Thứ sáu, 26/04/2024 23:32 (GMT+7)
Thứ ba, 24/05/2022 10:50 (GMT+7)

Đề xuất tái khởi động dự án mỏ sắt Thạch Khê: Nguy cơ ảnh hưởng xấu đến môi trường (Bài 4)

Theo dõi KTMT trên

GS.TS Hoàng Xuân Cơ cho rằng, trong bối cảnh mỏ Thạch Khê được khai thác sâu xuống hàng chục mét so với mực nước biển tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Tiếp tục tuyến bài phản biện "Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê dưới góc nhìn Kinh tế môi trường", Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi với GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Trưởng ban Nghiên cứu Khoa học, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE).

Lưu ý bài học Formosa

Trước việc Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đề nghị Chính phủ cho phép được tái khởi động triển khai Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh), GS.TS Hoàng Xuân Cơ cho rằng, để tái khởi động lại Dự án trước hết cần phải làm rõ hai yếu tố quan trọng là kỹ thuật và kinh tế. Bên cạnh đó, hai yếu tố này cần phải gắn liền với yếu tố môi trường.

Về góc độ kinh tế, khai thác nguồn tài nguyên, khoáng sản là một trong những động lực cho phát triển kinh tế đất nước. Mỏ sắt Thạch Khê là một trong những mỏ khoáng sản lớn bậc nhất cả nước, nếu khai thác hiệu quả sẽ mang về nguồn thu lớn cho ngân sách.

Đề xuất tái khởi động dự án mỏ sắt Thạch Khê: Nguy cơ ảnh hưởng xấu đến môi trường (Bài 4) - Ảnh 1
GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Trưởng ban Nghiên cứu Khoa học, VIASEE.

“Dưới góc nhìn kinh tế, điều mà các nhà khoa học đang băn khoăn là mỏ sắt Thạch Khê có chứa làm lượng kẽm khá lớn, do đó việc tìm đầu ra cho quặng là một bài toàn khó.

Hiện nay trên thế giới, để để xem xét một dự án hay chính sách có làm tăng phúc lợi cộng đồng hay không, nhiều nước đã dùng phương pháp phân tích chi phí - lợi ích (Cost-Benefit Analysis - CBA). Ở dự án Thạch Khê, cần phải phân tích chi phí - lợi ích mở rộng bởi yếu tố môi trường rất quan trọng

Mọi thứ cần được cân nhắc kỹ lưỡng, bởi không phải dự án công nào cũng có thể đo lường hết lợi ích chi phí. Việc đánh giá tác động môi trường như trước đây chưa mang hiệu quả cao. Ở dự án lớn như mỏ sắt Thạch Khê, để đánh giá tác động môi trường, cần phải có ý kiến của các nhà khoa học tầm cỡ, đánh giá chi tiết lại toàn bộ các vấn đề về môi trường”, GS.TS Hoàng Xuân Cơ nhấn mạnh.

Theo Trưởng ban nghiên cứu khoa học của VIASEE, cần cân nhắc kỹ việc tính toán chi phí lợi ích của Dự án bởi có thể sẽ có những phát sinh lớn trong dự án, về mặt nguồn tiền, thậm chí là cả dư luận.

“Tôi lấy ví dụ về dự án Formosa, có rất nhiều chi phí phát sinh như vậy. Song, về mặt dư luận, mặc dù sự cố đã đi qua nhưng tôi cho rằng vẫn còn âm ỉ. Do đó, phải cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, có như vậy mới đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững mà Chính phủ đề ra. Câu hỏi được đặt ra ở đây là công nghệ liệu có đáp ứng được sự cân bằng đó?

Cần phải hiểu rằng, Hà Tĩnh là dải đất hẹp, là vùng lãnh thổ có tính đặc thù, vì vậy cần phải khảo sát một cách thật chi tiết các tác nhân có thể gây ra rủi ro lớn ở tất cả các phương diện, từ đó đưa ra kết luận cuối cùng”, GS.TS Hoàng Xuân Cơ đặt vấn đề.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Về yếu tố kỹ thuật, GS.TS Hoàng Xuân Cơ nhận định, với sự phát triển của khoa học công nghệ hiện nay, có thể khởi động lại dự án mỏ Thạch Khê.

"Tôi nghĩ rằng công nghệ hiện nay so với 14 năm trước đã phát triển hơn rất nhiều. Do đó, tôi cho rằng nên khởi động lại dự án. Việc chứng minh công nghệ khai thác có hiệu quả hay không phải dựa trên nguyên tắc phản biện: Công bố công khai tất cả các thông tin về dự án. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng vẫn phải từ các cơ quan có thẩm quyền", vị chuyên gia về môi trường nêu quan điểm.

Đề xuất tái khởi động dự án mỏ sắt Thạch Khê: Nguy cơ ảnh hưởng xấu đến môi trường (Bài 4) - Ảnh 2
Một góc mỏ sắt Thạch Khê được người dân chăn thả gia súc.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ lưu ý, dù áp dụng công nghệ khai thác nào đi chăng nữa cũng phải gắn liền với yếu tố môi trường. Trong bối cảnh mỏ Thạch Khê được khai thác sâu xuống hàng chục mét so với mực nước biển sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Đây cũng là điều mà chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh rất quan tâm bởi khu vực mỏ có bán kính khoảng 30km sẽ có nguy cơ bị hoang mạc hóa do khoảng cách từ mạch nước ngầm đến mặt đất khá ngắn.

Mỏ Thạch Khê (Thạch Hà, Hà Tĩnh) là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á, được phát hiện từ năm 1960, với trữ lượng khoảng 544 triệu tấn. Theo đánh giá, tổng sản lượng quặng khai thác từ mỏ Thạch Khê có thể đạt mức 370 - 400 triệu tấn. Thời gian đầu có thể khai thác 10 - 15 triệu tấn mỗi năm. Doanh thu cả đời dự án được đánh giá vào khoảng 35 tỷ USD, nộp ngân sách khoảng 9 tỷ USD, góp phần tăng GDP hàng năm 0,3 - 1%.

(Còn nữa)

Hoàng Hải

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất tái khởi động dự án mỏ sắt Thạch Khê: Nguy cơ ảnh hưởng xấu đến môi trường (Bài 4). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới