Thứ hai, 25/11/2024 19:00 (GMT+7)
Thứ bảy, 12/02/2022 11:00 (GMT+7)

Ngân hàng châu Âu tăng gấp đôi tài trợ đẩy lùi rác thải biển

Theo dõi KTMT trên

Nhóm các ngân hàng phát triển châu Âu đã phân bổ 4,6 tỷ USD để giải quyết vấn đề này dưới hình thức tài trợ dài hạn cho các dự án hạn chế việc thải rác nhựa, vi nhựa. Chính phủ Việt Nam sẵn sàng cùng toàn cầu đẩy lùi rác thải nhựa đại dương.

4,6 tỷ USD đẩy lùi rác thải nhựa đại dương

Một nhóm các ngân hàng phát triển châu Âu dự định sẽ tăng gấp đôi tài trợ cho các nỗ lực toàn cầu nhằm ngăn chặn tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa trên các đại dương lên 4 tỷ euro (khoảng 4,6 tỷ USD).

Khoản tài trợ trên là một phần của Sáng kiến “Làm sạch Đại dương” do Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) và Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) dẫn đầu. Đây là sáng kiến lớn nhất từ trước đến nay của nhóm ngân hàng phát triển nhằm vào vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa trên biển.

Ngân hàng châu Âu tăng gấp đôi tài trợ đẩy lùi rác thải biển - Ảnh 1
Rác thải nhựa đại dương tràn lan trên biển. (Ảnh minh họa)

Nhóm này cho biết mỗi năm có khoảng 8 triệu tấn rác nhựa thải ra các đại dương, đe dọa sự sống của các sinh vật biển và các cộng đồng dựa vào biển để kiếm sống.

Mục tiêu mới cho năm 2025 được xây dựng dựa trên kế hoạch tài trợ ban đầu 2 tỷ euro đến năm 2023, trong đó 80% số tiền đã được phân bổ cho các dự án ở các quốc gia gồm Sri Lanka, Trung Quốc và Ai Cập, kỳ vọng mang lại lợi ích cho hơn 20 triệu người.

Theo Giám đốc điều hành KfW Stefan Wintels, các đại dương đang phải chịu áp lực nghiêm trọng khi vừa bị ô nhiễm, xả rác, đánh bắt quá mức, đồng thời sự phong phú về loài của chúng cũng bị tổn hại nghiêm trọng.

Một báo cáo được Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) công bố mới đây chỉ ra rằng, các khu vực biển có diện tích lớn gấp 2,5 lần Greenland có thể vượt ngưỡng nguy hiểm về mặt sinh thái của nồng độ vi nhựa vào cuối thế kỷ này.

Các nhà khoa học của WWF đã phân tích hơn 2.590 nghiên cứu về ô nhiễm nhựa đại dương và đưa ra dự đoán sản lượng nhựa sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2040, khiến số lượng các mảnh vụn nhựa trong đại dương tăng gấp 4 lần vào năm 2050.

Nhóm các ngân hàng phát triển châu Âu đã phân bổ 1,6 tỷ euro để giải quyết vấn đề này dưới hình thức tài trợ dài hạn cho các dự án hạn chế việc thải rác nhựa, vi nhựa và các loại rác thải khác thông qua nâng cao năng lực quản lý chất thải, nước thải và nước mưa.

Nhóm này cho rằng, việc cải thiện quản lý ở các quốc gia đang phát triển, nơi có một số thành phố phát triển nhanh nhất và đông dân cư nhất, sẽ giúp giảm thiểu đáng kể lượng vi nhựa thải ra biển hằng năm.

Chính phủ Việt Nam sẵn sàng đẩy lùi rác thải đại dương cùng toàn cầu

Ngày 26/11/2021, tại Hà Nội, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường giao Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam chủ trì, phối hợp với Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UN Environment) (với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên WWF) tổ chức Hội nghị quốc tế Các giải pháp về chất thải nhựa khu vực các Biển Đông Á năm 2020 (SEA of Solutions 2020) theo hai hình thức trực tuyến và ngoại tuyến, cho phép nhiều khán giả trong và ngoài khu vực ASEAN tham dự.

Ngân hàng châu Âu tăng gấp đôi tài trợ đẩy lùi rác thải biển - Ảnh 2
Thứ trưởng Bộ TN & MT Lê Minh Ngân. (Ảnh: Tạp chí Tòa án Nhân Dân)

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cho biết, Việt Nam nói riêng và các nước ASEAN nói chung hiện đang phải đối mặt với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, vấn nạn rác thải biển, đặc biệt là rác thải nhựa đại dương.

Với vai trò là Thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC) nhiệm kỳ 2020 - 2021 và Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đang khẳng định năng lực lãnh đạo, nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế; thể hiện là thành viên tích cực, đối tác tin cậy và có trách nhiệm, đóng góp nhiều hơn nữa vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc đảm bảo hòa bình, an ninh và phát triển bền vững, đặc biệt là trong phát triển bền vững kinh tế biển, bảo vệ môi trường đại dương.

Theo Thứ trưởng, đại dịch Covid-19 đã và đang làm chậm cuộc chiến chống rác thải nhựa của các quốc gia trên toàn thế giới. Đại dịch đã khiến cho nhiều nền kinh tế suy thoái một cách nghiêm trọng cũng như đã gây ra những khó khăn cho việc chuyển đổi về mô hình sản xuất và tiêu dùng trên toàn thế giới. Chúng ta cần phải tính đến những thay đổi này trong cuộc chiến chống rác thải nhựa của khu vực.

Việt Nam là một trong số nhiều quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng của đại dịch. Ngoài lĩnh vực y tế và kinh tế bị ảnh hưởng trực tiếp thì lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng chịu ảnh hưởng không hề nhỏ, trong đó có nhiều nguyên nhân liên quan đến hành vi sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần và gia tăng lượng chất thải nhựa y tế.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Ngân hàng châu Âu tăng gấp đôi tài trợ đẩy lùi rác thải biển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới