TPHCM: Triển khai phát triển nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2021 - 2025
UBND TP.HCM vừa ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn giai đoạn 2021-2025.
Kế hoạch đề ra nhằm mục tiêu nâng cao năng lực nghiên cứu, lai tạo và chọn lọc, sản xuất, quản lý giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản theo hướng công nghiệp hiện đại; Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư nghiên cứu, sản xuất giống, nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ giống chất lượng cao, góp phần thực hiện thành công định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
Cụ thể, kế hoạch đề ra đến năm 2025 là đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao, trong đó tập trung vào công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa và các công nghệ tiên tiến khác ứng dụng trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản… để tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao về giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; Phương pháp canh tác, nuôi trồng sản phẩm thương phẩm và công nghệ bảo quản nông sản sau thu hoạch, để tạo ra sản phẩm nông nghiệp có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng, an toàn và có sức cạnh tranh cao.
Nâng tỉ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 chiếm từ 50% - 60% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố; Từ 40% - 50% hộ nông dân, trên 15% hợp tác xã, trên 70% doanh nghiệp ứng dụng các biện pháp kỹ thuật mang tính công nghệ cao về giống, quy trình canh tác, công nghệ sau thu hoạch; Cơ giới hóa, tự động hóa trong quá trình sản xuất chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, xử lý chất thải; Các kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao trong quá trình sản xuất các đối tượng sản phẩm nông nghiệp chủ lực (rau quả, hoa kiểng, heo, bò sữa, tôm và cá cảnh).
Đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực nâng cao kỹ thuật, kỹ năng sử dụng vận hành công nghệ và làm chủ công nghệ trong lĩnh vực giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản và trong sản xuất và bảo quản nông sản; Cập nhật thông tin kiến thức về tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ, kỹ năng thực hành ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp.
Hỗ trợ cho việc hình thành và hoạt động có hiệu quả của các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực cây trồng, chăn nuôi, thủy sản.
Ngoài ra, trong điều kiện TP.HCM, cần định hướng đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp với nông nghiệp đô thị gắn với xây dựng nông thôn mới:
Thứ nhất, nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường; Chuyển mạnh từ sản xuất lấy số lượng làm mục tiêu sang sản xuất nâng cao chất lượng, hiệu quả, có giá trị gia tăng cao, phát triển các sản phẩm phát huy lợi thế so sánh của TPHCM. Thực hiện điều này phải gắn các doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông với nhau, có vai trò điều phối, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước.
Thứ hai, tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp; Nhân rộng các mô hình tổ chức sản xuất mới, hiệu quả, nhất là các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ ở cả trong nước và ngoài nước; Chuyển mạnh từ sản xuất theo hộ gia đình riêng lẻ sang mô hình sản xuất hợp tác, liên kết, tập trung, quy mô lớn; Có cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Trong đó, cần phát triển loại hình hợp tác (tổ hợp, hợp tác xã…) trong sản xuất hoa lan cây kiểng, cá kiểng, rau sạch, chăn nuôi heo, bò…, có gắn chặt với nhau từ khâu sản xuất giống, việc nuôi/trồng, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ.
Thứ ba, phát triển nông nghiệp và dịch vụ gắn với nông nghiệp ở nông thôn, góp phần tạo việc làm và chuyển đổi cơ cấu lao động nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Chú trọng tạo việc làm cả nông nghiệp và phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn để giải quyết bài toán về lao động và thu nhập ngay tại đây, nhằm góp phần phát triển khu vực này và không tạo áp lực cho các đô thị.
Đặc biệt, cần chú trọng hoạt động du lịch sinh thái, du lịch gắn với hoạt động tham quan, trải nghiệm liên quan đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là hướng đến giới trẻ.
Thứ tư, đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam; Có chính sách phù hợp để phát triển và tiêu thụ đối với các nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực, có lợi thế quốc gia, lợi thế địa phương và các đặc sản vùng, miền.
Huỳnh Mai