Thứ năm, 25/04/2024 07:16 (GMT+7)
Thứ tư, 01/12/2021 16:00 (GMT+7)

World Bank cam kết hỗ trợ Việt Nam phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp giảm phát thải carbon

Theo dõi KTMT trên

Bộ NN&PTNT và World Bank đang xây dựng một dự án hỗ trợ Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp giảm phát thải trong tương lai, nhằm huy động đầu tư tư nhân vào nông nghiệp và các khâu trong chuỗi giá trị xanh hóa nông nghiệp.

Thông tin này được Giám đốc World Bank tại Việt Nam (WB), bà Carolyn Turk cho biết tại diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao “Chuyển đổi sang Hệ thống lương thực, thực phẩm xanh, phát thải thấp”, diễn ra vào ngày hôm qua, 30/11/2021.

World Bank cam kết hỗ trợ Việt Nam phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp giảm phát thải carbon - Ảnh 1

Bà Carolyn Turk phát biểu tại diễn đàn, nông nghiệp là một trong những tác nhân chính gây nên biến đổi khí hậu khi phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực này chiếm 18% tổng lượng phát thải.

WB và Bộ NN&PTNT cùng các tỉnh, thành phố đang xây dựng một dự án hỗ trợ Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp giảm phát thải trong tương lai, nhằm huy động đầu tư tư nhân vào nông nghiệp và các khâu trong chuỗi giá trị; Tìm hiểu các cơ chế tiếp cận tài chính carbon.

World Bank cam kết hỗ trợ Việt Nam phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp giảm phát thải carbon - Ảnh 2
Bà Carolyn Turk, Giám đốc WB tại Việt Nam

Lượng khí phát thải trong nông nghiệp toàn cầu dự kiến sẽ lên tới 120 triệu tấn CO2 vào năm 2030, trong đó có tới một nửa xuất phát từ ngành lúa gạo. Việt Nam đã có cam kết mạnh mẽ tại COP26 đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, giảm khí thải metan 30% tính đến năm 2030… và đây là thách thức đối với ngành lúa gạo Việt Nam.

Bà Turk nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải cùng nhau suy nghĩ về việc khu vực tư nhân có thể làm gì và khu vực công sẽ hỗ trợ thế nào trong quá trình tăng trưởng do khu vực tư nhân làm chủ đạo, dẫn dắt. Chúng tôi sẵn sàng cung cấp cấp các nguồn lực đầu tư cho các dự án có thể mang lại sự chuyển đổi ở quy mô lớn, không chỉ dừng lại mức độ thí điểm".

Bà Carolyn Turk cũng kỳ vọng về quan hệ đối tác mạnh mẽ với khu vực tư nhân để nâng cao kỹ năng, thúc đẩy đầu tư giúp khu vực tư nhân đóng góp vào chuyển đổi nông nghiệp có giá trị cao hơn, năng suất cao hơn và phát thải thấp hơn.

"Chúng tôi sẵn sàng cung cấp cấp các nguồn lực đầu tư cho các dự án có thể mang lại sự chuyển đổi ở quy mô lớn, không chỉ dừng lại mức độ thí điểm. World Bank sẽ cùng Bộ NN&PTNT nghiên cứu các công cụ mà World Bank có thể sử dụng để tài trợ cho những thay đổi ở cấp độ tổng thể", bà Carolyn Turk cho biết.

Theo các kết quả thống kê phát thải khí nhà kính cho thấy, tổng lượng phát thải ở Việt Nam là 150,9 Tg CO2 (triệu tấn), trong đó lượng phát thải khí nhà kính ở khu vực nông nghiệp là 65,09 Tg CO2, chiếm tỉ trọng cao nhất lên tới 43,1% của tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia; Đối với khu vực nông nghiệp thì khu vực trồng lúa nước có lượng phát thải chiếm tỉ trọng cao nhất (57,5%).

World Bank cam kết hỗ trợ Việt Nam phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp giảm phát thải carbon - Ảnh 3
Giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất lúa gạo sẽ mang lại lợi ích kinh tế - xã hội - môi trường một cách bền vững. (Ảnh: Phạm Hiếu)

Ngành nông nghiệp không chỉ là ngành chịu tác động của biến đổi khí hậu mà còn là ngành gây ra phát thải nhà kính rất lớn. Việc xây dựng các phương án giảm nhẹ khí phát thải nhà kính trong nông nghiệp có một vai trò rất quan trọng.

Đã có nhiều giải pháp giúp Việt Nam chuyển đổi sang hệ thống lương thực, thực phẩm xanh, phát thải thấp được đưa ra tại buổi đối thoại chính sách cấp cao: Chuyển đổi sang hệ thống lương thực, thực phẩm xanh, phát thải thấp do Bộ NN&PTNT cùng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam thực hiện, sáng 30/11.

Trong đó, tham luận của ông Ernest E Bethe III, Cán bộ điều hành cao cấp của Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) cho thấy khả năng khai thác năng lực của khu vực tư nhân nhằm khử carbon trong nông nghiệp.

Theo ông Ernest E. Bethe III, Việt Nam là một ví dụ điển hình trong các địa điểm đầu tư của IFC khi 10 năm trước các doanh nghiệp Nhà nước chiếm tới 80% giá trị thương mại, phần lớn là giao dịch giữa các Chính phủ. Ngày nay, phần trăm này đã thay đổi và Việt Nam có những thành tựu đáng kể trong sản xuất nông sản gắn với chuỗi giá trị toàn cầu.

Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu gạo và cà phê lớn thứ 2, nhà xuất khẩu tôm lớn nhất, quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn thứ 4 và là quốc gia phát triển tiêu đen lớn nhất thế giới.

World Bank cam kết hỗ trợ Việt Nam phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp giảm phát thải carbon - Ảnh 4
Xuất khẩu gạo của Việt Nam đang tăng mạnh cả về giá trị và khối lượng - Ảnh: Hạ An

Song hành cùng những bước chuyển mình trên thế giới, thị trường Việt Nam cũng đã chứng kiến những biến chuyển mạnh mẽ. Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng có thu nhập cao, dân số đô thị ngày càng đông, và họ mong đợi những sản phẩm an toàn, chất lượng cao hơn khi mua hàng ngày và đang phát triển niềm yêu thích với các sản phẩm cao cấp. “Việt Nam thật sự đã có những bước chuyển mình quan trọng về xuất khẩu trong 10 năm qua và quá trình này phải kể đến vai trò quan trọng của người tiêu dùng toàn cầu, các thương hiệu và doanh nghiệp”, ông Ernest E. Bethe III nói.

Ông Ernest E. Bethe III cho rằng, tất cả những điều trên có ý nghĩa to lớn đối với khu vực tư nhân, vốn đang ngày càng quan tâm đến vấn đề khử carbon trong nông nghiệp.

Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải khí nhà kính ròng bằng “0” vào năm 2050 và chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030. Sản xuất lúa gạo và chăn nuôi là nguyên nhân gây ra 30% lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam.

Khu vực tư nhân cần có những đánh giá tác động đến khí hậu của khu vực này và đánh giá hiệu quả tài nguyên theo phương pháp phù hợp nhất.

World Bank cam kết hỗ trợ Việt Nam phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp giảm phát thải carbon - Ảnh 5
Ông Ernest E Bethe III, Cán bộ điều hành cao cấp của Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC).

"Từ đó, các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược/kế hoạch hành động giảm phát thải, thực hiện các giải pháp thông minh bao gồm tưới ướt khô xen kẽ, tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn (điện rác, nhà máy khí sinh học để sản xuất năng lượng nhiệt và điện), giảm thất thoát thực phẩm và chất thải, giảm phát thải từ chất thải nông nghiệp".

“Trong 10 năm tới các doanh nghiệp cần đầu tư nhiều vào các hệ thống sản xuất, phân phối hỗ trợ quá trình khử carbon, tạo điều kiện cho các dự án năng lượng xanh/giảm phát thải, tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo tiếp cận nguồn tài chính”, cán bộ điều hành cao cấp của IFC khuyến nghị.

Ông Ernest E. Bethe III cho rằng, đây là cơ hội và thách thức để có thể tạo ra các sản phẩm bền vững hơn, phát thải carbon thấp hơn tại Việt Nam.

Những cơ hội đầu tư nâng cao năng lực của khu vực tư nhân có thể khử carbon trong nông nghiệp được ông Ernest E. Bethe chỉ ra, gồm: Tăng cường các tổ chức nông dân; Cải thiện cơ sở hạ tầng (kỹ thuật số) để cung cấp dịch vụ khuyến nông và nâng cao năng lực nông dân; Hỗ trợ nông dân và hợp tác xã tiếp cận nguồn lực tài chính; Cải thiện cơ sở hạ tầng nông thôn/hậu cần để vận chuyển sản phẩm.

Sản xuất gạo bền vững (SRP) theo chuỗi cung ứng giá trị gia tăng, có thể truy xuất nguồn gốc của Tập đoàn Lộc Trời (LTG) là ví dụ được ông Ernest E. Bethe III nêu điển hình. Cán bộ điều hành cao cấp của IFC nhận định Lộc Trời đã phát huy được khả năng của khu vực tư nhân trong khử carbon, đáp ứng tiêu chuẩn và tạo mối liên kết với thị trường quốc tế.

World Bank cam kết hỗ trợ Việt Nam phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp giảm phát thải carbon - Ảnh 6
Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT

"Tuy nhiên, tới năm 2030 và nhiều năm sau đó nền nông nghiệp của Việt Nam chủ yếu vẫn sẽ là nền nông nghiệp của các hộ nông dân nhỏ. Nhưng không phải các nông hộ tự cung tự cấp mà phải là các hộ sản xuất hàng hóa quy mô ngày càng lớn".

Cần nhiều hơn các doanh nghiệp tham gia vào quá trình “xanh hóa” nền nông nghiệp cũng là đề xuất của TS. Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT tại buổi đối thoại.

TS. Cao Đức Phát cho rằng, hiện nay nông nghiệp Việt Nam đang bước sang một giai đoạn phát triển mới với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Nền nông nghiệp có nhiệm vụ mới do vậy cũng cần phải có những thích ứng mới.

TS. Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Tuy vậy, đa số các nông hộ vẫn quá nhỏ để tự tham gia thị trường cạnh tranh quốc tế. Họ cần liên kết lại, trực tiếp hay trực tuyến. Cần có nhiều hơn các doanh nghiệp để dẫn dắt họ tham gia các chuỗi giá trị trong nước và quốc tế. Các hộ nông dân nhỏ cũng cần được hỗ trợ để làm điều đó trên các cánh đồng ở Việt Nam vì lợi ích chung của toàn thế giới”.

Đáp lại lời khuyến cáo của WB và các đối tác quốc tế, người đứng đầu ngành nông nghiệp Việt Nam cho rằng, vấn đề không phải là lựa chọn, mà là hành động. Phải có những “passport” trong ngành nông nghiệp để mở ra thêm nhiều cánh cửa.

“Xanh hóa nền nông nghiệp không phải gánh nặng mà là cơ hội, cần xác định tâm thế này để thay đổi. Đây còn là trách nhiệm với hàng chục triệu hộ nông dân. Từng cơ quan trong Bộ như Cục Trồng trọt, Chăn nuôi, Thủy sản... những cơ quan liên quan đến nông nghiệp xanh cần có những bước đi cụ thể, những gạch đầu dòng để bắt đầu thực hiện từ ngày hôm nay”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

World Bank cam kết hỗ trợ Việt Nam phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp giảm phát thải carbon - Ảnh 7
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan

"Ngành nông nghiệp Việt Nam đang chuyển đổi từ tư duy ngắn hạn sang tư duy dài hạn và bền vững, từ tư duy khai thác sang tư duy nuôi dưỡng, hướng tới những “giá trị xanh” được tạo nên từ “chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh”.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhắc lại tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu toàn cầu (COP26), tháng 11/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cam kết Việt Nam sẽ trở thành quốc gia trung hòa về carbon vào năm 2050.

"Với tư duy mới, chúng ta hoàn toàn có thể đặt ra khát vọng đưa Việt Nam trở thành cường quốc nông nghiệp sinh thái, trung hòa carbon thay vì chỉ là cường quốc về sản lượng lương thực. Với tư duy sáng tạo, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành cường quốc đổi mới sáng tạo tích hợp các giá trị văn hóa, đa dạng sinh học, cảnh quan trong nông nghiệp và thực phẩm”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.

World Bank cam kết hỗ trợ Việt Nam phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp giảm phát thải carbon - Ảnh 8
Diễn đàn chuyển đổi nông nghiệp xanh, phát thải thấp.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 được Chính phủ ban hành ngày 01/10/2021, theo đó, Chính phủ giao Bộ NN&PTNT xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ phát triển nông nghiệp hàng hóa bền vững, ít phát thải theo hướng kinh tế tuần hoàn, thông minh thích ứng với khí hậu…

Tại diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao “Chuyển đổi sang Hệ thống lương thực, thực phẩm xanh, phát thải thấp” tổ chức hôm 30/11, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan xác định mục tiêu cho ngành nông nghiệp Việt Nam phải xây dựng và phát triển nông thôn mới theo hướng xanh, bền vững với các mô hình làng sinh thái, làng thông minh thích ứng với khí hậu...

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết World Bank cam kết hỗ trợ Việt Nam phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp giảm phát thải carbon. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

WB: Kinh tế Việt Nam đang hồi phục tăng trưởng
Theo Báo cáo cập nhật kinh tế 6 tháng Điểm lại mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố ngày 23/4, Kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi khác nhau, với dự báo tăng trưởng sẽ đạt 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6,0% vào năm 2025.

Tin mới

WB: Kinh tế Việt Nam đang hồi phục tăng trưởng
Theo Báo cáo cập nhật kinh tế 6 tháng Điểm lại mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố ngày 23/4, Kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi khác nhau, với dự báo tăng trưởng sẽ đạt 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6,0% vào năm 2025.