Thứ năm, 25/04/2024 18:31 (GMT+7)
Thứ bảy, 26/02/2022 10:00 (GMT+7)

Thế giới tiến tới một hiệp ước toàn cầu, chấm dứt ô nhiễm rác thải nhựa

Theo dõi KTMT trên

Tình trạng rác thải nhựa trên thế giới đã lên đến mức báo động. Vì vậy, đã đến lúc cần có một thỏa thuận toàn cầu về kiểm soát ô nhiễm rác thải nhựa.

22% lượng rác thải nhựa không được xử lý đúng cách

Theo báo cáo mới đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, kể từ năm 2000, rác thải nhựa đã tăng hơn gấp đôi trên toàn cầu, với 353 triệu tấn được thải ra vào năm 2019. Trong khi đó, mặc dù, lượng rác thải nhựa tăng vọt nhưng số lượng rác thải nhựa được tái chế thành công lại không đáng kể.

Sau khi tính đến tổn thất trong quá trình tái chế, chỉ 9% chất thải nhựa được tái chế thành công, 19% được đốt và gần 50% được chuyển đến các bãi chôn lấp hợp vệ sinh. 22% chất thải nhựa còn lại được xử lý tại các bãi rác không được kiểm soát, đốt trong các hố lộ thiên hoặc rò rỉ ra môi trường.

Báo cáo được đưa ra trước các cuộc đàm phán của Liên Hợp Quốc vào ngày 28/2 tới để thảo luận về hành động quốc tế nhằm giảm thiểu rác thải nhựa. Do đó, các nhà nghiên cứu đang kêu gọi tăng cường cải thiện việc quản lý chất thải và đẩy mạnh tái chế.

Thế giới tiến tới một hiệp ước toàn cầu, chấm dứt ô nhiễm rác thải nhựa - Ảnh 1
Trong 20 năm qua, việc tiêu thụ nhựa và rác thải nhựa đều đã tăng vọt trên toàn cầu.

Trong 20 năm qua, cả việc tiêu thụ nhựa và rác thải nhựa đều đã tăng vọt. Cụ thể, mức tiêu thụ năm 2019 cao hơn 4 lần so với năm 2000, trong khi sản lượng tăng gấp đôi trong thời gian đó, đạt 460 triệu tấn.

Cùng với đó, lượng rác thải nhựa toàn cầu cũng tăng gấp đôi, ở mức 353 triệu tấn vào năm 2019. Trong số đó, gần 2/3 rác thải nhựa là từ chất dẻo có tuổi thọ dưới 5 năm, với 40% là từ bao bì, 12% từ hàng tiêu dùng và 11% từ quần áo và dệt may.

Mặc dù, rác thải nhựa gia tăng, chỉ có 15% được phát hiện là đã được thu gom để tái chế, nhưng chỉ có 9% được tái chế thực sự, 6% còn lại được xử lý làm chất cặn bã. Nhiều chất dẻo đã bị rò rỉ vào môi trường nước, với 1,7 triệu tấn chảy ra đại dương trong năm 2019. Ước tính có khoảng 30 triệu tấn rác thải nhựa trong đại dương và 109 triệu tấn khác tích tụ trong các dòng sông.

Mỗi năm, thế giới có khoảng từ 19 đến 23 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra biển, trong đó, phần lớn là rác thải sản phẩm nhựa dùng 1 lần. Rác này chiếm tới 60% nguyên nhân gây ô nhiễm đại dương, mặc dù, ngày càng nhiều quốc gia triển khai hành động cấm sử dụng sản phẩm nhựa này.

Xây dựng Hiệp ước quốc tế chấm dứt rác thải nhựa

Tình trạng rác thải nhựa trên thế giới đã lên đến mức báo động, gây mối đe dọa cho các loài động vật hoang dã và làm ô nhiễm chuỗi thức ăn. Mỗi năm có khoảng 11 triệu tấn rác nhựa thải ra đại dương và con số này dự kiến sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2040 nếu không giảm sản xuất và sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần như chai đựng đồ uống, bao bì đóng gói và túi đựng hàng chợ.

Rác thải nhựa đang bủa vây trên toàn cầu là rác thải nhựa khó tái chế, chậm phân hủy, chi phí đốt và chôn lấp cao. Theo ước tính của các nhà khoa học, sản lượng nhựa trên toàn cầu đang tăng trưởng với tốc độ chóng mặt và được dự báo sẽ tăng gấp 2 lần trong 20 năm tới. Con số này là mối đe dọa lớn liên quan đến biến đổi khí hậu, do phần lớn nhựa đều có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch.

Trong bối cảnh đó, từ ngày 28/2 đến ngày 2/3, Kỳ họp Hội đồng Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEA) sẽ diễn ra dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến tại trụ sở Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) ở Nairobi, Kenya.

Tai cuộc họp, các nhà khoa học sẽ thảo luận bộ khung tổng thể cho thỏa thuận toàn cầu đầu tiên về kiểm soát ô nhiễm rác thải nhựa. Đây có thể sẽ là hiệp ước toàn cầu quan trọng nhất kể từ sau Thỏa thuận Paris năm 2015, Liên Hợp Quốc nhận định.

Ngoài ra, phiên họp cũng nhằm đưa ra các điều khoản mở rộng cho một thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm rác thải nhựa và thành lập một ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC) để điều phối quá trình tiến tới thỏa thuận cuối cùng. Nếu các quốc gia thành viên đạt được sự thống nhất về một khuôn khổ cơ bản, INC sẽ dành ít nhất 2 năm đàm phán một hiệp ước cuối cùng để các nước tham gia ký kết.

Hiệp ước toàn cầu về ô nhiễm rác thải nhựa có thể đưa ra những nội dung như: giới hạn về sản lượng nhựa, cam kết của các nước thành viên về loại bỏ đồ nhựa sử dụng một lần và khó tái chế, cũng như các mục tiêu về tăng tỷ lệ thu gom và tái chế rác thải nhựa. Tuy vậy, một vấn đề quan trọng là các điều khoản trong thỏa thuận sẽ là tự nguyện hay ràng buộc về mặt pháp lý đối với các bên tham gia ký kết.

Trước đó, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) đã công bố một báo cáo được tổng hợp từ hơn 2.000 công trình nghiên cứu riêng về những tác động tiêu cực của rác thải nhựa đối với các đại dương, đa dạng sinh học và sinh thái biển. Theo đó, WWF cho biết, rác thải nhựa đã xuất hiện ở những vùng xa xôi nhất và những vùng nguyên sinh của Trái Đất như vùng băng Bắc Cực và trong các loài cá sinh sống tại khu vực sâu nhất của đại dương là Rãnh Mariana.

Thực tế cho thấy, khi ở trong nước, nhựa bắt đầu phân hủy, nhỏ hơn và thậm chí, nhỏ mức không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Do đó, ngay cả khi các vấn đề gây ô nhiễm môi trường trong đại dương hoàn toàn chấm dứt, lượng vi nhựa tại đây vẫn có thể tăng gấp 2 lần vào năm 2050. Trong khi đó, rác thải nhựa vẫn tiếp tục đổ ra biển với khối lượng tăng gấp 2 lần vào năm 2040 theo ước tính. Cũng trong khoảng thời gian này, WWF dự báo ô nhiễm nhựa tại các đại dương sẽ tăng gấp 3 lần.

Chính vì vậy, nếu LHQ không thể đạt được một thỏa thuận để ngăn chặn ô nhiễm nhựa, thế giới có thể sẽ phải trải qua những thiệt hại sinh thái trên diện rộng trong những thập kỷ tới, khiến một số loài sinh vật biển có nguy cơ tuyệt chủng và tàn phá nghiêm trọng các hệ sinh thái nhạy cảm như rạn san hô và rừng ngập mặn.

Ông Eirik Lindebjerg - Giám đốc Phụ trách chính sách nhựa toàn cầu của WWF nhận định, rác thải nhựa đang là mối nguy đối với hệ sinh thái biển tại nhiều nơi. Đáng lo ngại nhất, rác thải nhựa đang làm ô nhiễm toàn bộ mạng lưới thức ăn của các động vật biển.

Tương tự cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay, để giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa ở các đại dương, cần cắt giảm lượng khí thải carbon để hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu. Ngoài ra, cũng cần đặt ra các mục tiêu hạn chế rác thải nhựa đổ ra biển. Hiện, một số vùng biển trên thế giới như Địa Trung Hải, Hoàng Hải đã chạm ngưỡng giới hạn về rác thải nhựa. Do đó, cần nhanh chóng có hành động nhằm đạt được mục tiêu trung hòa khí thải, trung hòa ô nhiễm trong thời gian sớm nhất.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Thế giới tiến tới một hiệp ước toàn cầu, chấm dứt ô nhiễm rác thải nhựa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.