh trên phạm vi cả nước mỗi ngày khoảng 67.877 tấn. Riêng khu vực đô thị phát sinh khoảng 38.143 tấn/ngày, khu vực nông thôn khoảng 29.734 tấn/ngày. Công tác phân loại, xử lý chất thải rắn vì vậy gặp rất nhiều thách thức.

Văn Dân - Doãn Kiên

Bạn đang đọc bài viết Quản lý chất thải rắn sinh hoạt hướng đến kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới