Thứ sáu, 26/04/2024 18:06 (GMT+7)
Thứ ba, 24/05/2022 06:45 (GMT+7)

Giải bài toán khan hiếm cát tự nhiên, bảo vệ môi trường

Theo dõi KTMT trên

Các chuyên gia nhận định, việc sử dụng các vật liệu thay thế cát tự nhiên là giải pháp đem lại nhiều lợi ích.

Theo Vụ Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng), số liệu thống kê từ các địa phương cho thấy, tổng trữ lượng cát, sỏi đủ tiêu chuẩn làm cát xây dựng được các địa phương phê duyệt theo thẩm quyền khoảng 692 triệu m3; công suất cấp phép khai thác cát xây dựng khoảng 62 triệu m3/năm.

Tuy nhiên, theo tính toán của Viện Vật liệu xây dựng thì nhu cầu sử dụng cát xây dựng cả nước hàng năm khoảng 130 triệu m3. Như vậy, nguồn cung hợp pháp chỉ đáp ứng được từ 40-50% nhu cầu cát xây dựng. 

Nguy cơ hiện hữu

Thực tế, cát sỏi dần trở thành một nguồn tài nguyên khan hiếm. Do nguồn thu từ khai thác, buôn bán loại vật liệu này ngày càng trở lên hấp dẫn, lợi nhuận cao nên hoạt động khai thác cát sỏi trái quá mức phát triển với qui mô lớn, gây tổn hại đến môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và tiêu tốn tài nguyên, gây sạt lở bờ sông, thay đổi dòng chảy tự nhiên, đe doạ các công trình.

Việc hút cát quá mức, bừa bãi khiến đáy sông Hồng càng ngày bị hạ thấp, làm dòng chảy biến dạng kéo theo hàng loạt sự cố xói lở bãi sông, đê, kè. Nhiều vị trí đáy sông Hồng, đoạn qua địa bàn thành phố Hà Nội đã bị sụt 2-3 m so với 5-10 năm trước đây. Cá biệt, tại khu vực kè Sen Hồ (huyện Gia Lâm) có một số vị trí đáy sông bị hạ thấp tới 10 m so với 10 năm trước. Còn tại khu vực cầu Vĩnh Tuy, đáy sông bị hạ thấp khoảng 8 m.

Không riêng thành phố Hà Nội, các tỉnh nằm trong lưu vực sông Hồng cũng diễn ra tình trạng khai thác cát quá mức, tác động tiêu cực đến môi trường, an sinh xã hội.

Giải bài toán khan hiếm cát tự nhiên, bảo vệ môi trường - Ảnh 1
Khai thác cát trái phép trên sông Mã, tỉnh Điện Biên (Ghi nhận tháng 3/2022).

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, hơn 1/2 chiều dài bờ biển của vùng này bị sạt lở, tương đương 300 km. Nguyên nhân là tổng lượng phù sa sông Me Kong giảm một nửa và hoạt động khai thác cát tràn lan trên các sông.

Hệ quả của việc khai thác cát khiến đáy sông Tiền và sông Hậu hạ thấp xuống mức trung bình 1,3 m, nước chảy xiết và ăn ngầm bên dưới tạo ra "hàm ếch" rộng, gây sạt lở bờ sông và bờ biển. Về lâu dài nó còn đe dọa nhiều công trình cầu lớn bắc qua các con sông.

Bên cạnh đó, việc khai thác cát quá mức làm khối lượng phù sa về Đồng bằng sông Cửu Long hiện tại chỉ còn từ 25-35% so với những năm 1990 và từ 50-60% so với những năm gần đây. Các chuyên gia dự báo, lượng phù sa đổ về Đồng bằng sông Cửu Long sẽ chỉ còn dưới 10%.

Trong tương lai, khi có 11 đập ở vùng hạ lưu sông Me Kong gồm 9 đập ở Lào và 2 ở Campuchia, các nghiên cứu đều khẳng định lượng cát về Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị sụt giảm cực kỳ nghiêm trọng. Lúc này chỉ còn lượng cát có từ trong quá khứ và dần cũng sẽ hết.

Giải pháp khả thi

Các chuyên gia nhận định, để khắc phục tình trạng trên, việc sử dụng các vật liệu thay thế cát tự nhiên là giải pháp đem lại nhiều lợi ích.

Theo ông Lương Văn Hùng - Vụ Vật liệu Xây dựng, hiện nay nhiều doanh nghiệp tại các địa phương - nơi có nguồn đá tự nhiên đã đầu tư dây chuyền sản xuất cát nghiền phục vụ cho nhu cầu tại chỗ. Đồng thời, cung cấp cho các địa phương khác không có nguồn đá để sản xuất cát nghiền. Đặc biệt, thị trường tiêu thụ lớn nhất vẫn là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh.

Nhiều dây chuyền sản xuất cát nghiền hiện nay được đầu tư công nghệ thiết bị sản xuất thuộc loại tiên tiến, mức độ cơ giới hoá, tự động hoá cao, quy mô công suất khoảng từ 100.000 – 500.000 m3/năm.

Giải bài toán khan hiếm cát tự nhiên, bảo vệ môi trường - Ảnh 2
Ảnh minh họa.

Hiện năng lực sản xuất cát nghiền ở Việt Nam cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu sử dụng, khối lượng và mức độ sử dụng tuỳ thuộc vào điều kiện thực tế của từng địa phương. Cát nghiền được sử dụng để sản xuất vữa bê tông, vữa xây dựng, gạch bê tông, gạch lát vỉa hè, sân bãi.

Kiểm soát chặt việc khai thác cát tự nhiên, thay đổi thói quen sử dụng cát tự nhiên trong xây dựng đã hình thành từ lâu. Tuy nhiên, để cát nghiền dần thay thế cát tự nhiên, cần đến nhiều giải pháp đồng bộ.

Các chuyên gia cho rằng, thời gian tới, cơ quan chức năng cần phải tiếp tục khắc phục một số nguyên nhân để tăng cường sản xuất và sử dụng các loại vật liệu xây dựng thay thế cát, sỏi tự nhiên. Cùng với đó, khẩn trương ban hành hệ thống tiêu chuẩn, định mức sử dụng cát nghiền để làm cơ sở pháp lý nhằm phát triển sản xuất và sử dụng loại vật liệu thay thế này.

Ngọc Hà

Bạn đang đọc bài viết Giải bài toán khan hiếm cát tự nhiên, bảo vệ môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới