TPHCM: Vận động hiến kế cùng chung tay phục hồi du lịch
Ngày 5/12, Sở Du lịch TP.HCM đã tổ chức “Cuộc vận động hiến kế phục hồi du lịch” và cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo du lịch năm 2021”.
Đây là một trong những hoạt động tại Ngày hội Du lịch TP.HCM năm 2021, diễn ra từ ngày 4 - 25/12, hướng đến mục tiêu triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành; Từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn và chuẩn bị cho việc đón khách du lịch quốc tế đến TP.HCM.
Đến với “Cuộc vận động hiến kế khôi phục du lịch TP.HCM”, Sở Du lịch TP.HCM kêu gọi tất cả cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học và những người yêu du lịch, quan tâm đến du lịch trong và ngoài nước cùng gửi các góp ý, hiến kế để góp phần phục hồi du lịch thành phố sau đại dịch Covid-19.
Trong đó, có 4 nội dung trọng tâm được hướng đến là: Các giải pháp để hồi phục; Các cơ chế chính sách để phát triển du lịch; Xây dựng sản phẩm, ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch và công tác quảng bá, xúc tiến du lịch.
Riêng “Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo du lịch năm 2021” với chủ đề “Chung tay phục hồi du lịch”, Sở Du lịch TP.HCM đặc biệt mở rộng đối tượng tham gia, bao gồm công dân Việt Nam và người nước ngoài.
Bất cứ cá nhân, đội nhóm, tổ chức hay doanh nghiệp nào có ý tưởng hoặc dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có khả năng ứng dụng, hỗ trợ ngành du lịch phục hồi sau đại dịch Covid-19 hoặc thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch tại TP.HCM đều có thể gửi dự thi.
Sở KH&CN TP.HCM, các nhà đầu tư, đơn vị đào tạo, huấn luyện khởi nghiệp cả trong và ngoài nước như: Amazon Web services, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp Thụy Sĩ (Swiss EP), quỹ đầu tư mạo hiểm Expara, ngân hàng Shinhan...đồng hành cùng cuộc thi này để triển khai những ý tưởng khả thi.
Chia sẻ tại chương trình, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết, hiện ngành du lịch trên địa bàn đang có những bước đi đầy hứa hẹn sau khi khởi động lại. Sau 2 năm gián đoạn, bên cạnh những tổn thất nặng nề, còn là cơ hội tiếp cận về xu hướng, hành vi và thị hiếu của du khách… Muốn vậy, cần có sự chung sức, chung lòng của cả cộng đồng và các lĩnh vực khác vì du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, tổng hợp.
Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp cần thay đổi sang hình thức bán tour trực tuyến với các chương trình tour giảm giá, khuyến mãi sâu tới 70% để kích cầu sức mua... Các đơn vị, doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, điểm đến còn chung tay, chung sức xây dựng các đường tour khép kín để du khách yên tâm khi mua tour trong mùa dịch.
Phó giám đốc Sở KH&CN TP.HCM Chu Vân Hải cho rằng, việc hướng đến du lịch thông minh sẽ là cầu nối để thực hiện kết nối chủ động sáng tạo sản phẩm mới để sớm khôi phục. Nhiều nước cũng đang tiến hành chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, kết nối với thương mại điện tử, phát triển du lịch thông minh.
Tại TPHCM, hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, trong đó lĩnh vực công nghệ thông tin chiếm khoảng hơn 65%.
Vì vậy, việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực du lịch sẽ góp phần tạo sức cạnh tranh cho TP.HCM từ ứng dụng công nghệ thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo vào du lịch… Việc thúc đẩy, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo để tái cấu trúc lại ngành du lịch, gia tăng liên kết sẽ tạo thêm sức cạnh tranh cho du lịch TP.HCM và cả nước.
Huỳnh Mai