Từ năm 2026, sẽ xử phạt nhà bán lẻ cung cấp túi nylon dùng một lần cho khách hàng
Trước nguy cơ nghiêm trọng của rác thải nhựa đối với môi trường, từ năm 2026, Việt Nam sẽ thực hiện xử phạt các siêu thị, trung tâm thương mại cung cấp túi nylon dùng một lần cho khách hàng.
38 triệu túi nylon dùng 1 lần sử dụng tại siêu thị mỗi năm
Trong báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) cho thấy, với mức tiêu thụ nhựa như hiện nay và hiện trạng quản lý rác thải nhựa không được cải thiện, đến 2050, thế giới sẽ có khoảng 12 tỷ tấn rác thải nhựa bị thải ra bãi rác/chôn lấp và môi trường tự nhiên, gây ra "ô nhiễm trắng" đối với môi trường toàn cầu.
Không ngoại lệ, Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa. Lượng rác thải nhựa gia tăng nhanh chóng. Khối lượng rác thải nhựa đổ ra biển mỗi năm khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn/năm (chiếm gần 6% tổng lượng rác thải nhựa xả ra biển của thế giới).
Tại Việt Nam, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi nilon/tháng, riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi nylon. Lượng chất thải nhựa và túi nilong ở Việt Nam chiếm khoảng 8 - 12% chất thải rắn sinh hoạt, nhưng chỉ có khoảng 11 - 12 % số lượng chất thải nhựa, túi nilong được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường.
Theo khảo sát của Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ TN&MT), số lượng túi nylon sử dụng một lần tại các siêu thị trung bình lên tới 104.000 túi/ngày, tương đương với 38 triệu túi nylon/năm. Trong số 48 siêu thị được khảo sát, có tới 46 siêu thị đang cung cấp túi nylon miễn phí.
Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cũng cho thấy, mỗi năm người Việt Nam thải ra môi trường 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi nilon. Đáng chú ý, chỉ có 17% trong số đó được tái sử dụng. Túi nilon chiếm 1/3 số lượng rác thải nhựa tại Việt Nam và Việt Nam đang thuộc nhóm các quốc gia thải ra nhiều rác thải nhựa đại dương nhiều nhất châu Á.
Nếu cứ tiếp tục tiêu thụ sản phẩm túi nilon và nhựa dùng một lần như hiện nay thì con người sẽ đối diện với thảm họa "trắng" là ô nhiễm nhựa. Nhiều người gọi rác thải nhựa là tội phạm môi trường.
Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới khởi động chương trình "Đối tác Hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam", Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh: "Những vấn nạn về rác thải nhựa đối với môi trường hiện nay không phải lỗi của các sản phẩm nhựa mà thuộc về cách thức chúng ta sử dụng, thải bỏ các sản phẩm nhựa không đúng cách".
PLASTIC ALLIANCE - Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển
Ô nhiễm rác thải nhựa hiện nay là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng và cấp bách nhất ở Việt Nam và trên toàn cầu.
Trước nguy cơ nghiêm trọng của rác thải nhựa đối với môi trường, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp lý nhằm quản lý chất thải nhựa. Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025: sử dụng 100% túi nylon, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi nylon khó phân hủy; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi nylon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.
Việt Nam đã ban hành văn bản pháp lý nhằm quản lý chất thải nhựa như: Chiến lược quốc gia về Quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Chỉ thị số 33/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Kế hoạch hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030; Luật Bảo vệ Môi trường 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Quyết định số 1316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam.
Tại Hội thảo tổng kết Dự án thí điểm “Sáng kiến thành lập Liên minh siêu thị nhằm giảm thiểu việc tiêu thụ túi nylon dùng một lần tại Việt Nam” (Dự án PLASTIC ALLIANCE) do Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ TN&MT) phối hợp với Sở Công Thương TP.Hà Nội và Cơ quan Hợp tác kỹ thuật quốc tế Pháp tổ chức ngày 20/4, ông Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, đã thông tin: "Từ năm 2026, sẽ thực hiện xử phạt các siêu thị, trung tâm thương mại cung cấp túi nylon dùng một lần cho khách hàng".
Được biết, dự án PLASTIC ALLIANCE là sáng kiến thuộc Dự án "Suy nghĩ lại về nhựa - giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển" do Liên minh châu Âu và Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức tài trợ, Cơ quan Hợp tác kỹ thuật quốc tế Pháp triển khai tại Việt Nam nhằm mục đích thúc đẩy sử dụng túi thân thiện với môi trường, góp phần giảm thiểu rác thải nhựa, túi nylon dùng một lần ra môi trường.
Trong khuôn khổ của Dự án, Liên minh các nhà bán lẻ giảm túi nylon đã được thành lập với sự cam kết tham gia của 16 nhà bán lẻ, cũng như sự ủng hộ tích cực của các đối tác đồng hành giảm chất thải nhựa.
Theo đó, Kế hoạch hành động của liên minh đã được các thành viên thống nhất gồm: Truyền thông, tăng cường nhận thức và thay đổi hành vi khách hàng; thực hiện các chương trình khuyến mãi khuyến khích khách hàng giảm tiêu dùng túi nylon; đào tạo, tăng cường năng lực cho nhân viên thu ngân, cán bộ liên quan...
Ngoài ra, việc thành lập Liên minh các nhà bán lẻ giảm túi nylon là sáng kiến đầu tiên tập hợp các nhà bán lẻ, giúp họ tìm tiếng nói chung trong hoạt động giảm thiểu nhựa sử dụng một lần. Việc đưa ra các hoạt động và giải pháp thiết thực, cụ thể, kịp thời dự kiến sẽ là nguồn cổ vũ, động viên đối với cộng đồng các nhà bán lẻ, thể hiện tinh thần tích cực gắng kết vì môi trường và sự phát triển bền vững ở Việt Nam.
Trong quá trình triển khai hoạt động, Dự án đã phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương TP.Hà Nội và các nhà bán lẻ triển khai các hoạt động của Liên minh như ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các thành viên của Liên minh, thực hiện tham vấn các thành viên của Liên minh về kế hoạch hành động và kế hoạch truyền thông của Liên minh, triển khai các chương trình truyền thông trực tiếp tại các nhà bán lẻ và trực tuyến trên nền tảng mạng xã hội nhằm thay đổi hành vi của người tiêu dùng trong việc giảm sử dụng túi nylon và các sản phẩm nhựa dùng một lần. Các hoạt động của Liên minh đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các đơn vị bán lẻ và các đối tác đồng hành giảm chất thải nhựa, góp phần lan tỏa thông điệp về hạn chế sử dụng túi nylon và các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Lan Anh