Thứ bảy, 20/04/2024 00:21 (GMT+7)
Thứ bảy, 21/05/2022 09:50 (GMT+7)

Đề xuất tái khởi động mỏ sắt Thạch Khê: Khó khả thi về kỹ thuật, kinh tế và môi trường (Bài 3)

Theo dõi KTMT trên

TS. Nguyễn Thành Sơn nhấn mạnh, không nên tái khởi động dự án do nhiều khía cạnh không khả thi, cả về kỹ thuật, kinh tế và môi trường.

Tiếp tục tuyến bài phản biện "Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê dưới góc nhìn Kinh tế môi trường", Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Thành Sơn - nguyên Trưởng ban Chiến lược của Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV).

TS. Nguyễn Thành Sơn: Không khả thi

Trước việc TKV đề nghị Chính phủ cho phép tái khởi động triển khai Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê, TS. Nguyễn Thành Sơn nhấn mạnh, không nên tái khởi động Dự án do nhiều khía cạnh không khả thi, cả về kỹ thuật, kinh tế và môi trường.

Theo vị chuyên gia, đầu tiên về mặt kỹ thuật, điều kiện khai thác ở mỏ sắt Thạch Khê thuộc loại khó khăn bậc nhất thế giới khi dự án nằm sát biển, cách bờ biển chỉ khoảng 1 km, phía dưới có tầng đá vôi ngăn cách. Tầng đá vôi bị nước xâm thực, tạo ra hang động. Các hang động này có nguy cơ làm nước biển dẫn vào mỏ sắt.

Ở trường hợp khai thác lộ thiên sẽ phải xuống sâu dưới mực nước biển, càng làm tăng nguy cơ ngập nước vào mỏ. Trong khi đó, TKV chưa thể đưa ra được giải pháp chu toàn cho vấn đề này.

Đề xuất tái khởi động mỏ sắt Thạch Khê: Khó khả thi về kỹ thuật, kinh tế và môi trường (Bài 3) - Ảnh 1
TS. Nguyễn Thành Sơn.

Tạm gác lại vấn đề về môi trường, vấn đề kỹ thuật và kinh tế là điều có thể định lượng được, trên cở sở đó, hoàn toàn có thể tính toán và đánh giá mức độ khả thi cho dự án.

"Trước đây, chuyên gia đến từ Liên Xô cũ từng tính toán đến khả năng làm giảm mực nước trong mỏ bằng cách vây khu mỏ bằng hệ thống máy bơm nước có công suất lớn để khi nước tràn vào sẽ được bơm ra. Tuy nhiên phương án này quá tốn kém nên các chuyên gia Liên Xô đã loại bỏ.

Ngoài ra về mặt luyện kim, theo nghiên cứu của các chuyên gia Đức, do hàm lượng kẽm trong sắt cao nên khi quặng bị nung ở nhiệt độ cao sẽ làm lò bị phá hủy. Để khả thi, hàm lượng kẽm trong quặng phải ở một mức nhất định.

Bên cạnh đó, dự án cũng không có tính khả thi về mặt kinh tế khi giá nguyên liệu (quặng sắt – PV) ở mỏ Thạch Khê không thể cạnh tranh với nguyên liệu từ Nhật Bản, Australia, Brazil. Minh chứng rõ rệt nhất là Công ty Formosa và Tập đoàn Hòa Phát phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài", ông Sơn phân tích.

Có cần thanh tra dự án?

Ở một góc nhìn khác, TS. Nguyễn Thành Sơn đặt vấn đề, phải chăng việc TKV đề xuất khởi động lại Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê là để “lấp liếm” đi những vấn đề tiêu cực ở giai đoạn trước?

"Riêng chuyện giải phóng đền bù với số tiền đầu tư 1.600 tỷ đồng, tôi cho rằng, rất có thể sẽ phát hiện tiêu cực nếu dự án bị thanh tra. 1.600 tỷ đồng thì có rất nhiều trong số đó được đầu tư cho khâu xây dựng cơ bản mỏ Thạch Khê. Số tiền đó được lấy từ tiền ngân sách bởi TKV là doanh nghiệp Nhà nước", ông Sơn nêu quan điểm.

Trước đó, PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam, từng đặt vấn đề về việc, nếu tính giá trị trung bình của 300 triệu mét khối cát nước ngọt ở trên mỏ sắt Thạch Khê với đơn giá 50.000 đồng/mét khối (lấy từ giá cát san nền ở Hà Nội), thì đã có ít nhất 15.000 tỷ đồng không được hạch toán trong dự án.

Về vấn đề này, TS. Nguyễn Thành Sơn cho rằng, có thể số tiền 15.000 tỷ đồng sẽ được tính giá thành. Điều quan trọng nằm ở chỗ số cát đó phải được minh bạch, khối lượng phải tương ứng với số tiền được hạch toán. Đó cũng là vấn đề cần phải được thanh tra.

"Chính TKV cũng không thể quản lý được bãi thải khi về nguyên tắc thì thải ra đó cũng là đã tính vốn đầu tư. Bãi thải đó không được hình thành, thiết kế đúng theo tiêu chuẩn, cát có thể bị trôi dạt. Tôi không loại trừ khả năng TKV khai khống khối lượng xây dựng cơ bản, ở đây có dấu hiệu che đậy khuyết điểm đã có trong quá trình triển khai từ trước đến nay, cần phải được làm rõ, đặc biệt là tính khả thi về kỹ thuật, kinh tế", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Đề xuất tái khởi động mỏ sắt Thạch Khê: Khó khả thi về kỹ thuật, kinh tế và môi trường (Bài 3) - Ảnh 2
Mỏ sắt Thạch Khê nhìn từ trên cao.

Trở lại thời điểm cách đây hơn 13 năm, vào tháng 9/2009, Công ty cổ phần Khai thác mỏ sắt Thạch Khê - TIC (do TKV nắm cổ phần chi phối) đã tiến hành bóc đất tầng phủ (đến tháng 7/2011 đã tới độ sâu -28m, đạt 12,7 triệu m3), kéo theo đó là tình trạng tụt mạch nước ngầm và đặc biệt là hoang mạc hóa đã để lại hậu quả nặng nề cho đời sống dân sinh của người dân vùng mỏ, chưa biết đến bao giờ mới hàn gắn, hoàn trả được…

Đây cũng là điều mà chính quyền tỉnh Hà Tĩnh rất quan tâm bởi khu vực mỏ có bán kính khoảng 30km sẽ có nguy cơ bị hoang mạc hóa do khoảng cách từ mạch nước ngầm đến mặt đất khá ngắn.

Về vấn đề này, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã liên hệ với Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay, chúng tôi chưa nhận được ý kiến phản hồi của Tập đoàn. 

(Còn nữa)

Hoàng Hải

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất tái khởi động mỏ sắt Thạch Khê: Khó khả thi về kỹ thuật, kinh tế và môi trường (Bài 3). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới