Tin tức môi trường nổi bật ngày 24/5
Mưa lớn kéo dài gây ngập úng miền Bắc; Lùi thời hạn trình Luật Đất đai (sửa đổi); Xử lý gần 50 nghìn trường hợp vi phạm môi trường ở Hà Nội; Đà Nẵng đầu tư 300 triệu theo dõi quan trắc phóng xạ môi trường... là những tin tức môi trường nổi bật ngày 24/5.
Mưa lớn kéo dài gây ngập úng ở nhiều tỉnh thành phía Bắc
Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP. Hà Nội cho biết, đêm qua và hôm nay, nhiều nơi trên địa bàn Thành phố xảy ra mưa to, có nơi mưa rất to gây úng ngập một số đoạn giao thông, diện tích sản xuất nông nghiệp.
Tại Tuyên Quang, sáng 24/5, một vụ sạt lở đất xảy ra tại Km63 Quốc lộ 2 đoạn từ Tuyên Quang đi Hà Giang, vùi lấp 1 ngôi nhà tại thôn Tháng Mười, xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang), khiến 1 người thiệt mạng. Mưa to đến rất to từ đêm 22 đến ngày 24/5 trên địa bàn tỉnh này đã gây nhiều thiệt hại về tài sản, vật nuôi của người dân, nhiều điểm sạt lở khiến giao thông bị gián đoạn.
Còn tại Điện Biên, trong 2 ngày 23-24/5 xảy ra mưa lớn khiến một số đoạn tuyến trên đèo Tây Trang thuộc Quốc lộ 279 đường đi Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang bị sạt lở, gây ách tắc cục bộ.
Đơn vị quản lý tuyến đường đã khẩn trương huy động nhân lực, máy xúc đang ứng trực trên toàn tuyến đến các vị trí sạt lở để san gạt bùn đất, hỗ trợ các phương tiện di chuyển đến vùng an toàn. Đến trưa 24/5, các vị trí xảy ra sạt lở trên các đoạn tuyến đã được thông..
Trong khi đó, ngập lụt diễn ra trầm trọng tại nhiều vùng trũng của các tỉnh thành đồng bằng như Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc... khiến nhà cửa, phương tiện chìm sâu trong nước, giao thông đình trệ.
Điển hình tại Hà Nội là khu vực Cổ Linh, đường Đàm Quang Trung, Hoàng Như Tiếp, khu vực Trường Tiểu học Ngọc Lâm đến ngã ba Hoàng Như Tiếp - Ái Mộ (quận Long Biên bị ngập nước, sâu khoảng 15cm. Ngoài ra là khu vực gầm cầu Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) cũng bị ngập nước, phương tiện giao thông đi lại khó khăn.
Ngoài ra, là một số điểm ứ đọng nước như: Ngô Xuân Quảng (trước cổng Học viện Nông nghiệp Việt Nam - huyện Gia Lâm); Nam Đuống (trước Tòa nhà An Quý Hưng - Long Biên); Đức Giang (từ chợ Đức Hòa đến ngõ 97 - Long Biên), Đại lộ Thăng Long (hầm chui dân sinh số 3, 5, Km 9+ 656 - Hoài Đức); Ecohome 3 (bao gồm Trường Tiểu học Đông Ngạc - Bắc Từ Liêm)...
Sáng nay, TP. Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) cũng bị ngập sâu sau trận mưa lớn kéo dài suốt đêm qua. Đặc biệt, tại khu vực hầm chui đường Lạc Long Quân, trước cửa chung cư Hoàng Gia ở phường Đáp Cầu, bị ngập 0,5-0,8 m khiến nhiều ôtô đi qua đây chìm trong biển nước...
Tại TP. Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) nhiều nơi bị ngập sâu. Cụ thể, tại các tuyến đường Hoàng Văn Thụ, Ngô Gia Tự, chung cư Quang Minh, điểm giao đường Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Thị Lưu… ngập khoảng 40-50cm khiến các phương tiện giao thông di chuyển khó khăn. Một số ôtô, xe máy bị chết máy.
Tại tỉnh Vĩnh Phúc, mưa lớn trong đêm và rạng sáng nay khiến nhiều tuyến đường TP. Vĩnh Yên ngập sâu. Trong đó, tại phường Khai Quang, bị ngập sâu tại khu vực qua cổng Công an tỉnh Vĩnh Phúc và Siêu thị điện máy HC. Ngoài ra, gầm cầu vượt đường sắt trên đường tỉnh 310B, đoạn qua huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc cũng ngập sâu khiến nhiều xe ô tô chết máy, mắc kẹt trên đường. Trên QL2B, đoạn dẫn lên thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc có khoảng 10 điểm sạt lở lớn nhỏ gây cản trở, ách tắc cục bộ.
Lùi thời hạn trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sang kỳ họp thứ 4
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, Chương trình xây dựng pháp luật năm 2021 và các tháng đầu năm 2022 được triển khai thực hiện nghiêm túc, hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra, góp phần tích cực hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất.
Nhờ công tác chuẩn bị kỹ lưỡng, thời gian tổ chức kỳ họp của Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được rút ngắn, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả. Các luật, nghị quyết được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua đều đạt tỷ lệ đồng thuận rất cao. Chất lượng văn bản được nâng lên, kịp thời thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt về thể chế, tạo động lực cho phát triển bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác lập và triển khai thực hiện Chương trình vẫn còn một số hạn chế, bất cập, như một số hồ sơ đề nghị xây dựng luật, nghị quyết chưa bảo đảm chất lượng, chưa đầy đủ theo quy định, chưa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận đưa vào Chương trình để có thời gian hoàn thiện thêm; việc gửi hồ sơ dự án, dự thảo đến cơ quan thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội không ít trường hợp chưa bảo đảm thời gian theo quy định; vẫn còn tình trạng dự án đã được đưa vào Chương trình nhưng không chuẩn bị kịp để trình Quốc hội theo đúng kế hoạch.
"Những hạn chế này có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng chủ yếu là do công tác tổ chức thực hiện chưa tốt, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật chưa nghiêm," Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.
Theo ông Hoàng Thanh Tùng, trên cơ sở xem xét đề nghị của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, ý kiến tham gia thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội và theo quy định tại Điều 51 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định bổ sung vào Chương trình năm 2022 các dự thảo nghị quyết của Quốc hội gồm Nghị quyết về kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa để Chính phủ kịp chuẩn bị hồ sơ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 3 theo quy trình tại một kỳ họp.
Hà Nội: Xử lý gần 50 nghìn trường hợp vi phạm quy định bảo vệ môi trường
Mới đây, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.Hà Nội đã tổ chức tổng kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 31/5/2017 của Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”.
Theo báo cáo, tết quả, từ ngày 31/5/2017 đến 26/4/2022, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 47.419 trường hợp vi phạm, phạt tiền 149.718.100.000 đồng, tạm giữ 627 phương tiện, tước quyền sử dụng GPLX có thời hạn 4.672 trường hợp.
Trong đó, các hành vi vi phạm về vệ sinh môi trường gồm: Xử lý hành vi chở hàng rời, chất thải, vật liệu xây dựng dễ rơi vãi mà không có mui, bạt che đậy hoặc có mui, bạt 7.334 trường hợp, phạt tiền 20.543.850.000 đồng; Xử lý hành vi lôi kéo đất ra đường bộ gây mất an toàn giao thông và vệ sinh môi trường 12.186 trường hợp, phạt tiền 32.306.750.000 đồng; Xử lý các đầu mối bốc xếp hàng hóa 489 trường hợp, phạt tiền 414.000.000 đồng; Xử lý về nồng độ khí thải vượt quy định cho phép khi tham gia giao thông 07 trường hợp, phạt tiền 2.800.000 đồng.
Cùng với đó, Thanh tra Sở triển khai phối hợp với Cục Đăng Kiểm Việt Nam tiến hành đo nồng độ khí thải của các phương tiện vận chuyển hành khách, hàng hóa vi phạm về nộng độ khí thải cho phép. Kết hợp với công tác kiểm tra, xử lý Thanh tra Sở tiến hành yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, đầu mối bốc xếp hàng hóa, các chủ đầu tư đơn vị thi công các công trình ký cam kết chấp hành các quy định của pháp luật đảm bảo vệ sinh môi trường, không chở hàng quá tải, không xếp hàng vượt quá tải trọng phương tiện.
Nước sông dâng cao ngay trong mùa khô - Nguy cơ xấu cho vùng ĐBSCL
Theo các chuyên gia, năm 2022, tình hình xâm nhập mặn (XNM) ở ÐBSCL được đánh giá là không gay gắt như mọi năm. Do các đập thủy điện thượng nguồn gia tăng xả nước, làm mực nước sông Mekong dâng cao, cùng với các cơn mưa xuất hiện sớm đã giúp giảm hạn mặn. Tuy nhiên, nước sông dâng cao ngay trong mùa khô sẽ làm đảo lộn quy luật tự nhiên, có khả năng gây tác hại xấu cho ÐBSCL.
Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, dòng chảy bình quân của sông Mekong về ÐBSCL từ tháng 4 đến nay ở mức cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN), do ảnh hưởng của xả nước gia tăng từ thủy điện ở thượng nguồn và hạ lưu vực Mekong có nhiều tác động tích cực, làm giảm XNM trong tháng 4, 5. Việc các đập thủy điện xả nước có tác động tích cực làm giảm hạn, mặn cho vùng ven biển ÐBSCL. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh cáo điều này sẽ gây ra một số nguy cơ lâu dài cho ÐBSCL.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ÐBSCL cho biết, nước sông Mekong mùa khô năm 2022 cao hơn bình thường do các đập thủy điện trên sông Mekong tích nước nhiều trong mùa mưa năm 2021. Ðến cuối năm 2021 thì 45 đập đã gần đầy nước. Sang mùa khô năm 2022, lượng nước này được các đập xả ra để phát điện làm cho dòng chảy mùa khô trên sông Mekong cao hơn bình thường. Bên cạnh đó, việc tích nước trong mùa lũ năm 2021 của các đập đã làm dòng chảy nước lũ yếu đi, không còn sức mạnh tải bùn cát, phù sa về đồng bằng. Do thiếu phù sa, thiếu cát sẽ gây sạt lở bờ sông, bờ biển ở khu vực này.
Tại TP. Cần Thơ, dự báo từ tháng 7/2022, mực nước bắt đầu lên cao dần do triều, đỉnh triều cường các tháng 8 và 9 lên cao ở mức báo động II (1,9m) và báo động III (2m); các tháng 10 và 11 mực nước cao nhất sẽ vượt mức báo động III, có khả năng ở mức 2,1-2,2m, vượt báo động III từ 0,1-0,2m. Các khu vực trũng thấp sẽ bị ngập sâu trong nước, ảnh hưởng sinh hoạt, đi lại, sản xuất, kinh doanh của người dân... Ngành chức năng, các quận, huyện và người dân TP.Cần Thơ cần chủ động đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa rất to trong thời đoạn ngắn, dông mạnh kèm theo lốc xoáy, sấm sét; triều cường kết hợp với mưa lớn gây ngập lụt một số vùng trũng thấp...
Đà Nẵng: Đầu tư 300 triệu để theo dõi quan trắc phóng xạ môi trường
UBND TP. Đà Nẵng vừa phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí xây dựng Đề án “Quan trắc phóng xạ môi trường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030” với kinh phí gần 300 triệu đồng.
Theo đó, Đề án “Quan trắc phóng xạ môi trường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030” có mục tiêu tiếp tục theo dõi diễn biến phóng xạ môi trường, phát hiện sự thay đổi bất thường về phóng xạ trên địa bàn Thành phố; hỗ trợ cho công tác ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân trên địa bàn Thành phố và khu vực xung quanh.
Đồng thời, cập nhập bổ sung những vị trí quan trắc phóng xạ tại các khu vực có nguy cơ về bức xạ, hạt nhân theo quy hoạch chung Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2045; tạo cơ sở dữ liệu về hiện trạng phóng xạ môi trường TP.ố Đà Nẵng qua các năm, làm cơ sở để các cấp thẩm quyền xây dựng chiến lược, chính sách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng phát triển bền vững.
Được thực hiện trong năm 2022, với tổng kinh phí gần 300 triệu đồng, sản phẩm của đề án là Báo cáo Đề án quan trắc phóng xạ môi trường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, gồm các nội dung thực hiện chính: thu thập tài liệu, số liệu về hiện trạng tự nhiên, kinh tế - xã hội, định hướng phát triển, quy hoạch phân khu chức năng…
Những phát hiện quan trọng cho tài liệu đàm phán tại COP27
Báo cáo Tình trạng Khí hậu toàn cầu năm 2021 của WMO đã bổ sung cho đánh giá mới nhất của Ủy ban Liên chính phủ về BĐKH, bao gồm một số phát hiện sẽ được sử dụng làm tài liệu đàm phán trong Hội nghị khí hậu của LHQ tại Ai Cập (COP27) vào cuối năm nay.
Cụ thể, nồng độ khí nhà kính đạt mức cao mới trên toàn cầu vào năm 2020 và tiếp tục tăng vào năm 2021, với nồng độ carbon dioxide lên đến 413,2 phần triệu trên toàn cầu, tăng 149% so với mức tiền công nghiệp.
Nhiệt độ đại dương đạt mức cao kỷ lục khác. Độ sâu trên 2.000m dưới đại dương trở nên ấm hơn vào năm 2021 và sẽ tiếp tục ấm lên trong tương lai, gây ảnh hưởng đến các hệ sinh thái biển sâu, đặc biệt là các rạn san hô.
Biển bị axit hóa: Lượng carbon dioxide dư thừa mà đại dương đang hấp thụ (khoảng 23% lượng khí thải hàng năm) khiến nước biển đang ngày càng bị axit hóa, gây ảnh hưởng tiêu cực đến các sinh vật và hệ sinh thái, đồng thời đe dọa an ninh lương thực và hoạt động du lịch của con người. Giáo sư Taalas cho biết, 90% nhiệt lượng dư thừa mà con người thải ra hành tinh đều được lưu trữ trong đại dương.
Mực nước biển tăng: Mực nước biển tăng kỷ lục 4,5mm mỗi năm trong giai đoạn 2013 - 2021, chủ yếu do băng tan, khiến hàng trăm triệu cư dân ven biển phải đối mặt với nhiều cơn bão nhiệt đới hơn trước đây.
Băng quyển: Các sông băng trên thế giới đã mỏng đi 33,5m kể từ năm 1950.
Sóng nhiệt: Nhiệt độ nóng đã phá kỷ lục trên khắp miền Tây Bắc Mỹ và Địa Trung Hải vào năm 2021. Thung lũng Chết ở California đạt 54,4°C vào ngày 9/7, nhiệt độ ở Syracuse, Sicily (Ý) cũng đạt ngưỡng 48,8°C.
Lũ lụt và hạn hán: Lũ lụt gây ra thiệt hại kinh tế 17,7 tỷ USD ở Hà Nam (Trung Quốc) và 20 tỷ USD ở Đức, đồng thời, khiến rất nhiều người dân thiệt mạng. Hạn hán đã ảnh hưởng đến nhiều nơi trên thế giới, bao gồm vùng đất Sừng châu Phi, Nam Mỹ, Canada, miền Tây nước Mỹ, Iran, Afghanistan, Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ. Selwin Hart, cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký về Hành động vì Khí hậu khẳng định: "Nếu bạn đang sống ở Trung Mỹ, Nam Mỹ, Trung, Đông hoặc Tây Phi, Nam Á, bạn có nguy cơ tử vong vì khí hậu cao gấp 15 lần”.
An toàn thực phẩm: Tác động từ xung đột, thời tiết cực đoan và các cú sốc kinh tế đã làm giảm tiến trình cải thiện an ninh lương thực trên toàn cầu. Trong tổng số người suy dinh dưỡng vào năm 2020, có hơn một nửa sống ở châu Á (418 triệu người) và một phần ba ở châu Phi (282 triệu người).
Di cư: Những mối nguy liên quan đến nước tiếp tục góp phần vào sự di dời nội bộ. Quốc gia có số người di cư cao nhất tính đến tháng 10/2021 phải kể đến Trung Quốc (hơn 1,4 triệu), Philippines (hơn 386 nghìn người).
Lan Anh