Thứ bảy, 27/04/2024 01:00 (GMT+7)
Thứ ba, 12/04/2022 10:00 (GMT+7)

TP.HCM thu phí hạ tầng cảng biển: Doanh nghiệp "cầu cứu" Chủ tịch Quốc hội 

Theo dõi KTMT trên

Mới đây, 5 hiệp hội doanh nghiệp đã ký tên trong công văn gửi Chủ tịch Quốc hội đề xuất không thu phí sử dụng hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển với hàng hoá vận tải bằng đường thuỷ nội địa.

Sau hai lần gia hạn, TP.HCM đã bắt đầu thu phí hạ tầng cảng biển từ ngày 1/4. Với loại phí này, dù chính quyền thành phố cho biết, thu phí là để đầu tư lại cho hạ tầng giao thông nhưng một số doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp vẫn đề nghị lùi thời gian thu vì hoạt động sản xuất, kinh doanh đang gặp khó khăn.

Thu phí cảng biển có đầy đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn

Trong cuộc họp báo cung cấp thông tin về kết quả kinh tế, xã hội TP.HCM quý I/2022 và kỳ họp thứ 5, Hội đồng Nhân dân TP.HCM khóa X, ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM khẳng định, việc thu phí hạ tầng cảng biển có đầy đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn.

Cụ thể, cơ sở pháp lý là Luật Phí và Lệ phí (có hiệu lực từ năm 2017) có quy định về loại phí này. Thực tiễn là từ năm 2017, nhiều địa phương trong nước như Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn… đã tổ chức thu phí cảng biển.

Ông Bằng cũng cho biết, khi lập đề án này, TP.HCM đã nghiên cứu rất kỹ để tránh các tác động tiêu cực với hoạt động của doanh nghiệp và cũng đã lấy ý kiến các hiệp hội, tuy cũng có một ý kiến phản đối nhưng phần lớn đồng thuận. “Mục tiêu không phải là thu phí để tăng ngân sách nhà nước”, ông Bằng nói.

Theo đó, việc thu phí hạ tầng cảng biển là để có kinh phí đầu tư cho hạ tầng giao thông làm giảm chi phí cho doanh nghiệp. Thêm vào đó, việc này cũng giúp giảm tải cho hệ thống cảng, giao thông của TP.HCM và chia sẻ, phát triển hệ thống cảng trong khu vực.

Ông Bằng giải thích, vào năm 2021, có đến 161 triệu tấn hàng hóa qua cảng TP.HCM trong khi quy hoạch chỉ là 114 triệu tấn, tức vượt 40%.

TP.HCM thu phí hạ tầng cảng biển: Doanh nghiệp "cầu cứu" Chủ tịch Quốc hội  - Ảnh 1
Hai lần gia hạn thời gian thu phí hạ tầng cảng biển vì dịch Covid-19 đã làm TP.HCM đã giảm thu khoảng 2.200 tỷ đồng. (Ảnh minh hoạ)

Trong đó, khu vực cảng Cát Lái gần như vượt 100% quy hoạch mà hạ tầng giao thông kết nối không đảm bảo, như với đường Nguyễn Thị Định, lộ giới quy hoạch là 60m nhưng hiện nay chỉ đầu tư 35m còn đường vành đai 2 chưa làm được.

Hiện nay, xe cộ Cảng Cát lái đi Bình Dương, Đồng Nai phải đi theo đường Đồng Văn Cống ra Mai Chí Thọ, Xa lộ Hà Nội, đến trạm 2. Đoạn đường này vừa dài, xe cộ đi tốc độ chậm và phải đi trong các đường đô thị nên rất nguy hiểm.

Nếu thu phí hạ tầng cảng biển để đầu tư cho đường vành đai 2 thì xe chở hàng từ Cảng Cát Lái có thể ra đến mũi giao Mỹ Thủy rồi đi một vòng Vành Đai 2 đến mũi giao Gò Dưa, chỉ khoảng 15km. Do chiều rộng của đường được quy hoạch rất rộng, đến 67m nên xe container sẽ đi rất nhanh, có thể quay về 2-3 vòng/ngày thay vì chỉ khoảng 1 vòng như hiện nay.

Cũng theo ông Bằng, hạ tầng giao thông kết nối không đảm bảo làm chi phí logistics (chi phí hậu cần) tăng lên, muốn giảm chi phí này thì phải đầu tư hạ tầng giao thông, gồm đường thủy và đường bộ. Thành phố thu phí là để đầu tư.

Một vấn đề nữa, hiện nay tuy các cảng khu vực xung quanh TP.HCM đã đầu tư tương đối đầy đủ nhưng công suất khai thác thấp hơn công suất quy hoạch. Tàu không về mà đổ về TP.HCM.

Vì vậy, TP.HCM xây dựng đề án thu phí cũng nhằm để giảm quá tải cho thành phố. Khi tàu bè về các cảng ở Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu thì xe cộ cũng sẽ đến các khu vực đó thay vì đổ dồn vào thành phố. Việc này cũng sẽ chia sẻ, phát triển hệ thống cảng biển xung quanh TP.HCM.

Phó giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM cho biết, hai lần gia hạn thời gian thu phí hạ tầng cảng biển vì dịch Covid-19 đã làm TP.HCM đã giảm thu khoảng 2.200 tỷ đồng.

5 hiệp hội "kêu cứu" Chủ tịch Quốc hội 

Mới đây, Hiệp hội chủ hàng Việt Nam (VNSC); Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VSA); Hiệp hội đại lý, môi giới và dịch vụ hàng hải Việt Nam (VISABA); Hiệp hội chủ tàu Việt Nam (VSA) và Hội vận tải thủy nội địa Việt Nam đã ký tên trong công văn gửi Chủ tịch Quốc hội đề xuất không thu phí sử dụng hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển với hàng hoá vận tải bằng đường thuỷ nội địa. 

Theo các hiệp hội, việc thu phí sử dụng công trình, dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển (phí sử dụng hạ tầng khu vực cảng biển) không đúng đối tượng đối với hàng hóa được vận chuyển bằng phương tiện đường thủy nội địa, vì hàng hóa được vận tải bằng phương tiện đường thủy nội địa không sử dụng hạ tầng của địa phương kết nối đến cảng biển.

Việc ban hành nghị quyết và thu phí là đúng với thẩm quyền của HĐND TP.Hải Phòng, TP.HCM, tuy nhiên việc thu phí với những bất cập nêu trên tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vận tải đường thủy nội địa và lợi ích của quốc gia; không khuyến khích hàng hóa được vận tải bằng đường thủy nội địa để giảm áp lực cho hạ tầng đường bộ, giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông đường bộ kết nối đến cảng biển, giảm khí thải carbon vào môi trường...

Trước bất cập, các hiệp hội đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp vận tải đường thủy nội địa đã có nhiều văn bản báo cáo đến 2 thành phố nêu trên, đồng thời gửi văn bản báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan, đại biểu Quốc hội. Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng đã có văn bản gửi HĐND, UBND TP.Hải Phòng và TP.HCM.

"Mặc dù nhận được văn bản của các hiệp hội, ý kiến của các bộ, ngành, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Hải Phòng và TP.HCM vẫn tiếp tục thu phí không đúng đối tượng, không có văn bản trả lời đến các hiệp hội, không tổ chức đối thoại, làm rõ bất cập khi thu phí không đúng đối tượng đối với hàng hóa vận tải bằng đường thủy nội địa" - công văn gửi Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp liên quan đến vận tải đường thủy nội địa, đảm bảo lợi ích chung của quốc gia, các hiệp hội, doanh nghiệp kiến nghị Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và các cơ quan có liên quan giám sát việc ban hành văn bản pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ đã được pháp luật quy định; dành thời gian làm việc trực tiếp với các hiệp hội về những nội dung trên.

Mới nhất, 3 ngày sau khi TP.HCM triển khai thu phí, Ban Nghiên cứu và Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về bất cập, tác động tiêu cực của phí này. Trong báo cáo, Ban IV đề nghị không thu phí với hàng hóa vận tải bằng phương tiện thủy sử dụng đường thủy nội bộ và hàng hóa trung chuyển, quá cảnh, tạm nhập - tái xuất.

Ban IV cũng kiến nghị dừng thu phí hạ tầng cảng biển tại TP.HCM để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi và phát triển sau dịch bệnh. Đặc biệt, Ban IV kiến nghị, nếu có xem xét triển khai thu phí khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn, doanh nghiệp đã cơ bản phục hồi, thì mức phí phải được tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Phí và Lệ phí, Luật Hải quan.

“Mức thu chênh lệch giữa việc mở tờ khai thông quan tại TP.HCM và mở tờ khai tại các tỉnh lân cận là không phù hợp với pháp luật về hải quan, tạo sự phân biết đối xử, gây khó khăn cho doanh nghiệp các tỉnh lân cận”, Ban IV viết trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 7/4/2022.

Đây cũng là những nội dung đã từng được Ban IV kiến nghị cách đây hơn 1 năm, trước thời điểm TP.HCM bắt đầu thực hiện thu phí này.

Thu về hơn 55 tỷ đồng chỉ sau 9 ngày

Từ 0h ngày 1/4, TP.HCM bắt đầu thu phí hạ tầng cảng biển với mức phí thấp nhất 15.000 đồng cho mỗi tấn hàng không đóng trong container (hàng xuất nhập khẩu mở tờ khai tại TP.HCM); cao nhất 4,4 triệu đồng mỗi container loại 40 feet (hàng tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan, chuyển khẩu).

Tính đến 24h ngày 9/4, đã có tổng cộng hơn 35.250 doanh nghiệp tham gia đăng ký nộp phí với số lượng gần 59.000 tờ khai.

Tổng số tiền phải thu là hơn 74 tỷ đồng , tuy nhiên TP.HCM mới thu về hơn 55 tỷ đồng .

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM thu phí hạ tầng cảng biển: Doanh nghiệp "cầu cứu" Chủ tịch Quốc hội . Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới