Thứ năm, 18/04/2024 20:23 (GMT+7)
Thứ hai, 29/11/2021 08:00 (GMT+7)

Nông nghiệp thời 4.0: Cần minh bạch hóa thông tin sản phẩm để tăng giá trị

Theo dõi KTMT trên

Để tồn tại, phát triển trong tình hình mới, HTX cần thay đổi về tư duy. Các HTX chỉ có tăng quy mô, chuẩn hóa sản xuất, nâng cao năng lực thì mới có thể thích ứng được với giai đoạn mới.

Theo thống kê của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có trên 18.000 HTX. Tuy nhiên, một nửa số này có số thành viên dưới 30 người. Do đó, các HTX nhỏ cần tự liên kết với nhau. HTX lớn kết nạp nhiều HTX nhỏ hoặc các HTX nhỏ bắt tay nhau cùng làm. Đơn cử như với việc sản xuất rau chất lượng cao, sẽ chia ra từng khâu như giống, sản xuất, phát triển thị trường.

Phát biểu tại diễn đàn “Kết nối gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong điều kiện bình thường mới” do Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp tổ chức mới đây, ông Mai Quang Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Liên hiệp HTX Kinh tế số Việt Nam (VDECA) cho rằng:

"Để nông sản tạo dựng được uy tín, bán được giá, bà con nông dân, HTX cần phải đảm bảo được tính minh bạch thông qua Chứng nhận TCVN, tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế; Chứng nhận tiêu chuẩn cơ sở; Quy chuẩn sản xuất; Quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn; Xác thực thực hiện quy chuẩn, tiêu chuẩn của bên thứ 3; Khả năng kết nối thị trường qua các nền tảng, hợp đồng liên kết chuỗi giá trị. Thông qua các giải pháp công nghệ, sổ ghi chép thủ công sẽ được thay thế bằng nhật kí điện tử, sau đó trích xuất ra tem truy xuất thông minh".

Nông nghiệp thời 4.0: Cần minh bạch hóa thông tin sản phẩm để tăng giá trị - Ảnh 1
Tem truy xuất nguồn gốc góp phần minh bạch hóa quá trình sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm.

“Chúng ta có thể theo dõi lô sản phẩm ngay từ ban đầu. Tem truy xuất thông minh có thể truy xuất đến từng công đoạn sản xuất thay cho tem bình thường chỉ truy xuất được nguồn gốc xuất xứ. Các cấp quản lý nhà nước sẽ có trách nhiệm giám sát khi tem truy xuất thông minh được xuất ra”, ông Vinh chia sẻ.

Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn cho biết, đây là một giải pháp Cục cũng như Liên hiệp HTX Kinh tế số Việt Nam đang triển khai tại 6 tỉnh với mong muốn minh bạch hóa quy trình sản xuất, cung cấp thông tin sản phẩm cho thị trường một cách chính xác nhất thông qua các công nghệ.

“Chúng tôi mong muốn sau quá trình thử nghiệm tại 6 tỉnh, sản phẩm nông sản của các HTX sẽ được gắn tem truy xuất thông minh, qua đó góp phần minh bạch hóa thông tin sản phẩm, đảm bảo yêu cầu về đầu ra cho doanh nghiệp. Đồng thời, với giải pháp này, chỉ với 1 cú click chuột, người tiêu dùng có thể biết được hiện nay các HTX trên toàn quốc đang có những sản phẩm gì, quy trình sản xuất ra sao, thuộc loại quy chuẩn, tiêu chuẩn nào, dự báo sản lượng, thời vụ sẽ là bao nhiêu”, ông Lê Đức Thịnh nói.

Cũng theo ông Thịnh thì HTX là thể chế đầu tiên trong chuỗi giá trị nông nghiệp, song cần thay đổi về tư duy để tồn tại, phát triển trong tình hình mới. Các HTX chỉ có tăng quy mô, chuẩn hóa sản xuất, nâng cao năng lực thì mới có thể thích ứng được với giai đoạn mới.

Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn, ông Vũ Hồ Vũ, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Đầu tư Digital Kingdom (DGK) đề cập đến câu chuyện kết nối thương mại điện tử nông sản trên Cổng Blockchain chuyển đổi số HTX nông nghiệp; Sàn Blockchain thương mại điện tử phục vụ kinh tế số HTX nông nghiệp.

Theo ông Vũ, công nghệ Blockchain mà công ty đang sử dụng có thể chứng minh được quy mô, năng lực sản xuất cũng như truy xuất được nguồn gốc trong khu vực kinh tế tập thể, HTX. Trong xu hướng đi theo công nghệ 4.0, công nghệ Blockchain mang lại đa lợi ích, cho cả cơ quan quản lý nhà nước, HTX, cũng như doanh nghiệp kết nối tiêu thụ. Hiện 59 Chi cục PTNT, 160 cán bộ địa phương, và hơn 600 cán bộ HTX đã sử dụng công nghệ này.

“Những công nghệ như Blockchain, IoT phù hợp với môi trường kinh doanh bán sỉ và xuất nhập khẩu, giúp bảo mật thông tin và an toàn dữ liệu”, ông Vũ nói. Nhờ việc chuyển đổi số này, hơn 2.500 tấn sầu riêng, 100 tấn khoai lang, 80 tấn bưởi, và 200 tấn xoài, chôm chôm, vải… được hỗ trợ. Tổng giá trị đơn hàng lên tới hơn 300 tỉ đồng.

Về phía HTX, công nghệ Blockchain có gắn kèm tem chống hàng giả, giúp nông sản minh bạch, thông tin rõ ràng khi xuất khẩu, giúp tạo dựng niềm tin ban đầu giữa người bán và người mua.

Thanh Tân

Bạn đang đọc bài viết Nông nghiệp thời 4.0: Cần minh bạch hóa thông tin sản phẩm để tăng giá trị. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Quảng Bình: Hướng tới du lịch “Net zero”
Du lịch “Net Zero” là xu hướng mà các quốc gia trên thế giới đang hướng đến với mục đích không gây tổn hại đến môi trường trong quá trình hoạt động. Quảng Bình sẽ phát trển các sản phẩm du lịch theo xu hướng này.
Bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm năm 2024
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 38/CĐ-TTg ngày 15/4/2024 về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm năm 2024 và các năm tiếp theo.

Tin mới