Long An, Hải Phòng, TP.HCM dẫn đầu về lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài
Dù gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng nhiều doanh nghiệp FDI vẫn cam kết đẩy mạnh đầu tư và rót thêm vốn vào các dự án ở Việt Nam.
Vốn FDI đăng ký tiếp tục tăng
Nhận thấy được tiềm năng cũng như lợi thế nổi trội của Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài đã thể hiện sự tin tưởng bằng cách rót vốn vào những dự án của Việt Nam. Kết quả của Tổng cục thống kê về thu hút vốn đầu tư nước ngoại tại Việt Nam 9 tháng đầu năm 2021 đã chứng minh điều này.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến 20/9/2021 đạt 22,15 tỉ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đăng ký cấp mới có 1.212 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 12,5 tỉ USD, giảm 37,8% về số dự án và tăng 20,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.Ngoài ra, vốn đăng ký điều chỉnh có 678 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 6,43 tỉ USD, tăng 25,6%; vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 2.830 lượt với tổng giá trị góp vốn 3,22 tỉ USD, giảm 43,8%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ước tính đạt 13,28 tỉ USD, giảm 3,5%.
Có 94 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 9 tháng. Singapore là quốc gia dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 6,28 tỉ USD, chiếm 28,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 3,91 tỉ USD chiếm 17,7% tổng vốn đầu tư. Xếp ở vị trí thứ 3 là Nhật Bản với 3,27 tỉ USD, chiếm 14,7% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Hà Lan, Hoa Kỳ,….
Đánh giá cao môi trường đầu tư của Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài cho biết vẫn tin tưởng và tiếp tục có kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh ở nhiều tỉnh, thành phố trên đất nước. Tiêu biểu là Long An, tỉnh đang dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 3,64 tỉ USD, chiếm 16,4% tổng vốn. Hải Phòng đứng thứ 2 đạt 2,7 tỉ USD, chiếm 12,2%. TP.HCM đứng thứ 3 với 2,35 tỉ USD, chiếm 10,6%. Tiếp theo lần lượt là Bình Dương, Cần Thơ, Quảng Ninh, Hà Nội…
Dự báo tương lai
Những con số ở trên cũng phần nào nói lên thành tích rất đáng ghi nhận, nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều bất cập. Hạn chế, vướng mắc khiến doanh nghiệp khó gặp gỡ khách hàng, chuyên gia nước ngoài nhất trong thời điểm dịch bệnh. Hơn nữa, nhiều địa phương vẫn còn dễ dãi trong việc chấp nhận khá nhiều dự án FDI quy mô nhỏ, không mang lại hiệu quả cho địa phương về tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách. Chính sách ưu đãi đầu tư chưa tương xứng với hiệu quả mà các dự án FDI mang lại.
Làn sóng thứ 4 của đại dịch đã làm dấy lên những lo ngại trong cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài. Khi nền kinh tế mở cửa trở lại, các khó khăn của chuỗi cung ứng sẽ sớm được giải quyết, đơn hàng sẽ lại đổ về và FDI vào Việt Nam cũng “phục hồi phong độ” với các chính sách nhất quán, các lợi thế về nguồn nhân lực, một loạt hiệp định tự do thương mại và cam kết của Chính phủ đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng.
Theo đánh giá của ông Tim Evans - Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam: “Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong trung hạn. Các điều kiện nền tảng vững mạnh của Việt Nam sẽ giúp các nhà đầu tư gạt bỏ những biến động ngắn hạn do Covid-19”.
Với lượng dự trữ ngoại hối tăng cao cộng thêm tiền tệ ổn định, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, dòng vốn FDI tiếp tục tăng mạnh chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất, Việt Nam có tâm thế hoàn toàn sẵn sàng đón nhận tương lai. Cơ hội sẽ mở ra, kinh tế sẽ phát triển, Việt Nam sẽ phục hồi và một lần nữa chứng minh khả năng phi thường khi phải đương đầu với một thách thức hay trở ngại.
Thu Hà (t/h)