Tình trạng trữ nước ngăn hạn mặn ở Long An gây ảnh hưởng đến nông nghiệp
Mùa hạn, mặn 2021 - 2022 đang tới gần khiến nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tới sản lượng nông nghiệp tỉnh Long An. Trước tình hình đó, cơ quan chức năng tỉnh Long An đang lên các phương án ứng phó.
Hạn, mặn đến sớm
Theo ông Hoàng Văn Đại, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ đến sớm và ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, khả năng tương đương mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 4) năm 2020 - 2021, 2016 - 2017, tuy nhiên không nghiêm trọng như mùa khô 2019 - 2020.
Dự báo này được Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) đưa ra dựa trên các số liệu mực nước ở các hồ chứa thượng lưu sông Mekong đang thấp, tình hình nguồn nước sông Mekong đặc biệt là dung tích hồ Tonle Sap (Campuchia) cùng diễn biến của thủy triều ở khu vực hạ nguồn.
Dung tích hiệu dụng các hồ chứa ở thượng lưu sông Mekong ước tính khoảng 65 tỉ m3, nhưng tính đến cuối tháng 9/2021, tổng dung tích trữ các hồ mới đạt gần 70%.
Còn nửa cuối mùa khô (từ tháng 2 - 5/2022), lưu lượng bình quân tại trạm Kratie ở mức 3.100m3/giây, thấp hơn 10% so với cùng kỳ năm 2021 và tương đương năm 2016, nhưng cao hơn so với năm 2020 khoảng 15%.
Theo Tổng cục Thủy lợi, xâm nhập mặn mùa khô năm 2021-2022 có khả năng ở mức tương đương với năm 2020 - 2021 và sẽ ảnh hưởng tới hơn 210.000 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp, gồm các diện tích trồng lúa, cây ăn trái và mô hình canh tác lúa - tôm tại các tỉnh ĐBSCL.
Cụ thể, ở thời điểm cao nhất, xâm nhập mặn có khả năng ảnh hưởng 60.000 ha lúa ở các tỉnh ven biển ĐBSCL, trong đó Tiền Giang 11.900 ha, Bến Tre 12.000 ha, Trà Vinh 15.000 ha và Sóc Trăng 20.000 ha.
Đối với vùng cây ăn trái, xâm nhập mặn có khả năng ảnh hưởng gần 43.300 ha; trong đó, Long An 3.100 ha, Tiền Giang 21.800 ha, Bến Tre 16.000 ha và Sóc Trăng 3.400 ha.
Cùng với đó, xâm nhập mặn có khả năng ảnh hưởng đến khoảng 107.400 ha ở vùng canh tác lúa - tôm gồm Kiên Giang 35.800 ha, Cà Mau 39.400 ha, Sóc Trăng 11.300 ha và Bạc Liêu 20.900 ha.
Lên phương án chủ động ứng phó
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An Đỗ Hữu Phương cho biết: Để chuẩn bị cho công tác phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, hạn, xâm nhập mặn, nhất là thiếu nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt trong mùa khô 2021 - 2022, bảo đảm đáp ứng đủ nguồn nước tưới phục vụ sản xuất và sinh hoạt, đơn vị thành lập nhiều đoàn kiểm tra, giám sát về công tác phòng, chống hạn, xâm nhập mặn ở các địa phương.
Nội dung làm việc gồm: Khảo sát một số khu vực có khả năng thiếu nước, có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, kiểm tra thực tế các cống ngăn mặn ở địa phương; Nguồn nước tưới phục vụ sản xuất, diện tích có khả năng bị ảnh hưởng do hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch, giải pháp và phương án chuẩn bị phòng, chống, ứng phó hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn, nhất là đối với các địa phương có vùng sản xuất chanh ứng dụng công nghệ cao,...
Ông Đặng Văn Tây Lo, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Trụ (tỉnh Long An) thông tin: "Do mùa hạn, mặn năm 2019 - 2020, nhiều diện tích lúa trên địa bàn huyện gần như mất trắng nên mùa hạn, mặn năm 2020 - 2021, ngành Nông nghiệp vận động người dân gieo sạ 2 vụ và trong lịch khuyến cáo của địa phương.
Thế nhưng, một vài hộ gieo sạ ngoài lịch thời vụ lại trúng mùa, được giá. Điều này làm công tác vận động người dân chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống hạn, mặn trong năm 2021 - 2022 gặp nhiều khó khăn”.
Ông Lê Văn Nam - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bến Lức (tỉnh Long An) cho biết: Để ứng phó với hạn, mặn địa phương đã xác định việc nâng cao ý thức của người dân là “chìa khóa” phòng, chống thiên tai hiệu quả nhất, bởi người dân là người trực tiếp bị ảnh hưởng của thiên tai.
Theo đó, huyện Bến Lức tăng cường công tác dự báo, cảnh báo diễn biến tình trạng xâm nhập mặn trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và chủ động các biện pháp ứng phó; Hướng dẫn người dân trữ nước để phục vụ sinh hoạt, sản xuất; Khuyến cáo nông dân xuống giống theo đúng lịch thời vụ và phù hợp với khả năng đáp ứng nguồn nước của từng vùng...
Nguyễn Thu