Thứ bảy, 20/04/2024 11:39 (GMT+7)
Thứ ba, 22/03/2022 22:00 (GMT+7)

Liên minh giảm tiêu thụ túi nylon: Sáng kiến vì sự phát triển bền vững

Theo dõi KTMT trên

Việc thành lập Liên minh các nhà bán lẻ giảm túi nylon là sáng kiến đầu tiên tập hợp các nhà bán lẻ, giúp họ tìm tiếng nói chung trong hoạt động giảm thiểu nhựa sử dụng một lần.

Trên 100.000 túi nylon trong 1 ngày sử dụng tại siêu thị

Nhận định về thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa hiện nay, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - TS. Nguyễn Trung Thắng, cho rằng, đây là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng và cấp bách nhất ở Việt Nam và trên toàn cầu.

Theo số liệu khảo sát do Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường thực hiện, số lượng túi nylon sử dụng một lần tại các siêu thị trung bình khoảng 104.000 túi/ngày, tương đương với 38 triệu túi/năm. Trong đó, 46/48 siêu thị được khảo sát đang cung cấp túi nylon miễn phí. Trung bình, mỗi siêu thị tiêu thụ khoảng 1.454 túi nylon/ngày, dao động từ 70 đến 2.800 túi.

Mặt khác, các sản phẩm từ nhựa, nylon ra đời mang lại không ít tiện ích và đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người. Tuy nhiên, đặc tính bền, khó phân hủy của các sản phẩm nhựa, nylon đã và đang gây ô nhiễm môi trường, để lại những hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người và các loài động thực vật trên trái đất.

Trong khi đó, báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) cho thấy, mỗi năm, thế giới sản xuất 400 triệu tấn nhựa. Trong đó, ước tính khoảng 79% lượng rác thải nhựa trên thế giới đều thải ra bãi rác/chôn lấp hoặc thải ra môi trường, 12% đốt tại các lò rác và chỉ 9% được tái chế.

Với mức tiêu thụ nhựa như hiện nay và hiện trạng quản lý rác thải nhựa không được cải thiện, đến 2050, thế giới sẽ có khoảng 12 tỷ tấn rác thải nhựa bị thải ra bãi rác/chôn lấp và môi trường tự nhiên, gây ra "ô nhiễm trắng" đối với môi trường toàn cầu.

Liên minh giảm tiêu thụ túi nylon: Sáng kiến vì sự phát triển bền vững - Ảnh 1
Trung bình, số lượng túi nylon sử dụng một lần tại các siêu thị khoảng 104.000 túi/ngày.

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020, số lượng túi nylon được các nhà bán lẻ sử dụng để phục vụ nhu cầu mua bán online có xu hướng gia tăng. Điều này đặt ra bài toán về phân phối và tiêu thụ túi nylon với các nhà bán lẻ.

Phát biểu tại hội thảo “Chia sẻ kế hoạch giảm tiêu thụ túi nylon sử dụng một lần tại các nhà bán lẻ” diễn ra ngày 22/3 tại Hà Nội, TS. Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, cho rằng, việc các nhà bán lẻ cùng chung tay thực hiện các giải pháp giảm thiểu tiêu thụ túi nylon sử dụng một lần là việc rất cần thiết để góp phần đạt được các mục tiêu về sản xuất và tiêu dùng bền vững.

16 nhà bán lẻ hưởng ứng giảm tiêu thụ túi nylon

Thông tin từ TS. Kim Thị Thúy Ngọc, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, cho biết, tính đến tháng 12/2021, đã có 16 nhà bán lẻ đăng ký tham gia liên minh. Trong đó có sự xuất hiện của Tập đoàn TH True Milk, Công ty TNHH Phân Phối Sành Điệu, Công ty TNHH Bán lẻ BRG.

Theo đó, Kế hoạch hành động của liên minh đã được các thành viên thống nhất gồm: Truyền thông, tăng cường nhận thức và thay đổi hành vi khách hàng; thực hiện các chương trình khuyến mãi khuyến khích khách hàng giảm tiêu dùng túi nylon; đào tạo, tăng cường năng lực cho nhân viên thu ngân, cán bộ liên quan... 

Tại hội thảo diễn ra ngày 22/3, đại diện các đơn vị bán lẻ đã trình bày về kế hoạch giảm tiêu dùng túi nylon trong thời gian tới như: Thay thế túi nylon khó phân hủy bằng các loại túi thân thiện với môi trường; thực hiện các chương trình khuyến mại nhằm khuyến khích khách hàng giảm thiểu, tiến tới không sử dụng túi nylon dùng một lần; triển khai chương trình “Ngày không sử dụng túi nylon."

Trong số các nhà bán lẻ đăng ký tham gia Liên minh giảm tiêu thụ túi nylon, đại điện Tập đoàn Central Retail Việt Nam bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, hiện tất cả các siêu thị của Central Retail đã không còn kinh doanh các loại nhựa sử dụng một lần như ống hút nhựa.

Thay vào đó, các siêu thị của Central Retail đã triển khai thí điểm sử dụng túi nylon phân hủy sinh học làm từ bột ngô và khoai tây; áp dụng kinh doanh các sản phẩm rau bọc lá chuối - thân thiện môi trường, để giúp khách hàng đồng hành cùng siêu thị trong bảo vệ môi trường, các sản phẩm rau như cần tây, rau thơm…

Đối với khách hàng, các siêu thị của Cetral Retail áp dụng bán túi Lohas (loại túi chứa có thể sử dụng nhiều lần) với giá không lợi nhuận (8.900 đồng/túi lớn; 5.900 đồng/túi nhỏ), khuyến khích khách hàng mang túi này khi đi mua sắm.

Có thể thấy, việc thành lập Liên minh các nhà bán lẻ giảm túi nylon là sáng kiến đầu tiên tập hợp các nhà bán lẻ, giúp họ tìm tiếng nói chung trong hoạt động giảm thiểu nhựa sử dụng một lần. Việc đưa ra các hoạt động và giải pháp thiết thực, cụ thể, kịp thời dự kiến sẽ là nguồn cổ vũ, động viên đối với cộng đồng các nhà bán lẻ, thể hiện tinh thần tích cực gắng kết vì môi trường và sự phát triển bền vững ở Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề này, phát biểu tại buổi Toạ đàm trực tuyến với Chủ đề “Thực trạng và giải pháp xử lý rác thải nhựa tại Việt Nam”, GS.TS Nguyễn Hữu Dũng cho biết, để khắc phục vấn đề rác thải nhựa tại Việt Nam, cần có lộ trình, giải pháp thu hút đầu tư và công nghệ các lĩnh vực như: Giảm thiểu rác thải nhựa, phân loại rác tại nguồn, tăng cường khả năng tái sử dụng, tái chế các thành phần rác thải nhựa. Sử dụng vật liệu thay thế túi nylon và sản phẩm nhựa dùng một lần, sử dụng công nghệ tái chế rác thải túi nylon, rác thải nhựa. Sử dụng trang bị thùng thu gom đồ nhựa, túi nylon tại các điểm thu gom rác, tránh vứt bừa bãi.

“Cần tăng thuế bảo vệ môi trường đối với túi nylon và các sản phẩm nhựa khó phân hủy từ đó làm thay đổi thói quen sử dụng của các tổ chức, cá nhân. Đặc biệt, tại các cửa hàng, thay vì phát miễn phí túi đựng hàng hóa mua về thì yêu cầu người dân phải mua túi để thay đổi thói quen mua bán”, GS.TS Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Liên minh giảm tiêu thụ túi nylon: Sáng kiến vì sự phát triển bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới